Tất cả vì những chuyến bay an toàn, thắng lợi

Đại tá Nguyễn Đức Cường, Trưởng phòng Kỹ thuật Hàng không

HQVN -

Trải qua 10 năm thành lập, xây dựng và phát triển, Phòng Kỹ thuật Hàng không (KTHK), Cục Kỹ thuật Hải quân luôn đoàn kết, chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, triển khai nhiều giải pháp thiết thực trong công tác đảm bảo kỹ thuật cho lực lượng Không quân Hải quân, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới.

Trước yêu cầu cấp thiết về xây dựng và phát triển lực lượng, nhằm tăng cường sức mạnh tổng hợp, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thềm lục địa của Tổ quốc, ngày 4-2-2010, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam ra quyết định số 181/QĐ-TM thành lập Phòng KTHK trực thuộc Cục Kỹ thuật Hải quân. Sự ra đời của Phòng KTHK, Ngành KTHK Hải quân là bước phát triển quan trọng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật Không quân Hải quân trong giai đoạn xây dựng Quân chủng Hải quân chính quy, tinh nhuệ và hiện đại.

Ngày kỹ thuật ở Lữ đoàn 954 Hải quân. Ảnh: Duy Khánh

Những ngày đầu thành lập, Phòng KTHK gặp rất nhiều khó khăn về biên chế, tổ chức, nguồn nhân lực và cơ sở bảo đảm kỹ thuật; quân số thiếu, trình độ chuyên môn không đồng đều, kinh nghiệm còn hạn chế, yêu cầu nhiệm vụ đa dạng và phức tạp. KTHK là một ngành mới của Quân chủng Hải quân, song được sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng ủy, thủ trưởng Bộ Tư lệnh Hải quân, trực tiếp là Đảng ủy, thủ trưởng Cục Kỹ thuật Hải quân, cùng với sự giúp đỡ có hiệu quả các cơ quan, đơn vị, cấp ủy, chỉ huy và cán bộ, nhân viên Phòng KTHK đã triển khai nhiều biện pháp sát đúng trong công tác bảo đảm kỹ thuật hàng không cho các máy bay của Lữ đoàn 954 Không quân Hải quân hoạt động ổn định. Đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật làm công tác bảo đảm KTHK thường xuyên nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tính độc lập, tự chủ, tự cường, vượt qua khó khăn, vươn lên làm chủ VKTBKT mới, hiện đại. Có những thành tích, kết quả đó là do sự kết hợp chặt chẽ, hiệu quả, khoa học giữa việc thực hiện các mặt công tác kỹ thuật với thực hiện Cuộc vận động 50 và 2 khâu đột phá về xây dựng nền nếp chính quy, làm chủ VKTBKT của Quân chủng.

Trực thăng Ka-28 huấn luyện cất hạ cánh ở Nhà giàn DK1. Ảnh: Trọng Thiết

Trong công tác khai thác, sử dụng và làm chủ VKTBKT mới, hiện đại, Ngành KTHK đã tích cực học tập, tận dụng sự giúp đỡ của chuyên gia n­ước ngoài, đồng thời chủ động tham mưu, đề xuất phối hợp với các cơ sở kỹ thuật trong và ngoài quân đội để xây dựng kế hoạch, biện pháp khai thác, sử dụng có hiệu quả các loại VKTBKT thế hệ mới. Nhờ vậy mà đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật toàn ngành đã nhanh chóng khai thác và làm chủ VKTBKT thế hệ mới, hiện đại. Từ năm 2012 đến 2019, Ngành KTHK đã bảo đảm đủ số lượng, chất lượng, chủng loại VKTBKT, bảo đảm tốt công tác kỹ thuật cho các chuyến bay nhiệm vụ; bay huấn luyện gần 7 nghìn giờ bay với gần 16 nghìn lần chuyến an toàn tuyệt đối cả về người và VKTBKT, cả trên không và mặt đất; tổ chức bảo dưỡng cho 675 lần chiếc máy bay; sửa chữa 570 hỏng hóc phát sinh, tổ chức thi nâng bậc thợ cho 146 nhân viên kỹ thuật, huấn luyện cho gần 1 nghìn lượt cán bộ, nhân viên kỹ thuật đạt kết quả tốt.

Đầu năm 2017, Đảng ủy, chỉ huy Cục Kỹ thuật Hải quân đã xác định quyết tâm giao cho Phòng KTHK chủ trì phối hợp với Viện Kỹ thuật Hải quân, Lữ đoàn 954 Không quân Hải quân và các cơ quan trong và ngoài quân đội khảo sát, sửa chữa khôi phục các tính năng cho hệ thống trực thăng Ka-28. Sau gần 2 năm triển khai thực hiện, với sự tích cực, khắc phục khó khăn, các cán bộ, kỹ sư, nhân viên kỹ thuật đã sửa chữa khôi phục thành công toàn bộ tính năng chiến kỹ-thuật hệ thống chuyên ngành trên chiếc trực thăng Ka-28 đầu tiên. Hội đồng nghiệm thu Quân chủng đánh giá cao và quyết định đưa vào khai thác sử dụng, huấn luyện khoa mục chuyên ngành cho phi công, tổ bay nhằm nâng cao khả năng chiến đấu cho lực lượng Không quân Hải quân. Phòng KTHK còn chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan khảo sát, thiết kế, chế tạo Nhà dùng để bảo dưỡng và che chắn cho trực thăng Ka-28 trên Tàu 011, Lữ đoàn 162 đặt đảm bảo chắc chắn, tính cơ động cao, mỹ quan, không ảnh hưởng tới tính năng kỹ, chiến thuật của tàu, bảo đảm an toàn, cho trực thăng khi hạ, cất cánh, lưu trú công tác dài ngày theo tàu trên biển.

Đến nay, Phòng đã tổ chức biên soạn hệ thống sổ sách quản lý, hướng dẫn chỉ đạo công tác chuyên ngành; biên dịch, biên soạn tài liệu Máy bay DHC-6, EC-225; xây dựng phần mền quản lý VKTBKT phục vụ cho công tác quản lý, khai thác và huấn luyện chuyên ngành KTHK. Phòng còn phối hợp với các cơ sở đảm bảo kỹ thuật trong Quân chủng phân lô, phân loại các loại đạn đặc chủng, vật tư máy lẻ KTHK, các trang thiết bị đo kiểm máy bay không người lái... đáp ứng kịp thời công tác bảo đảm kỹ thuật cho các nhiệm vụ.

Nhờ triển khai những giải pháp thiết thực trong thực hiện nhiệm vụ nên cán bộ, nhân viên Phòng KTHK luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, nhất là luôn tham mưu kịp thời, hiệu quả cho thủ trưởng Bộ Tư lệnh và Cục Kỹ thuật lãnh đạo, chỉ đạo công tác đảm bảo kỹ thuật hàng không, góp phần giúp lực lượng Không quân Hải quân triển khai và thực hiện những chuyến bay an toàn, thắng lợi, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới.

 

Thành tích nổi bật của Phòng KTHK: Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen (2014); Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen (2012, 2019); Bộ Tư lệnh Hải quân tặng danh hiệu Đơn vị Quyết thắng (2011, 2012, 2013, 2016, 2019); Danh hiệu Cơ quan Kỹ thuật tiêu biểu xuất sắc nhất Quân chủng Hải quân (2016)…

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn