Sơn La sâu nặng nghĩa tình (Kỳ II)

Nhiều hoạt động thiết thực hướng về biển, đảo

HQ Online -

Lên Sơn La, Đoàn công tác của Quân chủng Hải quân đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động thiết thực, có ý nghĩa sâu sắc và sức lan tỏa lớn như: Triển lãm, biểu diễn văn nghệ, tuyên truyền biển đảo…. Những hoạt động đó đã mang đến cho cán bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La những hiểu biết sâu sắc về biển, đảo và cán bộ, chiến sĩ Hải quân trước ngày ký kết Chương trình phối hợp tuyên truyền biển, đảo.

7 giờ 30 sáng 7-3, sân của Trung tâm Văn hóa tỉnh Sơn La chật kín khán giả. Hàng nghìn người từ cán bộ, đoàn viên thanh niên, bộ đội đến các cụ già cùng về đây để được tự mình tìm hiểu, được nghe, được xem những hình ảnh, tư liệu về biển, đảo và quá trình bảo vệ chủ quyền biển, đảo của cán bộ, chiến sĩ Hải quân.

Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm

Triển lãm có chủ đề: “Biển, đảo-Người chiến sĩ Hải quân”; “Sơn La chung sức xây dựng và bảo vệ chủ quyền biên giới-biển, đảo của Tổ quốc”. 184 tư liệu hình ảnh với hơn 10 mô hình hiện vật mang đến cho khán giả bức tranh sinh động và toàn diện về hơn 60 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành của Hải quân nhân dân Việt Nam. Từ 2 thủy đội Sông Lô, Bạch Đằng thủa ban đầu, đến nay Quân chủng Hải quân có đầy đủ các thành phần lực lượng, được Đảng, Nhà nước, Quân đội đầu tư tiến thẳng lên hiện đại, đủ sức làm nòng cốt trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Những ánh mắt chăm chú, những câu hỏi bất ngờ, thú vị của người xem hay những câu chuyện cảm động về tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho bộ đội Hải quân… đã làm cho không khí tại không gian trưng bày hiện vật sôi nổi hẳn lên. Ai cũng tỉ mỉ xem từng gian trưng bày, từng mô hình hiện vật như để nắm bắt thêm cho bản thân những thông tin hữu ích về biển, đảo quê hương. Triển lãm sẽ diễn ra liên tục trong 3 ngày từ ngày 7 đến 9-3 tại đây.

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Hoàng Phi Hà, Giám đốc Bảo Tàng Hải quân cho biết: Chúng tôi rất xúc động trước tình cảm của cán bộ, nhân dân tỉnh Sơn La dành cho triển lãm, đoàn công tác nói riêng và cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân nói chung. Được chứng kiến sự nhiệt huyết, háo hức của các các tầng lớp nhân dân dành cho triển lãm, chúng tôi cảm thấy bản thân mình phải có ý thức, trách nhiệm để đưa được nhiều thông tin, hình ảnh về biển, đảo và cán bộ, chiến sĩ Hải quân đến gần hơn, nhiều hơn với đồng bào Tây Bắc.

Hướng dẫn viên Bảo tàng Hải quân giới thiệu phần trưng bày hình ảnh triển lãm

Rời triển lãm, chúng tôi theo lãnh đạo, chỉ huy Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126 đến nói chuyện, tuyên tuyền biển, đảo với thầy cô giáo và hơn 1.000 sinh viên Trường Đại học Tây Bắc. Đây là lần đầu tiên Nhà trường được báo cáo viên của Quân chủng Hải quân đến nói chuyện về chủ đề biển, đảo nên ai cũng háo hức chờ mong. 14 giờ chiều buổi nói chuyện mới bắt đầu nhưng trước đó 30 phút hội trường 1.000 chỗ ngồi của nhà trường đã không còn chỗ trống.

Trực tiếp nói chuyện với thầy cô và các em sinh viên là Thượng tá Trần Văn Nghĩa, Phó Chính ủy Lữ đoàn 126. Hôm nay, thông tin đến các bạn sinh viên là các nội dung về: Vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của biển, đảo nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Hải quân nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam; sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân đội đối với Quân chủng Hải quân và lịch sử, truyền thống và những chiến công của Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126 trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sinh viên Trường Đại học Tây Bắc nghe tuyên truyền biển, đảo

Bằng cách nói chuyện khái quát, dễ hiểu kết hợp với những tư liệu hình ảnh sinh động, Thượng tá Trần Văn Nghĩa đã giúp cho các bạn sinh viên hiểu được những điểm cơ bản nhất về biển, đảo và cán bộ, chiến sĩ Hải quân. Từ đây, tình yêu với biển, đảo, với bộ đội Hải quân sẽ được nhân lên gấp bội.

Thượng tá Trần Văn Nghĩa nói chuyện với sinh viên

Bạn Lò Thị Chung, sinh viên Khoa Lý luận Chính trị, Trường Đại học Tây Bắc chia sẻ: Xúc động và khâm phục và biết ơn là những cảm xúc trong em lúc này. Trước đây em có theo dõi tình hình biển, đảo của Tổ quốc trên truyền hình và qua mạng internet nhưng chưa được đầy đủ. Hôm nay chúng em được nghe cán bộ Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126 nói chuyện, chúng em rất khâm phục, yêu mến và tự hào về các anh bộ đội Hải quân. Em hi vọng có một ngày em đến thăm Trường Sa để được trò chuyện, sẻ chia với cuộc sống, học tập và chiến đấu của các anh, những người đang lặng thầm nơi đầu sóng, ngọn gió.

Giao lưu, trao đổi sau buổi nói chuyện

Để đáp lại những tình cảm của thầy cô và các bạn sinh viên của Đại học Tây Bắc, trước khi chia tay cả đoàn chúng tôi cùng hát vang bài hát “Khúc quân ca Trường Sa”. Đây cũng là lời khẳng định với thế hệ trẻ của miền Tây Bắc rằng cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân luôn luôn chắc tay súng để bảo vệ bình yên cho Tổ quốc.

Đức Tuấn, Đặng Tùng

Kì 1: Ấn tượng cửa ngõ miền Tây Bắc

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn