Siêu tàu ngầm Nga chỉ phục vụ mục đích nghiên cứu?

Các chuyên gia quân sự nhận định tàu ngầm nghiên cứu K-329 Belgorod của Hải quân Nga có thể thực hiện nhiều mục đích chiến lược khác chứ không chỉ dừng lại ở nhiệm vụ nghiên cứu khoa học như Moscow công bố.

Hải quân Nga mới đây đã nhận bàn giao tàu ngầm Belgorod, do Cục Thiết kế kỹ thuật hàng hải trung ương Rubin thiết kế và nhà máy đóng tàu Sevmash chế tạo, sau một thời gian trì hoãn do tác động của đại dịch Covid-19.

Hãng tin TASS dẫn lời Tư lệnh Hải quân Nga Nikolai Evmenov nhấn mạnh tàu ngầm Belgorod được áp dụng các thành tựu tiên tiến của khoa học và công nghệ mới nhất, mở ra cơ hội mới cho lực lượng này trong việc thực hiện các nghiên cứu và các cuộc thám hiểm khoa học đa dạng cũng như hoạt động cứu hộ ở những khu vực xa xôi của đại dương thế giới.

Siêu tàu ngầm Nga chỉ phục vụ mục đích nghiên cứu?

Tàu ngầm nghiên cứu Belgorod của Hải quân Nga. Ảnh: Oleg Kuleshov

Tuy nhiên, tàu ngầm Belgorod sở hữu những tính năng khiến giới chuyên gia quân sự phương Tây dự đoán rằng nhiệm vụ chính của nó là răn đe hạt nhân và trinh thám.

Trước hết, Belgorod đang là tàu ngầm dài nhất thế giới hiện nay, với thông số chiều dài trên 184m, dài hơn cả tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo và dẫn đường lớp Ohio (171m) của Hải quân Mỹ. Là phiên bản sửa đổi của tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường lớp Oscar II của Nga, tàu ngầm Belgorod được cho là có thiết kế dài hơn để trang bị ngư lôi hạt nhân tàng hình đầu tiên trên thế giới Poseidon.

Mặc dù gọi là ngư lôi nhưng bản chất của Poseidon là một thiết bị không người lái chiến đấu dưới nước với tầm tấn công không hạn chế. Tàu ngầm Belgorod có thể mang 6 quả Poseidon. Naval News dẫn phân tích của chuyên gia quân sự Mỹ H.I.Sutton nêu rõ, vũ khí này sẽ là mối đe dọa chiến lược nghiêm trọng tới cảng biển, căn cứ quân sự ở duyên hải và các nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ. Như vậy, tàu ngầm Belgorod lúc đó sẽ trở thành phương tiện mà Nga dùng để răn đe hạt nhân với đối phương.

Ngoài ra, siêu tàu ngầm hạt nhân này cũng có khả năng hoạt động như một nền tảng thu thập thông tin tình báo nhờ độ yên tĩnh khi chạy, khả năng lặn sâu và thiết kế lớp vỏ ngoài tối ưu khả năng tàng hình...

“Tàu ngầm Belgorod được biên chế cho Hải quân Nga nhưng có thể được khai thác bởi một đơn vị khác thuộc Bộ Quốc phòng Nga cho nhiệm vụ thu thập tin tức quan trọng”, chuyên gia Sutton cho biết thêm. Trong một báo cáo, Cơ quan nghiên cứu thuộc Quốc hội Mỹ (CRS) cho rằng tàu ngầm Belgorod có thể chỉ là chiếc đầu tiên trong kế hoạch đóng 4 tàu ngầm tương tự của Nga.

Một tính năng độc đáo khác mà giới chuyên gia cảnh báo sẽ khiến các đối thủ của Moscow lo lắng là tàu ngầm Belgorod có thể đóng vai trò “tàu sân bay trong lòng đại dương”-một khái niệm vẫn còn khá mới hiện nay. Khi đó, “tàu mẹ” Belgorod sẽ lặn xuống và thả các tàu ngầm cỡ nhỏ chạy bằng năng lượng hạt nhân, cũng như các phương tiện tự hành và không người lái dưới nước khác.

Các tàu ngầm cỡ nhỏ được triển khai từ tàu ngầm Belgorod cũng được cho là có thể lặn rất sâu, giúp chúng tiến hành các nhiệm vụ đặc biệt dưới đáy biển, nhất là trong trường hợp xảy ra xung đột.

Trong một bài viết trên CNN, tác giả Brad Lendon cho rằng tàu ngầm Belgorod sẽ đưa Nga và Mỹ vào một cuộc “Chiến tranh Lạnh” dưới biển. Điều này là dễ hiểu bởi nếu tàu ngầm Belgorod có những tính năng trên, Nga có thể thách thức Mỹ hơn nữa và buộc Washington phải tìm cách đối trọng.

Đơn cử, tháng 6 vừa qua, Mỹ bắt đầu đóng tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo đầu tiên USS District of Columbia trong tổng số 12 chiếc thuộc lớp Columbia để thay thế cho các tàu lớp Ohio. Với khả năng mang tới 70% kho vũ khí hạt nhân được triển khai của Mỹ, giới chức nước này tuyên bố các tàu ngầm lớp Columbia sẽ trở thành lực lượng răn đe hạt nhân chiến lược tiếp theo của xứ cờ hoa.

Theo QĐND điện tử

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn