Tân cảng Sài Gòn: Tiên phong về số hóa trong quản lý khai thác cảng biển

HQVN -

Số hóa là yếu tố sống còn, là chìa khóa thành công của doanh nghiệp. Với mục tiêu giảm thiểu chi phí, tối ưu hóa thời gian và tăng lợi nhuận, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn (TCSG) đang làm chủ công nghệ, tiên phong số hóa toàn diện các hoạt động, khẳng định vị thế là doanh nghiệp khai thác cảng biển hàng đầu Việt  Nam.

 

Những ngày cuối năm, TP. Hồ Chí Minh khoác lên mình chút se lạnh hiếm hoi. Từ bờ bên kia sông Sài Gòn, nhìn về cảng Tân cảng Cát Lái không khó để hình dung một mùa tết rộn ràng và bội thu. Trên mặt sông lấp lánh ánh hoàng hôn, những con tàu hàng nghìn tấn từ từ cập cảng “ăn hàng”, sẵn sàng cho những hành trình vượt đại dương. Từ cầu cảng, bãi container được sắp xếp ngay ngắn như một mô hình đồ chơi khổng lồ, vừa trật tự vừa nhộn nhịp.

Thay đổi đến từ số hóa

Chúng tôi có mặt tại Tân cảng Cát Lái vào ngày đầu tháng Chạp. Mặc dù cuối năm, lượng hàng hóa qua đây cao hơn ngày thường từ 20-30%, nhưng ở khu làm thủ tục lại rất vắng vẻ. Việc ứng dụng hệ thống cảng điện tử ePort cho phép doanh nghiệp khai báo, thanh toán và nhận lệnh giao hàng trực tuyến ngay tại văn phòng mà không cần phải đến cảng. Khó khăn lắm, chúng tôi mới tìm thấy một khách hàng đến làm chứng từ trực tiếp. Anh chia sẻ rằng, từ ngày áp dụng ePort, doanh nghiệp không còn phải đi lại nhiều lần để nộp giấy tờ. Mọi thủ tục chỉ cần vài phút trên máy tính, giúp tiết kiệm cả thời gian lẫn chi phí.

Tại phòng điều hành, anh Nguyễn Song Huy, Nhân viên Trung tâm Điều độ cảng đang thao tác trên máy để chỉ định vị trí và số lượng container cho bộ phận cẩu hàng. Anh Huy cho biết: Trước đây tìm một container trong hàng nghìn chiếc xếp chồng lên nhau là một thử thách không nhỏ. Thời gian rà soát từng khu vực và kiểm tra giấy tờ có thể mất hàng giờ. Nhưng giờ đây, công nghệ quản lý dữ liệu tập trung và hệ thống GPS đã giúp công việc trở nên nhanh chóng hơn rất nhiều. Chỉ cần nhập mã container vào hệ thống, trong vài giây, có thể biết chính xác vị trí từng container.

Kiểm tra công tác chuyển đổi số tại Trung tâm điều hành sản xuất cảng Tân cảng Cát Lái. Ảnh: TTV

Đây là 2 trong nhiều tiện ích có được sau khi TCSG áp dụng số hóa các hoạt động khai thác cảng. Được biết, TCSG bắt đầu chuyển đổi số từ đầu những năm 2000, khi công nghệ thông tin còn mới mẻ trong ngành khai thác cảng. Giai đoạn 2006-2010, thực hiện dự án “Hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin”, cán bộ, nhân viên TCSG đã phát triển, làm chủ 2 phần mềm  TOPX và TOPOVN giúp tối ưu hóa công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Những cải tiến này đã đặt nền móng cho bước tiến tiếp theo, khi TCSG đưa hệ thống ePort triển khai tại cảng Tân cảng Cát Lái vào năm 2017 giúp rút ngắn thời gian giao nhận hàng hóa từ 13 phút xuống dưới 2 phút. Việc áp dụng thanh toán trực tuyến, triển khai sử dụng chứng từ và lệnh giao dịch điện tử  eDO đã thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và trở thành mô hình thương mại điện tử đầu tiên trong ngành khai thác cảng biển ở Việt Nam.

Hiện nay, TCSG đã tích hợp trợ lý ảo Pi sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và xử lý ngôn ngữ tự nhiên vào ePort. Trợ lý ảo này cũng được áp dụng trên các nền tảng khác như fanpage và Zalo, đáp ứng 100% yêu cầu của khách hàng, giảm tải cho trung tâm chăm sóc khách hàng và cải thiện hiệu quả vận hành. Pi hỗ trợ khách hàng qua 25 kịch bản, 301 bước quy trình và 4.532 câu mẫu, nâng cao chất lượng dịch vụ của TCSG.

Hệ thống cổng thông minh Smart Gate được triển khai tại cảng Tân cảng Cái Mép-Thị Vải đã giúp giảm thời gian nhận diện container và kiểm tra chứng từ từ 5-10 phút xuống chỉ còn 10-15 giây. Điều này không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn giảm áp lực giao thông và hỗ trợ tài xế hiệu quả hơn.

Mang lại hiệu quả thiết thực

Theo đánh giá của các doanh nghiệp khai thác cảng, công nghệ chuyển đổi số như TOPX, TOPOVN hay ePort giúp giảm thiểu thời gian giao nhận, cải thiện đáng kể năng suất. Tại các cảng ở TP. Hồ Chí Minh, thời gian tàu nằm bến đã giảm 50%, thời gian giao nhận hàng hóa của khách hàng rút ngắn 3/4. Nhoừ đó gia tăng doanh thu của ngành, với mức tăng trung bình 20 - 25% mỗi năm.

Lễ vận hành hệ thống cổng tự động tại Tân cảng Cát Lái. Ảnh: TTV

Đối với TCSG, chuyển đổi số đã mang lại sự thay đổi đột phá trong cách thức giao dịch tại cảng. Khách hàng có thể thực hiện các thủ tục đặt chỗ, kiểm tra thông tin container, và xuất/nhập hàng trực tuyến chỉ trong vài phút, thay vì phải chờ đợi hàng giờ tại quầy. Một ví dụ điển hình là tại cảng Cát Lái, hệ thống eDO xử lý trung bình trên 15.000 lệnh giao mỗi ngày, tiết kiệm hơn 80% thời gian giao dịch so với phương pháp truyền thống. Ngoài ra, việc giảm sử dụng giấy tờ vừa tiết kiệm chi phí vừa giúp bảo vệ môi trường với hàng trăm tấn giấy mỗi năm. Số lượng nhân sự tại khu thủ tục cũng giảm 2/3, giúp tiết kiệm nhân công và tăng năng lực phục vụ lên 50%.

Thượng tá Nguyễn Phương Nam, Phó Tổng giám đốc TCSG chia sẻ: Triển khai ứng dụng công nghệ đã đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, khi đơn vị liên tục đạt và vượt mục tiêu đề ra. Các chỉ tiêu kinh tế cơ bản và quan trọng đều có sự tăng trưởng so với năm 2023, với doanh thu tăng 15,6%, lợi nhuận tăng 32,5%, năng suất lao động tăng 23,39%,  thu nhập bình quân của người lao động cũng tăng 10,85%.

Vượt thách thức với tầm nhìn tương lai

TCSG hiện đang quản lý một mạng lưới 16 cảng biển và 29 công ty thành viên, chiếm 55,2% tổng sản lượng container của cả nước. Quy mô này cũng đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là sự chênh lệch về cơ sở hạ tầng giữa các cảng, dẫn đến thiếu đồng bộ trong hệ thống. Cùng với chi phí nâng cấp các cảng cũ và yêu cầu đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), và blockchain tạo ra một sức ép lớn.

Sự bùng nổ của thương mại điện tử và nhu cầu vận tải xuyên biên giới ngày càng gia tăng, đòi hỏi TCSG nâng cao năng lực xử lý và tối ưu hóa chuỗi cung ứng. Yếu tố quan trọng nữa đó là để duy trì lợi thế cạnh tranh, doanh nghiệp cần cải tiến hệ thống logistics bảo đảm nhanh chóng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu về thời gian của khách hàng. Ngoài ra, việc thay đổi tư duy và thói quen làm việc của hàng nghìn lao động trong hệ thống để thích ứng với môi trường số hóa cũng là một rào cản lớn.

 Một góc Tân cảng Cát Lái. Ảnh: TTV

Đối mặt với những thách thức này, ngoài việc tiên phong trong hàng loạt giải pháp công nghệ như hệ thống cảng điện tử ePort, cổng thông minh Smart Gate và hệ thống giám sát hiện đại, TCSG đặt ra chiến lược phát triển toàn diện, kết hợp giữa chuyển đổi số và phát triển bền vững. Trọng tâm của chiến lược này là dự án “Cảng biển số TCSG,” kết nối tất cả các thành phần trong chuỗi cung ứng từ đối tác, khách hàng, hãng tàu, ngân hàng đến cơ quan quản lý. Dự án này kỳ vọng tạo ra một hệ thống dịch vụ logistics tích hợp bằng tối ưu hóa các luồng vận tải, giảm chi phí, thời gian giao nhận, góp phần tăng trưởng của toàn ngành.

Đại tá Ngô Minh Thuấn, Tổng giám đốc TCSG nhấn mạnh: Mục tiêu năm 2025 là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, tăng công suất các cảng, đẩy mạnh cải cách hành chính, kết hợp giữa “số hóa” và “xanh hóa”. Đặc biệt, TCSG sẽ triển khai các dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng biển và ứng dụng công nghệ xanh trong toàn bộ quy trình vận hành, với mục tiêu giảm 15% lượng khí thải các bon trong vòng 5 năm tới.

Để hiện thực hóa chiến lược này, TCSG triển khai “Đề án chuyển đổi số đến năm 2030,” tập trung vào 3 trụ cột chính: chất lượng dịch vụ hàng đầu, quản trị tiên tiến với nhân lực chuyên nghiệp và văn hóa trách nhiệm cộng đồng. Các công nghệ như AI và Big Data sẽ tiếp tục được triển khai để tối ưu hóa chuỗi cung ứng và giảm thiểu chi phí vận hành, trong khi các giải pháp xanh sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tác động môi trường.

Năm 2024, TCSG đã đạt được những thành tựu ấn tượng trong ứng dụng số hóa, xanh hóa và hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả vận hành và khẳng định vị thế là trung tâm logistics hàng đầu khu vực. Đây là nền tảng quan trọng để  TCSG phát triển mạnh mẽ, đóng góp vào sự phát triển kinh tế và thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng nói riêng và ngành khai thác cảng biển của đất nước nói chung.

Xuân Hương

 

 

“Chuyển đổi số tại TCSG không đơn thuần là áp dụng công nghệ mà là một chiến lược tổng thể, nơi công nghệ hiện đại đi cùng tư duy đổi mới để tạo nên giá trị vượt trội. Hành trình này giúp TCSG duy trì vị thế là đơn vị khai thác cảng biển hàng đầu khu vực, đồng thời mở rộng cánh cửa đến các thị trường quốc tế”. 

Thượng tá BÙI HẢI QUÂN, Trưởng phòng Công nghệ thông tin, TCSG

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn