Tại sao khinh khí cầu quân sự “trở lại” trong thế kỷ 21?
Là một trong những phương tiện đầu tiên giúp con người chinh phục bầu trời, trong quá khứ khinh khí cầu từng được sử dụng trong nhiều lĩnh vực, trong đó đặc biệt là lĩnh vực quân sự và chỉ dần phải nhạt với sự xuất hiện của máy bay kể từ đầu thế kỷ 20.
Với sự phát triển của công nghệ hiện đại, vai trò của khí cầu trong lĩnh vực quân sự đang được nhìn nhận ở góc độ mới và đang “nóng” trở lại. Nguyên nhân do đâu?
Lịch sử phát triển lâu dài
Khinh khí cầu đầu tiên do các nhà sáng chế Joseph và Etienne Montgolfier (Pháp) chế tạo và vận hành chính thức vào năm 1783. Đây được coi một cột mốc quan trọng trong việc chinh phục bầu trời của loài người.
Ngay sau đó, khinh khí cầu đã được ứng dụng mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực của đời sống, đặc biệt là quân sự. Trong nội chiến Mỹ (1861), chiến tranh Pháp - Phổ (1870) và chiến tranh Áo - Italia (1894), khinh khí cầu được sử dụng rộng rãi để theo dõi chuyển quân của đối phương.
Trước khi Thế chiến thứ nhất bùng nổ vào 1914, nhiều khí cầu Graf Zeppelin (được đặt theo nhà sáng chế Đức chế tạo ra chúng) với chiều dài 150 - 160m và thể tích 22.000 - 25.000m³, gắn động cơ Maybach công suất 147 kW (200 mã lực), có thể mang tải trọng 9 tấn, đạt vận tốc 80km/giờ, từng được Lục quân và Hải quân Đức mua và sử dụng khá hiệu quả trong các chiến dịch không kích lãnh thổ Pháp và Anh.
Dự án khinh khí cầu Graf Zeppelin của Đức được coi là một trong những chương trình vũ khí khinh khí cầu tiên phong. Ảnh: Wikipedia
Dù không được sử dụng rộng rãi nổi tiếng như khinh khí cầu của Đức, nhưng bắt đầu từ cuối những năm 1920, trong khi nội chiến chống lại lực lượng Bạch vệ đang trong giai đoạn căng thẳng nhất, Liên Xô cũng kịp sở hữu một đội khinh khí cầu đông đảo và nhiều chủng loại dùng để trinh sát chiến trường. Tới Thế chiến II, khí cầu Liên Xô có thêm nhiệm vụ huấn luyện nhảy dù cho các lực lượng đặc nhiệm và phi công với chi phí rẻ hơn nhiều so với việc dùng máy bay, hay vận chuyển những kiện hàng nhỏ ở khoảng cách ngắn. Mẫu USSR-V5 xuất hiện năm 1933 được coi là một cuộc cách mạng đối với công nghệ khinh khí cầu Liên Xô khi đó. Trong Thế chiến II, dù khí cầu là một trong những vũ khí quan trọng của Hồng quân Liên Xô, nhưng vai trò của chúng trên mặt trận phía Đông khá mờ nhạt.
Nhật Bản trong giai đoạn đầu Thế chiến II cũng tích cực phát triển các loại khí cầu mang bom cháy lợi dụng gió để tấn công sâu vào lãnh thổ nước Mỹ. Dù đạt được một số kết quả, nhưng do không thể điều khiển và gần như phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện thời tiết nên dự án sau đó cũng dần bị loại bỏ.
Dự án Moby Dick là nỗ lực đầu Chiến tranh Lạnh của Mỹ nhằm giám sát Liên Xô bằng khinh khí cầu tầm cao. Ảnh: United States Air Force Public Affairs
Trong giai đoạn này, Mỹ đã sử dụng khinh khí cầu vào việc hộ tống, định hướng hoạt động của tàu thuyền, tìm kiếm và tấn công tàu ngầm. Quân đội Mỹ từng dùng hàng trăm khinh khí cầu sử dụng bom napalm để oanh tạc mục tiêu của đối phương. Một trong những ưu điểm của khí cầu là có thể chịu được hàng trăm viên đạn của đối phương mà vẫn sống sót.
Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của máy bay quân sự từ những năm 1920 nên tới giữa thế kỷ 20, khinh khí cầu sử dụng trong lĩnh vực quân sự đã bị thu hẹp tương đối để nhường chỗ cho các loại vũ khí công nghệ cao, đắt đỏ trong suốt thời kỳ chiến tranh Lạnh.
Sự trở lại…
Một trong những yếu tố giúp khinh khí cầu bắt đầu được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực quân sự thời gian gần đây chính là sự phát triển của công nghệ đã giúp thu nhỏ các loại khí tài trinh sát không ảnh và vũ khí tấn công chính xác cao từ trên không đạt hiệu quả cao. Điều này giúp chúng dễ dàng tích hợp lên các kinh khí cầu cỡ nhỏ, khó bị phát hiện để âm thầm trinh sát mục tiêu hoặc trở thành bệ vũ khí từ trên không, thả vũ khí tấn công chính xác các mục tiêu có giá trị cao trên chiến trường.
Khinh khí cầu quân sự đang trở lại với diện mạo mới. Ảnh: Defense News
Sự tiến bộ về công nghệ đã xóa nhòa hạn chế sự chậm chạp và thiếu linh hoạt của khinh khí cầu trong hoạt động chiến đấu. Có thể lấy ví dụ rõ ràng, với công nghệ hiện tại, một khinh khí cầu tầm trung với hệ thống trinh sát radar-quang ảnh bay lên độ cao 20km có thể cung cấp phạm vi giám sát rộng tới 750km. Điều này cũng tương tự với các loại vũ khí chính xác cao. Thay vì phải sử dụng các nền tảng chuyên chở tốn kém như tên lửa, máy bay chiến đấu hay thiết bị bay không người lái, thì khinh khí cầu có thể mang chúng lên độ cao lớn để thể vũ khí tấn công chính xác mục tiêu.
Yếu tố tiếp theo chính là giá thành. So với các phương tiện đường không, khinh khí cầu có chi phí tối ưu nhất; phù hợp với điều kiện tác chiến bất đối xứng hay chiến tranh tiêu hao. Nếu sử dụng các loại tên lửa phòng không và phương tiện chiến đấu hiện đại để bắn hạ thì chi phí bỏ ra cao hơn gấp hàng trăm lần giá thành kinh khí cầu mới. Một khinh khí cầu cỡ vừa chỉ có giá khoảng 200 USD để đổi lấy đạn tên lửa trị giá hàng trăm, thậm chí hàng triệu USD thì thật là "ác mộng"!
Các loại khinh khí cầu hiện nay thường không chứa đầy hydro, thay vào đó là khí helium không bắt lửa nên việc bắn hạ chúng rất khó khăn. Đã ghi nhận trường hợp khinh khí cầu trúng tới hàng trăm phát đạn, nhưng không bốc cháy mà từ từ rơi xuống đất sau nhiều ngày.
Trong chiến tranh hiện đại, khinh khí cầu có thể là phương tiện mang UAV để sử dụng trong các cuộc xung đột cục bộ chống lại kẻ thù không được trang bị hệ thống phòng không hiện đại với thiệt hại tối thiểu. Trong tình huống này, sử dụng khí cầu mang UAV cỡ nhỏ và trung bình lơ lửng tại một vị trí nhất định phía trên thành phố, ở độ cao mà súng bộ binh không thể với tới. Điểm đáng sợ của phương tiện này là nó có thể treo ổn định ở 1 vị trí nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần. Chúng sẽ gây áp lực liên tục, suốt ngày đêm, làm kiệt sức đối phương và đảm bảo thời gian phản ứng tối thiểu.
Những tiến bộ về công nghệ cảm biến, dẫn đường và giám sát đã mang lại hiệu quả mới cho các dòng khinh khí cầu hiện đại. Ảnh minh họa: Defense News
Ngoài ra, khinh khí cầu hiện đại còn có tiềm năng ứng dụng rất lớn trong vận tải quân sự, khi chúng có thể chuyên chở khối lượng hàng hóa lớn hơn, chi phí thấp hơn nhiều so với các loại máy bay vận tải cánh cố định hay trực thăng.
Không dễ đối phó!
Không phải ngẫu nhiên mà khinh khí cầu sử dụng cho mục đích quân sự lại quay trở lại sau nhiều thập kỷ “biến mất”. Hiện nay, ngoài mục đích quân sự, khinh khí cầu còn được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực khí tượng và viễn thám dân sự. Hằng ngày, trên thế giới có hàng nghìn khinh khí cầu khí tượng đủ loại được thả lên không trung.
Theo các chuyên gia, những chuyến bay của khinh khí cầu phục vụ cho việc nghiên cứu khí tượng quốc gia thường kéo dài ít nhất vài giờ đến vài ngày và có thể trôi dạt hàng trăm dặm từ địa điểm được phóng. Trung tâm Khí tượng quốc gia Mỹ cho biết, các khinh khí cầu khí tượng nhỏ thường bay cao lên độ cao tới 30.000m.
Hằng ngày có hàng nghìn khinh khí cầu khí tượng được thả lên không trung. Rất khó có thể xác định chúng có được sử dụng cho mục đích quân sự hay không. Ảnh: DefenseTalk
Đối với các khinh khi cấu khí tượng cỡ lớn, khi được thả lên không trung sẽ không ai có thể kiểm tra được nó đang mang theo những thiết bị gì, có tầm giám sát bao xa và thời gian hoạt động bao lâu. Có thể lấy ví dụ đối với những khí cầu cỡ siêu lớn, nó có thể mang theo khối thiết bị nặng vài tấn và bay trên không trung trong nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng. Với độ cao hoạt động từ vài chục tới hàng trăm km thì tầm giám sát của chúng là rất lớn.
Một vấn đề khác chính là việc phát hiện các khinh khí cầu “bay lạc” cũng không dễ dàng. Do tốc độ bay chậm và có những thời điểm đứng im trên không. Hệ thống radar rất dễ dàng nhầm phương tiện bay này là nhiễu nền và bỏ qua chúng không thể hiện trên màn hình hiện sóng. Đối với những khinh khí cầu sử dụng nhiều vật liệu tổng hợp thì chúng giống như một “máy bay tàng hình” khi chỉ có thể phát hiện bằng các hệ thống giám sát quang-ảnh nhiệt.
Với các xung đột vừa và nhỏ; chiến tranh bất đối xứng hiện tại và trong tương lai, khinh khí cầu đang có tiềm năng rất lớn trong lĩnh vực quân sự. Ảnh: DefenseTalk
Có thể thấy rõ, khinh khí cầu ứng dụng trong lĩnh vực quân sự sẽ là một xu hướng phát triển vũ khí trong tương lai, nhất là sau sự thành công của các loại UAV cỡ nhỏ, giá thành rẻ. Chúng sẽ là một thành phần trong cuộc chiến bất đối xứng trong tương lai.
Theo QĐND điện tử
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo bán vé Tết Nguyên đán 2025 - ( 20-11-24 10:00 )
- Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh - ( 20-11-24 04:00 )
- MB tiếp tục dẫn đầu thị trường về CASA trong 6 tháng đầu năm - ( 31-07-24 10:00 )
- MB triển khai chương trình gửi tiền “Sinh nhật vàng – Rước xế sang” - ( 30-07-24 10:00 )
- MB Ageas Life bổ nhiệm tân Chủ tịch Hội đồng thành viên - ( 29-07-24 10:00 )