Tàu buồm hải quân

HQVN -

Hiện nay, trong biên chế hải quân nhiều nước trên thế giới vẫn hiện diện những chiếc tàu buồm. Vì sao người ta vẫn huấn luyện hàng tháng trời về cách giương buồm, hạ buồm và điều khiển cánh buồm cho những thủy binh sẽ đi trên những con tàu chạy bằng động cơ diesel hay nguyên tử?

Phần 1: Tàu, thuyền buồm trong lịch sử

Con người đã hoạt động trên biển cách đây trên 6.000 năm. Tàu, thuyền buồm và việc thám hiểm các đại dương được xem là thành tựu kỹ thuật vĩ đại của nhân loại.

Những chuyến đi biển thời kì đầu

Buổi đầu, con người đi lại qua các vùng nước gần bờ và ven biển nhằm tìm kiếm nguồn thực phẩm thông qua đánh bắt cá và mở rộng diện tích săn bắn. Nó cũng trở thành yếu tố quan trọng trong giao tiếp với các nền văn hoá khác. Thông qua quá trình thực dân hóa, người ta có thể mở rộng lãnh thổ, bộ lạc, địa vị, sự giàu có và thương mại. Trong bối cảnh đó, hàng hải mang lại lợi ích rất lớn và các thủ lĩnh đi biển được tôn sùng làm lãnh tụ.

Các nhà đóng tàu thuyền đã dần tích lũy kiến ​​thức về vật liệu. Trước tiên, họ đóng tàu thuyền có thể đi lại trong vùng biển gần bờ và sau đó là vượt đại dương, sử dụng các dấu hiệu dẫn đường cơ bản nhất từ ​​bầu trời, biển cả và thời tiết. Yêu cầu đầu tiên với một con tàu là sức nổi. Cây gỗ và lau sậy đã được sử dụng. Da động vật cũng được dùng làm vỏ bọc cho các khung sườn định hình thân tàu thuyền.

Rồi nhờ biết sử dụng lửa và công cụ kim loại, những thân cây đã được đục rỗng thành thuyền độc mộc. Khi công cụ phát triển, người ta có thể xẻ cây lớn ra thành các tấm ván để đóng tàu thuyền lớn hơn. Ván gỗ được dùng để tăng chiều cao mạn khô của thuyền độc mộc. Khi có thể gắn các tấm ván với nhau một cách an toàn, đó là lúc xuất hiện những chiếc thuyền có chiều dài và sức chở lớn. Người ta còn có thể tạo ra các phần cong mở rộng ở mũi và lái, làm xuất hiện các kiểu loại tàu thuyền có mục đích sử dụng khác nhau.

Sự xuất hiện của tàu, thuyền buồm

Những thuyền buồm sơ khai di chuyển nhờ mái chèo, rồi tiến tới lợi dụng hiệu ứng gió thuận và nghịch bằng các nh buồm, biến thành lực đẩy tàu dịch chuyển. Da động vật căng trên các nhánh cây, sợi cây lau sậy đan dệt hoặc những tấm vải sơ khai đã trở thành cánh buồm như ta biết ngày nay. Các kỹ thuật liên quan đến cánh buồm đã phát triển tương đối nhanh. Một cánh buồm đơn được căng kéo từ một xà treo buồm và một cột buồm trước tiên là để đón gió thuận, khi gió đến từ phía sau, với sức mạnh có thể kiểm soát. Cánh buồm thường có hình chữ nhật, là hình dạng tự nhiên nếu người ta sử dụng da động vật hoặc đồ đan dệt bằng tay để tối đa diện tích. Trên tàu, thuyền người ta có thể gắn nhiều cánh buồm và cột buồm.

Rồi xuất hiện buồm đỉnh nhằm tận dụng chiều cao của cột buồm. Từ đó, người ta bắt đầu hiểu ra giá trị của việc lợi dụng hiệu ứng khe giữa các cánh buồm. Ảnh hưởng của gió lên cánh buồm rất phức tạp. Thân tàu cũng bị tác động do bị đẩy vào khối nước theo một góc nhất định. Khi đó, nếu không được điều khiển, thân tàu sẽ xoay và trôi dạt theo hướng gió. Sự xuất hiện của mái chèo giữ hướng, sau đó là bánh lái thể hiện tiến bộ lớn của quá trình chinh phục tàu, thuyền buồm.

Bằng cách điều khiển hướng tàu và sắp xếp hợp lý các cánh buồm, cột buồm, thủy thủ có thể lên kế hoạch đi biển với hướng gió dự kiến. Tuy vậy, hướng và sức gió không ổn định, rất khó kiểm soát. Thủy thủ tàu buồm phải xử lý mọi áp lực mà gió mang đến. Ban đầu, người ta thay đổi kích cỡ và hình dáng các cánh buồm. Sau đó là xếp đặt vị trí các kiểu loại buồm khác nhau. Dần dần người ta hiểu được sự tương tác giữa các cánh buồm. Sự xếp đặt hợp lý các cánh buồm có tác dụng như những chiếc quạt bổ sung làm tăng lưu lượng không khí tác động lên các cánh buồm, kết quả là tăng lực đẩy tàu. Đây là một trong những kỹ năng quan trọng nhất của thủy thủ tàu buồm.

Hành trình vượt đại dương

Các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều đồ vật gần các bến cảng thời cổ đại có nguồn gốc từ những nơi cách xa hàng nghìn hải lý. Gỗ, kim loại, hàng hóa cồng kềnh khác được tìm ra chứng tỏ các tàu thuyền kích cỡ lớn, có khả năng vượt biển xa đã được sử dụng cho mục đích thương mại. Có bằng chứng cho thấy, các chuyến vượt biển đường dài bằng tàu buồm đã bắt đầu cách đây mấy nghìn năm. Trên thực tế, hầu như mọi hoạt động thương mại quốc tế đều nhờ tàu buồm cho đến khi xuất hiện tàu hơi nước, phương tiện cơ giới và máy bay. Gần đây người ta bắt đầu có những đánh giá về quãng đường mà tàu buồm buổi sơ khai chinh phục đại dương. Nghiên cứu các chuyến đi của nhà thám hiểm người Na Uy Thor Heyerdahl chỉ ra các thủy thủ thời xa xưa có thể đã vượt qua Nam Đại Tây Dương và thâm nhập sâu vào Thái Bình Dương bằng bè mảng gắn cánh buồm.

Ngày nay chúng ta biết rõ hơn về các chuyến vượt Đại Tây Dương của Columbus và Cabot ở thế kỉ 15. Trước đó, có thể người Na Uy, Ai-len... đã thực hiện các chuyến đi tương tự. Rõ ràng, tàu thuyền thời kì đó đã đi biển đường dài trong những điều kiện khắc nghiệt, giúp con người khám phá thế giới, thậm chí có những chuyến đi kéo dài trong nhiều năm.

Thanh Hải (Còn nữa)

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn