Rèn luyện cán bộ trẻ thông qua thực tiễn
HQVN -
Thực tiễn là môi trường tốt để bồi dưỡng, rèn luyện, phát huy năng lực của cán bộ trẻ. Việc quan tâm bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện, sử dụng đội ngũ cán bộ trẻ chính là "chìa khóa" thành công của Lữ đoàn 680 nhiều năm qua.
Đến Lữ đoàn 680, Vùng 3 Hải quân, chúng tôi được cán bộ, chiến sĩ ở đây nhắc nhiều về Đại úy Tạ Ngọc Dần, Phó trạm trưởng Trạm Kỹ thuật. Ở tuổi 33 và thâm niên công tác được hơn 8 năm, nhưng anh đã trở thành tấm gương sáng của Lữ đoàn và Vùng 3; được các cấp khen thưởng nhiều lần, trong đó năm 2019 anh được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ứng dụng vào thực tiễn có hiệu quả. Thành tích đó không chỉ thể hiện bản lĩnh và sự cố gắng vượt bậc của anh trong quá trình công tác, mà còn là kết quả của việc giáo dục, rèn luyện sĩ quan trẻ ở Lữ đoàn thời gian qua.
Chia sẻ kinh nghiệm giữa các sĩ quan trẻ Trạm Kỹ thuật, Lữ đoàn 680
Nhớ lại những ngày đầu về đơn vị công tác, Đại úy Dần kể: "Sau khi tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật Quân sự, ngành Tên lửa phòng không tôi nhận quyết định về Lữ đoàn 680 công tác. Do chưa có nhiều kiến thức thực tế, lại phải tiếp cận ngay với VKTBKT hiện đại nên tôi gặp rất nhiều khó khăn. Nhờ sự chỉ bảo tận tình của đồng đội đi trước, nỗ lực của bản thân và đặc biệt là sự quan tâm phát triển đội ngũ cán bộ trẻ của Lữ đoàn, tôi đã gặt hái được nhiều thành công".
Đại úy Tạ Ngọc Dần đã tham gia thực hiện 7 đề tài, sáng kiến; trong đó đề tài “Thiết kế, chế tạo thiết bị đo áp suất từ xa trên tên lửa” đoạt giải A Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo Nguyễn Phan Vinh của Quân chủng Hải quân năm 2017 và giải Nhì Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội lần thứ 17.
Thượng tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó Chính ủy Lữ đoàn 680 cho biết: “Hằng năm, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đặt ra yêu cầu đối với cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị phải thường xuyên quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ, kết hợp với bố trí, sử dụng tạo điều kiện để cán bộ trẻ phát triển; trong đó tổ chức Đoàn phải tham gia vào các khâu, các bước của công tác cán bộ với tinh thần trách nhiệm cao nhất…”.
Đến Đội Hỏa lực tìm hiểu hoạt động thực tế của các cán bộ trẻ, chúng tôi gặp Thiếu tá Nguyễn Huy Hưng, Đội trưởng đang lên lớp bài thực hành “Phân đội bệ phóng cơ động chiếm lĩnh trận địa công kích tên lửa”. Anh chỉ bảo tỉ mỉ từng thao tác cho các trắc thủ. Với mỗi nội dung, anh đều gợi mở và yêu cầu tất cả trắc thủ phải đặt ra câu hỏi về vấn đề mình quan tâm hoặc chưa rõ. Hưng tâm sự: “Là cán bộ trẻ, nhưng tôi luôn được chỉ huy đơn vị tin tưởng giao nhiều nhiệm vụ quan trọng. Đó là áp lực lớn nhưng cũng là động lực để tôi phấn đấu. Chúng tôi đã huấn luyện các kíp xe bệ trở thành những kíp xe giỏi để tham gia các cuộc diễn tập, thao diễn và bắn đạn thật... Thực tiễn công tác giúp tôi trưởng thành hơn về mọi mặt”.
Nhiều năm qua, Lữ đoàn đã đặc biệt quan tâm đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong đội ngũ sĩ quan trẻ. Hằng năm, các cơ quan, đơn vị yêu cầu cán bộ, chiến sĩ đề xuất ý tưởng nghiên cứu, đăng ký đề tài, sáng kiến. Trên cơ sở đó, Lữ đoàn tiến hành rà soát, xây dựng kế hoạch thực hiện; giao chỉ tiêu cho từng cơ quan, đơn vị, bảo đảm các đề tài, sáng kiến không trùng lặp, có tính khả thi, phù hợp với nguồn kinh phí hỗ trợ. Các đề tài, sáng kiến hướng vào giải quyết những khó khăn mà thực tiễn đặt ra và ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác, nhất là trong bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, đồng bộ VKTBKT.
Kết quả phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của Lữ đoàn 680 không chỉ là số lượng đề tài, sáng kiến mà quan trọng hơn là hiệu quả mà nó mang lại. Nhiều “nút thắt” trong bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa VKTBKT đã được giải quyết. Hệ số kỹ thuật của VKTBKT luôn bảo đảm theo quy định, nhất là ở nhóm VKTBKT SSCĐ. Qua đó cũng khơi dậy lòng say mê, tinh thần sáng tạo, cống hiến của đội ngũ cán bộ, thợ kỹ thuật trẻ, tạo hiệu ứng tích cực trong đơn vị.
Cùng với đó, Lữ đoàn còn chủ động phát triển nguồn cán bộ tại chỗ thông qua tự đào tạo, tự bồi dưỡng. Lữ đoàn tổ chức nhiều buổi tọa đàm, trao đổi chuyên môn giữa cán bộ lâu năm, có nhiều kinh nghiệm với cán bộ, sĩ quan trẻ nhân rộng kiến thức, kinh nghiệm, phương pháp huấn luyện; phối hợp với các viện nghiên cứu, học viện, nhà trường tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên sâu về chuyên ngành tên lửa đất đối hải.
Trung úy Phạm Viết Trọng, Phân đội trưởng Phân đội Bệ phóng, Đội Hỏa lực mới về đơn vị công tác được gần 1 năm. Nhờ định hướng của cấp ủy, chỉ huy Đội Hỏa lực, sự hỗ trợ nhiệt tình của đồng đội, Trọng đã tích cực tham gia và kịp hoàn thành đề tài “Mô hình huấn luyện chiến thuật cấp đội” đưa vào ứng dụng thực tế trước ngày ra quân huấn luyện năm nay. Trọng chia sẻ: "Sự phát triển nhanh chóng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là một thách thức, nhưng cũng là cơ hội để cán bộ trẻ chúng tôi vươn lên khẳng định mình, không ngừng học hỏi, áp dụng những kiến thức mới vào quá trình công tác, nghiên cứu, sáng tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích góp phần nâng cao chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị".
Thượng tá Nguyễn Hữu Hùng cho biết: Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đặc biệt tôn trọng ý kiến tham mưu của tổ chức đoàn thể về các nội dung liên quan đến tư tưởng, tổ chức và chính sách đối với cán bộ trẻ; nhất là việc quan tâm, tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ trẻ có điều kiện học tập, cống hiến và trưởng thành. Hiện nay, tại Lữ đoàn số cán bộ dưới 35 tuổi, trong đó có cán bộ đoàn được bổ nhiệm giữ vị trí lãnh đạo, chỉ huy đơn vị chiếm tỷ lệ cao.
Bài, ảnh: Phúc Vinh
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Luôn sẵn sàng khi ngư dân cần - ( 03-11-24 03:00 )
- Sôi nổi các hoạt động kỷ niệm 49 năm Ngày thành lập Vùng 5 - ( 27-10-24 07:00 )
- Lục Yên ấm tình người - ( 26-10-24 07:00 )
- Thường vụ Đảng ủy Quân chủng kiểm tra Đảng ủy Lữ đoàn 131 - ( 04-05-24 09:00 )
- Lữ đoàn Tàu ngầm 189: Sinh hoạt chính trị tư tưởng về tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - ( 04-05-24 02:00 )