SARS-CoV-2 dễ xâm nhập cơ thể người hơn virus khác

HQ Online -

Nhờ sở hữu các protein hình gai phân bố dày hơn mà virus SARS-CoV-2 có thể dễ dàng xâm nhập vào tế bào người so với những loại virus khác.

Đây là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đến từ Đại học Minnesota, Mỹ được đăng trên tạp chí Nature.

Cụ thể, dựa trên một bản đồ 3D của virus corona đang gây dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu, nhóm nghiên cứu đặc biệt chú ý đến cấu trúc protein hình gai - công cụ mà virus sử dụng để xâm nhập vào tế bào con người và cơ chế hoạt động của nó.

SARS-CoV-2 dễ xâm nhập cơ thể người hơn virus khác

Cơ chế lây nhiễm của virus SARS-CoV và SARS-CoV-2. Ảnh: Eurek Alert

Khi gặp tế bào người, các protein hình gai của virus SARS-CoV-2 sẽ tìm kiếm và dính vào các thụ thể ACE-2 - cấu trúc bên ngoài màng tế bào người. đây được coi như “tay nắm cửa” để virus dễ dàng xâm nhập vào tế bào người rồi nhân lên.

So sánh với chủng virus corona gây hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) năm 2002-2003, được đặt tên là SARS-CoV, với cùng cơ chế lây nhiễm như trên thì virus SARS-CoV-2 có khả năng liên kết với thụ thể ACE-2 của tế bào người cao hơn nhiều lần, dẫn đến sự gắn kết mạnh hơn nhờ protein hình gai phân bố dày hơn.Khi gặp tế bào người, các protein hình gai của virus SARS-CoV-2 sẽ tìm kiếm và dính vào các thụ thể ACE-2 - cấu trúc bên ngoài màng tế bào người, đây được coi như “tay nắm cửa” để virus dễ dàng xâm nhập vào tế bào người rồi nhân lên.

Điều đó có nghĩa là chỉ cần một lượng các giọt bắn chứa virus nCoV được con người hít qua mũi hoặc miệng cũng đủ để xâm nhập vào tế bào người và lây lan từ người sang người.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu tiếp tục so sánh virus SARS-CoV-2 với các chủng virus corona khác được tìm thấy ở dơi. Cấu trúc tế bào của động vật này cũng có thụ thể ACE-2 như ở người. Điều đó củng cố cho giả thuyết rằng virus corona lây nhiễm cho con người trực tiếp từ dơi, hoặc thông qua tê tê mà chúng bị nhiễm từ dơi. Trong quá trình đó, virus đã biến đổi để lây lan dễ dàng hơn ở người.

Chính những đột biến đó đã giúp virus SARS-CoV-2 khác biệt so với các chủng virus corona khác. Thí dụ, virus nCoV lây nhiễm ngay từ cổ họng và mũi, gây ra các triệu chứng giống cảm lạnh, trong khi virus SARS-CoV lại lây nhiễm từ trong phổi.

Từ những thông tin trên, nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ giúp ích cho các nhà khoa học trong việc phát triển các loại thuốc kháng thể tiềm năng có thể vô hiệu hóa virus SARS-CoV-2 trước khi nó nhân lên và gây bệnh hay tìm ra vaccine ngăn ngừa lây nhiễm trong tương lai.

Đến nay, thế giới đã ghi nhận hơn 850 nghìn ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 41 nghìn trường hợp tử vong.

PV tổng hợp

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn