SEA Games 29: Tầm vóc mới của thể thao Việt Nam

SEA Games 29 đã khép lại với những thành công như mong đợi của Đoàn Thể thao Việt Nam, khi giành được 168 huy chương (58 HCV, 50 HCB, 60 HCĐ), đứng thứ 3 trên bảng tổng xếp hạng của đại hội. Những tấm HCV danh giá của đội bóng đá nữ; đội bóng bàn nam; của các VĐV điền kinh, bơi, thể dục dụng cụ nam; của những Ánh Viên, Nguyễn Thị Huyền, Lê Tú Chinh… khiến giới thể thao, người hâm mộ nước nhà thêm phấn khởi, tự hào.

Sức bật điền kinh

Lần đầu tiên trong lịch sử SEA Games, điền kinh Việt Nam đoạt 17 HCV, vượt qua Thái Lan ở số lượng HCV giành được trong một kỳ đại hội. Ngay ở nội dung 4x100 m, vốn là vị thế độc tôn của các cô gái Thái Lan thì nay Tú Chinh và các đồng đội cũng đã chiến thắng một cách thuyết phục. Nếu các kỳ SEA Games trước, điền kinh của chúng ta chỉ mạnh ở cự ly chạy trung bình thì nay chiến thắng trải dài, đều ở hầu hết các nội dung, từ chạy ngắn, chạy trung bình, chạy dài, nhảy cao, nhảy xa... Điều đáng nói là thành tích chạy cự ly ngắn (Tú Chinh), chạy vượt rào 400 m (Nguyễn Thị Huyền), đội chạy tiếp sức nữ 4x100 m rất ổn định và nếu tiếp tục được đầu tư chuyên biệt thì sẽ có nhiều cơ hội cạnh tranh huy chương ở đấu trường châu lục.

Sáng nhất Ánh Viên

Không còn nghi ngờ gì nữa, ở cấp độ thể thao khu vực, tuyển thủ quân đội Ánh Viên chính là một trong những tên tuổi sáng giá nhất. 2 kỳ SEA Games được tổng cộng 16 HCV đã cho thấy tài năng, nỗ lực tuyệt vời của kình ngư này. Nhưng cũng phải thấy rằng, nhờ có sự đầu tư bài bản, có chiều sâu của ngành TDTT, quân đội chúng ta mới có một Ánh Viên xuất sắc, toàn diện như ngày hôm nay. Kinh phí để một tuyển thủ tập huấn ở Mỹ không rẻ chút nào. Tính ra cũng phải cỡ 2 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, quá trình tập huấn chuyên nghiệp đòi hỏi liên tục, chuyên gia có từng giai đoạn và sau mỗi một năm, giống như việc học văn hóa, VĐV cần chuyên gia hay hơn giúp sức. “Đắt sắt ra miếng”. Câu này vận vào Ánh Viên quả là chính xác và trong tương lai gần, Ánh Viên cần được đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, nếu muốn tấn công vào đấu trường ASIAD và xa hơn, là lọt vào vòng đấu chung kết ở Olympic.

Bắn súng, bơi, điền kinh, TDDC là những bộ môn trọng điểm, có nhiều VĐV được đầu tư dài hạn trong thời gian qua. Bắn súng có được thành công ở Olympic 2016, đó là nhờ sự đầu tư mạnh mẽ từ phía liên đoàn, các nhà tài trợ. Nhưng ở SEA Games 29, bắn súng không có thành tích như ý. TDDC nữ cũng rơi vào cảnh thất bát khi không còn Hà Thanh. Có nghĩa là ở một vài bộ môn, một vài nội dung, chúng ta không có lực lượng kế cận xứng đáng.

Trong tương lai, có lẽ ngành thể thao nên đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa; giao quyền tự chủ nhiều hơn cho các liên đoàn, hiệp hội có thế mạnh, như: Bắn súng, bơi, điền kinh, cử tạ, xe đạp, thể dục… để các tổ chức xã hội nghề nghiệp này có cơ sở trong việc kêu gọi đầu tư, tài trợ, cũng như chủ động hơn trong kế hoạch tập huấn, thi đấu. Tuy nhiên điều này đòi hỏi sự phối hợp ăn ý với các môn trực thuộc Tổng cục TDTT. Nói không đâu xa, dù điền kinh chiến thắng vang dội ở SEA Games 29 với 17 HCV, nhưng nếu lãnh đạo bộ môn và liên đoàn ăn ý với nhau hơn, thì có lẽ, số lượng HCV không dừng lại ở con số 17.

Lễ bế mạc SEA Games 29 đã khép lại một kỳ đại hội thành công. Ảnh: thestar.com.my. 

Sự chủ động của các liên đoàn, địa phương

Để VĐV đoạt HCV ở ASIAD, giải vô địch thế giới hay giành vé dự Olympic đòi hỏi một khoản đầu tư lớn từ ngân sách Nhà nước. Nếu không, cũng phải có nhà tài trợ lớn. Trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, thì cần các địa phương, các liên đoàn, hiệp hội tự chủ hơn nữa trong việc đầu tư, chuẩn bị cho đấu trường SEA Games; ngành TDTT sẽ phối hợp để sàng lọc lực lượng, chọn ra đội hình tinh nhuệ rồi đầu tư chuyên biệt chuẩn bị thi đấu ở các đấu trường đỉnh cao.

Bóng bàn ở SEA Games 29 có chiến công vang dội, làm nức lòng người hâm mộ, ấy là tấm HCV đồng đội nam. Chiếc HCV này đã khiến cả quốc đảo Sư tử bàng hoàng. Thế nhưng Đinh Quang Linh, Nguyễn Anh Tú, Đoàn Bá Tuấn Anh đã khiến các tay vợt Singapore thua trận tâm phục khẩu phục sau một trận “động đất”, để mang về tấm HCV lịch sử cho bóng bàn nước nhà.

Trong những năm qua, vì sự phối hợp thiếu nhịp nhàng, đội tuyển bóng bàn đã  không tập trung dài ngày. Thực tế đó đòi hỏi các địa phương, các ngành phải chủ động, tích cực trong việc hỗ trợ cho các tay vợt. Vì thế Hà Nội lo cho Nguyễn Anh Tú, Nguyễn Thị Nga đi tập huấn dài ngày ở Trung Quốc. Quân đội cũng tạo điều kiện để Đinh Quang Linh và đồng đội đi tập huấn nâng cao trình độ ở nước ngoài. Hải Dương cũng đầu tư mạnh mẽ cho Nguyễn Đức Tuân, Tuấn Anh, Đinh Thị Huệ… Từ sự đầu tư đúng người, đúng trọng điểm, bóng bàn nam Việt Nam đã làm nên chiến thắng vang dội ở SEA Games 29.  

Thể thao Hà Nội không chỉ đầu tư cho bóng bàn, mà còn cho cả điền kinh, Wushu, đấu kiếm, bắn cung, các môn võ… nữa. Ngoài kinh phí Nhà nước cấp, thể thao Thủ đô còn đầu tư riêng cho VĐV tập huấn dài ngày ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc; đi thi đấu nhiều giải quốc tế. Và thực tế cho thấy, ở các kỳ SEA Games, các môn thể thao của Hà Nội có thế mạnh như: Wushu, đấu kiếm, TDDC, bóng bàn, bắn cung đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Từ đây, nên chăng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục TDTT nên mạnh dạn giao chỉ tiêu giành huy chương ở SEA Games và cả kinh phí huấn luyện, tập huấn cho các địa phương, liên đoàn, hiệp hội để các tổ chức này xây dựng kế hoạch và chủ động hơn trong mọi việc.

Các tuyển thủ Quân đội tỏa sáng

Tại SEA Games 29, các tuyển thủ Quân đội đã đóng góp vào thành tích chung của Đoàn Thể thao Việt Nam 13 HCV, 9 HCB, 9 HCĐ. Tỏa sáng nhất đại hội là Ánh Viên với 8 HCV, 2 HCB, phá 3 kỷ lục đại hội.  

Khi Hoàng Xuân Vinh thi đấu không được như ý thì một tuyển thủ Quân đội khác là Hà Minh Thành đã mang về tấm HCV duy nhất cho đội tuyển bắn súng quốc gia.

Thể thao Quân đội có quyền tự hào với tuyển thủ TDDC Đặng Nam (1 HCV cá nhân, 1 HCV đồng đội), chân chạy Nguyễn Văn Lai (1 HCV, 1 HCB), VĐV marathon Hoàng Thị Thanh (HCB), công sức của Đinh Quang Linh góp vào chiến tích HCV lịch sử của bóng bàn Việt Nam...

Những tấm huy chương trên và cả những thất bại của thể thao Quân đội nói riêng, thể thao Việt Nam nói chung ở SEA Games 29 sẽ là bài học kinh nghiệm quý giá, để các nhà chuyên môn, lãnh đạo ngành thể thao, các đơn vị liên quan có thêm một cái nhìn, đánh giá chính xác về thể thao Việt Nam qua kỳ đại hội được đánh giá là thành công này. Để từ đó, thể thao nước nhà có những hoạch định, quyết sách mới, phù hợp với thực tế phát triển của kinh tế đất nước, của thể thao thế giới, để từng bước tiến vững chắc vào đấu trường ASIAD, Olympic.

Theo QĐND điện tử

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn