Tăng gia ở đảo Núi Le

HQVN -

Hôm nay, tôi lại có dịp trở lại đảo Núi Le, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa công tác, được thấy sự đổi thay của đảo thật kỳ diệu. Đảo có nhà văn hóa đa năng cùng nơi ăn, ở, sinh hoạt của bộ đội khang trang, sạch đẹp. Những chú heo, chú chó mỡ màng đầy sức sống. Vườn rau xanh đa dạng chủng loại đang vươn dài.

Đầu tiên phải kể đến công lao của cán bộ, chiến sĩ tâm huyết với đảo, họ thực sự giàu kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt ở nơi này. Sau mỗi lần ra đảo làm nhiệm vụ, ai cũng trăn trở với công việc còn dang dở nên khi trở về đất liền, họ đều chủ động trau dồi kinh nghiệm để những chuyến ra đảo tiếp theo, ngoài mang theo tình yêu, lòng dũng cảm, tinh thần sẵn sàng chiến đấu hy sinh còn là kinh nghiệm về chăn nuôi, trồng trọt.

Thiếu tá Huỳnh Văn Sỹ, Chỉ huy trưởng của đảo Núi Le A cho biết: “Thời tiết khắc nghiệt ở đảo thật khó nuôi gia súc, gia cầm, cứ mang ra nuôi mười thì chết chín. Bởi vậy, tôi và các đồng đội luôn trăn trở. Từ kinh nghiệm những người đi trước, tôi mới rút ra là gia súc, gia cầm đều phải thích nghi dần với môi trường sống thì mới có thể tồn tại. Từ đó, chúng tôi đã ấp vịt con từ những quả trứng giống mang từ đất liền ra, chăm sóc heo từ những chú heo nhỏ mới tách mẹ… để chúng lớn lên trong nắng gió Trường Sa”. Và rồi, “có sức người, đá san hô cũng thành rau xanh”; heo, vịt được cán bộ, chiến sĩ nuôi trên đảo đã dần thích nghi với môi trường nên bắt đầu phát triển tốt... Đến nay, đảo Núi Le đã có đủ tiếng ủn ỉn của heo, tiếng càm cạp của vịt và tiếng sủa vang của chó mỗi khi có người lạ...

Cán bộ, chiến sĩ đảo Núi Le A chăm sóc rau xanh

Bí quyết ở đảo là mọi người đều tham gia chăn nuôi, trồng trọt. Ai có kinh nghiệm về loại gia súc, gia cầm nào sẽ được ưu tiên chăm sóc loại ấy. Ai chưa biết trồng rau sẽ được ưu tiên thực hành trồng và chăm sóc rau nhiều hơn nhưng phải dưới sự kèm cặp, chỉ bảo của người có kinh nghiệm. Vì nuôi nhiều gia súc, gia cầm nên đảo rất chú ý đến việc bảo vệ môi trường. Chuồng trại lúc nào cũng được cán bộ, chiến sĩ dọn sạch sẽ và bố trí ở những nơi khuất gió, tránh sóng. Đặc biệt, công tác phòng dịch cho gia súc, gia cầm luôn được đảo chú trọng thường xuyên. Nhờ vậy, mà những loại vật nuôi tại đảo phát triển rất tốt.

Binh nhất Trương Văn Nghĩa, Pháo thủ trên đảo Núi Le B chia sẻ: “Em quê ở đảo Bình Ba (Khánh Hòa) nên cũng có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi và trồng rau trên đảo. Khi ra đây công tác, được các anh chỉ bảo thêm kinh nghiệm tăng gia ở đảo chìm, em ngày càng hoàn thiện hơn kỹ năng nuôi trồng nơi đảo xa. Giờ em đã biết nuôi heo, vịt, gà, chó và trồng các loại rau xanh ở bất kỳ loại đất và môi trường khí hậu như thế nào”.

Giống như các đảo khác thuộc huyện đảo Trường Sa, đảo Núi Le cũng hội đủ những khó khăn như: Thiếu đất màu, thiếu nước ngọt, thời tiết khắc nghiệt... nhưng cán bộ, chiến sĩ của đảo không bó tay. Các anh đã tự tay làm được 2 nhà vòm trồng rau. Vườn rau gồm đủ loại: Rau muống, mùng tơi, cải xanh… Tất cả đều xanh mướt, trên bờ rào lại điểm thêm mấy món rau gia vị như lá lốt, lá mơ, tía tô, húng... Giờ đây, đảo Núi Le mùa nào thức nấy, rau luôn có sẵn trong vườn nhà. Nói thì dễ vậy nhưng công lao bỏ ra chăm sóc rau xanh của bộ đội thật không dễ dàng.

Nhờ biết nắm bắt thời tiết và lựa chọn giống rau thích hợp với từng mùa vụ, cùng với việc đẩy mạnh tăng gia sản xuất nên năm 2018 đảo thu lãi gần 2 triệu đồng/người. Thành quả đó đã giúp bữa ăn của cán bộ, chiến sĩ trên đảo không còn thiếu rau xanh và thực phẩm tươi như xưa. Đời sống bộ đội trên đảo được cải thiện chính là điều kiện thuận lợi để nâng cao sức mạnh chiến đấu.

Chia tay đảo, chúng tôi tin tưởng cán bộ, chiến sĩ trên đảo Núi Le không chỉ huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao, tăng gia sản xuất giỏi mà còn làm được nhiều điều kỳ diệu hơn nữa.

Bài, ảnh: Phạm Quang Tiến

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn