Sử dụng thuyền chiến trong lịch sử dựng nước

Giáo sư sử học Lê Văn Lan

 

Ở trên những chiếc trống đồng cổ, có niên đại trước Công nguyên, các nhà nghiên cứu đã phát hiện được những hình điêu khắc các chiến thuyền lớn, đủ cột buồm và bánh lái, cả những lầu sạp để gá đặt những máy nỏ bắn tên, cùng những chiến binh được trang bị các loại vũ khí đánh xa, cận chiến và phòng hộ như cung nỏ, giáo mác, dao găm, búa rìu, khiên mộc.

Tại khu di chỉ thành Cổ Loa, kinh đô Âu Lạc, ở thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, hiện vẫn nhận diện được một căn cứ thủy quân cổ đại (đang mang tên gọi là “Vườn thuyền ao mắm”) có sức chứa hàng trăm thuyền bè, nối thông với hệ thống hào thành sâu rộng mà liên lạc với sông Hoàng Long (Ngũ Huyện Khuê) để rồi nhập cùng hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình mà ngược xuôi lên rừng, xuống biển.

Đấy là những hình ảnh và bằng chứng của lực lượng và tổ chức thủy quân ở thời bắt đầu dựng nước của dân tộc. Cùng với sự ra đời, tồn tại và phát triển các nhà nước sơ khai Văn Lang, Âu Lạc quân thủy đã được chú trọng xây dựng và được đứng trong hàng ngũ những quân thủy mạnh nhất ở thế giới phương Đông, trong nghìn năm của thiên niên kỷ I trước Công nguyên; đồng thời đặt nền tảng vững chắc cho sự phát triển hùng mạnh của quân thủy nước Đại Việt trong các thế kỷ và thiên niên kỷ sau Công nguyên. Ngay từ buổi mở đầu cho kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc này, quân thủy Đại Việt đã được thừa hưởng cái di sản quý giá của quân thủy thời dựng nước đầu tiên, được bảo lưu bền bỉ trong và qua suốt thời đại nghìn năm oanh liệt và kiên trì chống Bắc thuộc.

Đến thời Lý, thì đã thấy có những sử liệu nói về ác loại “lưỡng phúc thuyền” (thuyền hai lòng) và “Lâu thuyền” (thuyền có hai tầng) của quân thủy Đại Việt, ở thế kỷ XI, XII.

Những lính đánh thủy của quân đội thời Lý, trong trường hợp này, là những chiến binh gắn chặt “Lâu thuyền” với chiến thuật dùng cung nỏ trong đánh thủy. Nhưng cũng có những đơn vị lính đánh thủy chuyên nghiệp và tinh nhuệ, được tổ chức và huấn luyện đặc biệt, như đội quân thủy của Hoàng tử Lý Hoàng Châu, được người nhà Tống là Tôn Thăng, chú ý mô tả trong sách “Đàm Phố”: Hoằng Châu nuôi riêng 500 quân đặc biệt, cấm mọi thị dục, dạy cho trân pháp. Đội quân riêng đó rất tài giỏi, hiệu lệnh rất nghiêm. Người nào cũng cầm một cái “Kìm Bài” (thẻ màu vàng) làm hiệu lệnh riêng cho nhau.

Sang đến thời Trần (thế kỷ XIII, XIV) thì việc tổ chức quân thủy đã có xu hướng chuyên nghiệp hóa, thể hiện rõ ở phương tiện tổ chức và biên chế. Trước hết, đó là việc tuyển chọn và thành lập bộ phận quân thủy cần và dễ chuyên hóa nhất: “Đoàn đội trạo nhi” (Đội quân chèo thuyền), trong đó có cả những người giỏi điều khiển buồm lái, như sách “Binh thư yêu lược”, mô tả: “Tính mạng của cả một thuyền quan hệ ở tay người lái”. Cho nên phải lựa chọn những người có tuổi, giỏi xem chiều gió, am hiểu thế nước, mà sung vào. Lại đặt cấp phó để phòng sự sơ hở. Lương cho khá, có công thưởng thêm”.

Xuất hiện thêm một số đơn vị quân thủy độc lập, đặc biệt xuất phát từ nhu cầu quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo: “Quân thủy lộ Đông Hải”, và đơn vị “Quân Bình Hải”, đồn trú ở Vân Đồn, Quảng Ninh.
Và lần đầu tiên, trong bộ máy quan chức triều đình, thấy đặt riêng một chức, gọi là “Thủy quân Đại tướng quân”, trao chức danh tướng Lê Tần là người anh hùng của trận Lệ Bình Nguyên năm 1258, từng có công bóc cả tấm sạp thuyền, làm chiếc lá chắn khổng lồ, che đỡ cho vua Trần Thái Tông thoát nạn bắn tên độc truy sát của kỵ binh Mông Cổ. Cũng như xuất hiện những vị tướng thiện nghệ đánh thủy, như Trần Khánh Dư-người anh hùng của Trận thủy chiến Vân Đồn năm 1287, và đặc biệt là Yết Kiêu, giỏi nghề, đặc công nước ngày nay…

Trận đánh ở Rạch Gầm-Soài Mút 1785. Tranh sơn dầu của Công Thành

Các chiến thuyền Đại Việt ở thời Trần với số lượng rất đông như thế này, theo ghi chép của sứ giả nhà Nguyễn là Trần Phu, thì vẫn phổ biến là loại thuyền có 30 mái chèo. Những cũng chính Trần Phu, viên sứ giải này còn nói: Đã tận mắt chứng kiến những chiến thuyền có tới 100 tay chèo!

Về chiến thuyền ở thời Trần và sau đó là thời Hồ, còn cho biết thêm về hai loại chiến thuyền lợi hại, “Châu Kiều”, và “Thuyền đinh sắt”.

Nếu “Châu Kiều” là loại chiến cụ chiến lược mà Hồ Quý Ly khi được trao quyền làm tướng đi đánh Chiêm Thành, đã xin được cung cấp, với hy vọng của nó, sẽ đánh bại được đối phương, thì “Thuyền đinh sắt” được mô tả là có hai tầng: tầng dưới dành cho lính chèo thuyền, tầng trên lát ván cho lính chiến đấu hoạt động. Để bảo đảm bí mật, loại chiến thuyền này được ngụy trang thành các thuyền tải lương, mang cái tên là “Trung tầu tải lương”, “Cổ lâu thuyền tải lương”.

Sang đến cuối thời trung cổ, thế kỷ XVIII, XIX cho dù có tình trạng “Nam Bắc phân tranh” nhưng chính quyền Lê Trịnh ở “Đàng Ngoài” và các chúa Nguyễn ở “Đàng Trong” vẫn theo được truyền thống của dân tộc từ các thời đại trước, chú trọng xây dựng và sử dụng quân thủy, trong đó, tìm kiếm và khai thác những tiến bộ của thế giới phương Tây, thông qua 2 nước chủ yếu là Hà Lan và Bồ Đào Nha, để tạo ra lực lượng quân thủy ngày càng chuyên hóa, thậm chí có đà để hình thành binh chủng độc lập, với những chiến thuyền được trang bị hỏa pháo, và nhiều hàng quân thủy chuyên biệt, thiện nghệ: Lính chèo thuyền, lính chiến đấu trên thuyền, pháo thủ trên thuyền.

Số lượng những chiến thuyền đã có sự cải tiến vượt bậc như thể Đàng Ngoài, đã được các giáo sĩ và lái buôn phương Tây hướng thời, thống nhất với ghi chép của chính sử triều đình, ước định khoảng 500-600 chiếc.
Chính là trên cơ sở đó, với tầm nhìn sâu rộng, suy nghĩ táo bạo, và tài thao lược siêu việt của Tây Sơn Nguyễn Huệ, cuối thế kỷ XVIII, quân thủy Đại Việt đã được tăng cường sức mạnh tới chỗ vượt bậc; trong đó, một đặc điểm lớn, là đã hình thành sự rõ nét quân thủy biển, tức hải quân.

Ngay sau khi chiến dịch Ngọc Hồi, Đống Đa quét sạch 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh ra khỏi đất nước vào năm 1789, Nguyễn Huệ đã nuôi ước hy vọng vĩ đại để đất nước Đại Việt trở thành “cường thịnh không sợ bất cứ nước nào”, trong đó, về mặt quân sự và chiến lược, là đặc biệt chú trọng xây dựng và phát triển quân thủy.

Phương hướng xây dựng và phát triển quân thủy của Nguyễn Huệ là tách một bộ phận thành lực lượng chiến đấu trên sông nước của bộ binh, còn đại bộ phận thì lực lượng chiến đấu trên biển-hải quân-với nhiều loại chiến thuyền, được tăng cường đặc biệt về mặt hỏa lực “Thuyền đại hiệu” là loại chiến hạm được ra sức đóng mới trong các xưởng đóng chiến thuyền mọc lên như nấm, thời gian này.

Ở đỉnh cao, cũng như là ở bước sơ khởi, trong lịch sử mấy ngàn năm, quân thủy của nước Việt, luôn là chủ lực của lực lượng vũ trang đất nước, trước làm nhiệm vụ giữ đất, sau mở rộng thành giữ nước với ba lần đại thắng-không lần nào giống lần nào ở Bạch Đằng; vượt biển đánh lên phía Bắc, vào sâu trong đất Tống, và đánh xuống phía Nam, phá trận giữ kinh đô Chiêm Thành; đại tập kích mà đánh trận quyết chiến chiến lược Đông Bộ Đầu; đối thủy mà phá hậu cần giặc ở Vân Đồn; phục kích mà đánh tan 300 chiến thuyền và 5 vạn quân Xuân La ở Rạch Gầm-Xoài Mút…

Đó là truyền thống đánh giặc giữ nước cực kỳ vẻ vang của quân thủy nước Việt ngày nay, hiện nay Hải quân nhân dân Việt Nam đang kế thừa xứng đáng, và phát huy mạnh mẽ.

 

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn