Tăng cường phổ biến pháp luật cho ngư dân trên vùng biển thềm lục địa phía Nam

HQVN -

Thời gian qua, một số tàu cá của ngư dân Việt Nam bị tàu chấp pháp Indonesia cáo buộc là vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của họ theo đường phân định giữa 2 nước, một số tàu cá bị bắt giữ và bị kéo về vùng biển Indonesia. 

Đứng trước tình hình đó, được sự hỗ trợ của tàu Hải quân Việt Nam, các tàu Kiểm ngư Việt Nam đã kịp thời tiếp cận, đàm phán, đấu tranh thực địa để giải cứu tàu và ngư dân Việt Nam ngay tại hiện trường đúng quy định của luật pháp quốc tế.

Sở dĩ có phức tạp trên bởi đàm phán giữa Việt Nam và Indonesia về phân định vùng đặc quyền kinh tế tại vùng biển tranh chấp đã diễn ra nhiều vòng nhưng chưa có kết quả cuối cùng. Do tồn tại rãnh sâu nằm gần đảo Natuna Bắc, Indonesia cho rằng ranh giới phân định thềm lục địa giữa Việt Nam và Indonesia nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia và năm 2009 công bố bản đồ trong đó ranh giới vùng đặc quyền kinh tế nằm ngoài vùng thềm lục địa đã thỏa thuận với Việt Nam. Những năm trước, trên vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn giữa Việt Nam và Indonesia ngày càng có nhiều ngư dân của Việt Nam bị phía Indonesia bắt giữ, nhiều tàu cá của Việt Nam bị đánh chìm.

Chi đội Kiểm ngư số 2 tuyên truyền pháp luật cho ngư dân trên biển. Ảnh: CTV

Đồng chí Đỗ Văn Lâm, Phó Đội trưởng Đội 4, Chi đội Kiểm ngư số 2 cho biết:Duy trì hoạt động trên thực địa để bảo vệ ngư dân; tuyên truyền để ngư dân hiểu biết và không đánh bắt trái phép, đánh bắt không theo quy định và không thông báo. Đó là trách nhiệm của Kiểm ngư Việt Nam. Những nụ cười, những cái bắt tay của lực lượng công vụ nước ngoài thời gian gần đây với chúng tôi là minh chứng rõ nét sự “ấm lên” ở vùng biển này”.

Việt Nam luôn duy trì lực lượng đủ để giám sát toàn bộ đường phân định. Ngăn các tàu cá nước ngoài hoạt động trái phép trên vùng biển Việt Nam; kiểm tra hành chính các tàu cá và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm; tuyên truyền để ngư dân chấp hành nghiêm pháp luật Việt Nam và nước bạn, nhất là với các tàu cá đang khai thác gần đường phân định. Đó là công việc hàng ngày của cán bộ, nhân viên các tàu Kiểm ngư.

Đồng chí Vũ Viết Lịch, Phó Chi đội trưởng, Chi đội Kiểm ngư số 2 trao đổi với chúng tôi: “Thời gian qua, Chi đội Kiểm ngư số 2 đã tăng cường tuyên truyền cho bà con ngư dân pháp luật về Thủy sản, Chỉ thị 45 của Thủ tướng Chính phủ. Các đợt tuyên truyền góp phần giúp ngư dân nâng cao nhận thức về pháp luật, về thực hiện các cam kết, góp phần khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu  với ngành thủy sản Việt Nam”.

Cán bộ chi đội kiểm ngư số 2 gặp gỡ ngư dân và tuyên truyền về Chỉ thị 45. Ảnh: Đức Tuấn

Năm 2017, ngư dân Lê Hiếu, Thuyền trưởng Tàu BV 92533 TS ở xã Tân Phước, huyện Phước Tĩnh, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang khai thác thủy sản tại vùng biển giáp danh thềm lục địa Việt Nam-Indonesia thì bị lực lượng chấp pháp Indonesia bắt giữ cả tàu và các thuyền viên đưa về giam giữ tại Indonesia. Sau gần một năm bị giam giữ, anh được phía Indonesia trao trả cho Việt Nam.

Trở lại ngư trường sau thời gian dài, anh Hiếu dần lấy lại sự tự tin khi khai thác hải sản trên biển. Thuyền trưởng Lê Hiếu, Tàu BV 92129 TS chia sẻ: “Có lực lượng Kiểm ngư, Hải quân Việt Nam ra khu vực này chúng tôi rất yên tâm. Các anh vừa tuyên truyền pháp luật vừa chỉ cho chúng tôi những tọa độ chính xác về đường danh giới giữa Việt Nam và Indonesia giúp bà con ngư dân xác định phạm vi đánh bắt hải sản không vi phạm vào vùng biển nước ngoài. Có các lực lượng của Kiểm ngư, Hải quân ở đây giúp bà con đánh bắt hải sản yên tâm hơn”.

Khu vực vùng biển giáp ranh đường phân định Việt Nam-Indonesia là một trong những khu vực có hải sản lớn, tập trung rất nhiều tàu cá của các tỉnh: Bà Rịa-Vũng Tàu; Bến Tre; Kiên Giang; Bình Thuận... Kiểm ngư viên Trần Hoàng Vũ, Chi đội Kiểm ngư số 2 thông tin thêm cho chúng tôi: “Trong các chuyến công tác, chúng tôi chủ động tuyên truyền cho bà con ngư dân về Luật Thủy sản, Chỉ thị 45 và đặc biệt là về tọa độ trong hiệp định phân định danh giới thềm lục địa giữa Việt Nam-Indonesia để ngư dân không nhầm lẫn mà vi phạm. Lực lượng Kiểm ngư cũng đã kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá cố tình vi phạm sang vùng biển nước ngoài, duy trì ngư trường ổn định”.

Ông Huỳnh Văn Dũng, ngư dân phường 5, TP.Vũng Tàu đã hơn 30 làm nghề biển. Trước đây, ông cùng bạn tàu chưa hiểu biết nhiều về kinh độ, vĩ độ, ranh giới các khu vực biển dẫn đến vi phạm khu vực biển của nước khác. Ông Dũng nói: “Bây giờ tôi nắm được những quy định cụ thể vậy, ra ngoài biển tôi lên tổng đài máy đường dài để tuyên truyền lại anh em trong mấy đội mình đánh bắt đúng ở vùng biển Việt Nam. Có anh em Kiểm ngư, Hải quân cùng sát cánh, chúng tôi rất yên tâm, không lo gì hết”.

Lênh đênh trên biển từ 2 đến 3 tháng, bám giữ ngư trường cùng bà con, tàu Kiểm ngư nào cũng trữ sẵn nước ngọt, rau xanh, đặc biệt là thuốc chữa bệnh để có thể hoạt động dài ngày và hỗ trợ một phần cho ngư dân các tàu cá đang vươn khơi, bám biển. Các tàu của Hải quân, Kiểm ngư Việt Nam đang góp phần duy trì một ngư trường ổn định, đúng pháp luật và phát triển bền vững trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc.

Hoàng Minh, Đức Tuấn

Từ đầu năm 2019 tới nay, cán bộ, nhân viên Chi đội Kiểm ngư số 2 đã tuyên truyền về Luật Thủy sản, Chỉ thị 45 cho hơn 3.700 lượt tàu cá của các ngư dân; gọi tàu đánh cá trên đường phân định về vùng biển Việt Nam gần 400 lượt; phát gần 1.200 từ rơi, 60 sổ tay pháp luật Kiểm ngư… Các tàu của Chi đội đã giải cứu thành công 13 tàu cá của Việt Nam bị tàu chấp pháp của nước ngoài vây bắt.

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn