Sắt son lời thề giữ biển
* Chuẩn Đô đốc Đặng Minh Hải, Phó Chính ủy Hải quân
HQ Online -
Giải phóng quần đảo Trường Sa mùa Xuân năm 1975 là một trong những chiến công xuất sắc của Quân chủng Hải quân (QCHQ). Trải qua 45 năm, quân dân Trường Sa vẫn sắt son lời thề giữ biển, quyết tâm bám trụ, bảo vệ, xây dựng quần đảo thành “lũy thép nơi đầu sóng” vững chắc, vì sự bình yên của biển, đảo quê hương.
Chiến công mang tầm chiến lược
Đầu năm 1975, trước sức tiến công mạnh mẽ của ta, ngụy quyền Sài Gòn đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn, có thể rút chạy khỏi quần đảo Trường Sa bất cứ lúc nào. Cùng với mở chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn, Bộ Chính trị chỉ đạo Quân ủy Trung ương mở hướng tiến công chiến lược trên biển giải phóng Trường Sa, thu non sông về một mối.
Ngày 4-4-1975, Bộ Quốc phòng chỉ thị cho QCHQ và Quân khu 5: “Nghiên cứu và chỉ đạo thực hiện gấp rút, nhằm thời cơ thuận lợi nhất, đánh chiếm các đảo do quân ngụy miền Nam chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng”. Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo QCHQ “dùng lực lượng hiện có, phối hợp với lực lượng của Quân khu 5 đánh chiếm các đảo trên quần đảo Trường Sa do ngụy quyền đóng giữ để phối hợp với các hướng tiến công trên bộ trong giai đoạn tiến công trọng điểm vào Sài Gòn”.
QCHQ thành lập lực lượng giải phóng Trường Sa mang mật danh C75 do Anh hùng LLVTND Mai Năng, Đoàn trưởng Đoàn Đặc công Hải quân 126 chỉ huy. Khoảng 4 giờ ngày 11-4-1975, biên đội 3 tàu 673, 674, 675 (sau giải phóng Song Tử Tây bổ sung thêm tàu 641) của Đoàn 125-Đoàn tàu Không số chở Đặc công Hải quân và một bộ phận lực lượng của Quân khu 5 bí mật vượt biển làm nhiệm vụ.
Với phương châm tác chiến “bí mật, bất ngờ, kiên quyết, thần tốc, táo bạo, kết hợp tiến công và gọi hàng, giải phóng đảo nhanh gọn”, ngày 14-4 ta giải phóng đảo Song Tử Tây, tiếp theo là các đảo Sơn Ca (25-4), Nam Yết (27-4), Sinh Tồn (28-4). 9 giờ ngày 29-4 đảo Trường Sa được giải phóng. Ngay hôm đó Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã ký điện “Nhiệt liệt biểu dương các đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược”.
Lực lượng Đặc công Hải quân giải phóng đảo Song Tử Tây. Ảnh tư liệu
Chiến công giải phóng Trường Sa khẳng định sự chỉ đạo sáng suốt, kịp thời của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Giải phóng sớm được các đảo ở quần đảo Trường Sa đã giúp Quân chủng Hải quân giữ được vị trí phòng thủ để bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa, biến quần đảo trở thành một vành đai chiến lược từ hướng biển. Giải phóng sớm được các đảo ở quần đảo Trường Sa cũng đã tiếp thêm sức mạnh và khí thế cho các cánh quân đang tiến về Sài Gòn, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975.
Lời thề từ “quần đảo bão tố”
Giải phóng các đảo ở quần đảo Trường Sa đã là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn nhưng bảo vệ được quần đảo là nhiệm vụ còn khó khăn gấp bội. Nhưng vượt lên muôn vàn khó khăn, gian khổ quân dân Trường Sa luôn nâng cao cảnh giác, bảo vệ từng hòn đảo, từng tấc biển. Trong bất luận hoàn cảnh nào, dù có phải hy sinh tính mạng thì những người giữ đảo vẫn hiên ngang, trung kiên như lời thề bất tử của Thiếu úy Trần Văn Phương trên đảo Gạc Ma: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân”.
Đầu tháng 5-1988, khi tình hình ở Trường Sa đang diễn biến rất phức tạp, căng thẳng, Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã có chuyến thị sát quần đảo và dự Lễ kỷ niệm 33 năm Ngày thành lập QCHQ (7-5-1955 – 7-5-1988). Ở nơi xa xôi nhất của Tổ quốc giữa Biển Đông, Đại tướng động viên cán bộ, chiến sĩ Trường Sa quyết tâm giữ vững truyền thống yêu nước, sẵn sàng chiến đấu, hi sinh, bảo vệ “phên dậu” đất nước.
Trong lễ kỷ niệm, Đại tướng đã nhấn mạnh: “Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa-Một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc chúng ta”.
Đại tướng Lê Đức Anh phát biểu tại đảo Trường Sa năm 1988. Ảnh: Tư liệu
Lời thề từ “quần đảo bão tố” luôn vang vọng. Quyết tâm bảo vệ Trường Sa-chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm cũng là quyết tâm của toàn thể dân tộc Việt Nam. Trang sử bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa đã được viết không chỉ bằng mồ hôi, công sức mà bằng cả máu và nước mắt; bằng sự can trường, dũng cảm của của cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam. Sự hy sinh cao cả vì Tổ quốc của cán bộ, chiến sĩ Trường Sa đã tạo nên khí phách Trường Sa: Đó là lòng yêu nước, trí tuệ con người Việt Nam; truyền thống nhân nghĩa, hữu nghị; mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân; tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất, nỗ lực vượt qua khó khăn, gian khổ để bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc…
Tất cả vì Trường Sa thân yêu
Những năm qua, công tác phối hợp tuyên truyền biển, đảo của Quân chủng Hải quân được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, tạo bước đột phá mới, căn bản và toàn diện, tác động sâu sắc đến tình cảm, nhận thức, hành động của bộ đội và nhân dân, tạo nên sức mạnh to lớn trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên biển.
Có sự quan tâm to lớn của Đảng, Nhà nước, Quân đội; sự yêu thương, đùm bọc của nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài, huyện đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 và các vùng biển, đảo của Tổ quốc hôm nay đã thực sự “Mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về đoàn kết quân dân”; diện mạo và thế đứng biển, đảo Việt Nam ngày càng đổi mới và vững chắc.
Đêm trên đảo Trường Sa. Ảnh: Vũ Quang Ngọc
Với chức năng là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và lao động sản xuất, cán bộ, chiến sĩ Hải quân tiếp tục nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng chính quy, lao động sản xuất; nắm chắc tình hình nhiệm vụ, đối tượng, đối tác; đi đầu trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước; giúp nhân dân phát triển kinh tế-xã hội, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển, làm sáng đẹp thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ-Người chiến sĩ Hải quân” trong thời kỳ mới.
Tàu mặt nước Hải quân duyệt đội hình trên biển. Ảnh: Đức Thu
Tình hình thế giới, khu vực và trên Biển Đông hiện nay đang có diễn biến phức tạp, khó lường. Là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc, Quân chủng Hải quân luôn nâng cao cảnh giác, chủ động nắm chắc, dự báo chính xác để tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xử lý hiệu quả các tình huống trên biển, không để bị động, bất ngờ; cùng các lực lượng khác ngăn chặn có hiệu quả những âm mưu, hành động lấn chiếm, xâm phạm chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.
Sắt son lời thề giữ biển, bộ đội Hải quân luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và Nhân dân, gắn bó với Nhân dân, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta luôn chung sức, đồng lòng, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp, quyết tâm giữ vững độc lập, chủ quyền biển, đảo, tạo môi trường thuận lợi để đất nước phát triển nhanh, bền vững.
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Lữ đoàn 126: Hội thi cán bộ đại đội và các chức danh tương đương - ( 26-11-24 02:00 )
- Hội đồng thi đua - khen thưởng Quân chủng tổng kết phong trào thi đua quyết thắng năm 2024 - ( 25-11-24 02:00 )
- Khai mạc tập huấn kỹ thuật cho học viên Cam-pu-chia - ( 25-11-24 09:00 )
- Hợp tác để tự chủ đảm bảo kỹ thuật - ( 24-11-24 10:00 )
- Lữ đoàn 169 tập huấn hàn, cắt, gia công cơ khí - ( 23-11-24 01:00 )