Ra khơi nơi địa đầu Tổ quốc
Khi trời còn chưa sáng rõ, dân làng Trà Cổ, Móng Cái, Quảng Ninh vẫn còn yên giấc thì từng chiếc thuyền nhỏ chở đầy các loại hải sản như bề bề, cua, ghẹ, cá... cập vào bến nhỏ ven làng sau một đêm thức trắng trên biển. Nghề đi biển vất vả, lấy đêm là ngày nhưng người dân Trà Cổ không bao giờ muốn rời xa biển.
Ở Trà Cổ, ông Khổng Minh Điền 75 tuổi là một trong những người đi biển giàu kinh nghiệm. Bây giờ, không đủ sức khỏe để ra khơi nữa nhưng ngư dân già ấy vẫn tiếp tục giúp các con và ngư dân quanh đây ra khơi thuận lợi bằng những chiếc lưới tự tay ông đan vừa chắc vừa bền. Ông kể, cả trong các thư tịch cổ lẫn ký ức được truyền đời nhắc nhớ gốc gác ngư dân Trà Cổ hiện nay chính là hậu duệ nhiều đời của những người đi biển tài ba đến từ Đồ Sơn, Hải Phòng xưa.
Cách đây khoảng sáu thế kỷ, một nhóm ngư dân Đồ Sơn gồm 12 gia đình đi đánh cá, gặp bão phải ghé vào đây. Lúc ấy, Trà Cổ còn là đầm bãi nước độc rừng thiêng. Họ đã phân vân, bàn luận không biết nên về hay ở lại. Cuối cùng, sáu gia đình quay về, sáu gia đình ở lại khai hoang, mở làng mới, dần dần gây dựng nên Trà Cổ ngày nay. Trên mảnh đất biên thùy, họ vừa là ngư dân vừa như là những người lính trấn thủ ở địa đầu đất nước. Từng theo ông nội, rồi cha ra khơi, ông Điền tâm sự tổ tiên mình truyền kể đã qua hàng chục đời lập nghiệp ở đây nhưng chưa ai rời biển. Sóng gió đã thấm vào máu, vào cốt cách và cả giấc mơ tương lai của con cháu họ.
Đi câu mực ở Trà Cổ
Ông Điền được nghe kể rằng, thời xa xưa, Trà Cổ vẫn còn rậm rịt và nghèo khổ lắm. Ngư dân quây quần với nhau trong những ngôi nhà đất, nhà sàn dưới bóng rừng. Tuy nhiên, họ lại nổi tiếng là những con người kiên cường. Dù mưu sinh bằng những chiếc mảng được kết lại với nhau từ tre nứa, nhưng họ đã dong buồm đi rất xa, đến tận các hòn đảo và xuôi xuống được cả vùng trong. Cái khắc nghiệt của thiên tai, của nghèo khó không quật được họ, ngay cả bọn sơn lâm thảo khấu ở biên giới, giặc tàu ô cướp biển cũng không làm họ lùi bước.
Dẫn chúng tôi đi thăm quanh làng, lão ngư Khổng Minh Điền vui vẻ giới thiệu hai con trai của mình tên Khổng Xuân Thanh và Khổng Xuân Mai. Cả hai đều bám biển với thâm niên hàng chục năm trên sóng gió. Khi chúng tôi hỏi “Đã bao giờ anh có ý nghĩ đổi nghề?”, anh Thanh trả lời không chút đắn đo: “Chắn chắn là không bỏ”. Vừa kéo xong mẻ lưới trong đêm, hai con ông Điền đưa bè vào bờ rồi hô hào các thành viên trong gia đình tập trung gỡ lưới. Mất chừng 2 đến 3 tiếng gỡ lưới, hai anh em lại ra khơi kéo thêm mẻ lưới nữa. Thấy vậy, chúng tôi hỏi thêm “Như thế các anh ngủ vào lúc nào?”, câu trả lời của anh Thanh đơn giản mà không thiếu sự dí dỏm “Về già ngủ một giấc tiện thể”.
Đã đặt chân qua nhiều làng chài của đất nước, đến Trà Cổ, chứng kiến một số ngư dân vẫn còn dùng những chiếc mảng tre để đi biển như cha ông họ năm xưa dù có sự thay đổi một chút là cánh buồm đã được thay thế bằng động cơ công suất nhỏ, lặng nhìn họ làm việc và lắng nghe họ tâm sự, chúng tôi cảm nhận được nghề đi biển ở đây thật vất vả. Thế mới hay rằng trên mảnh đất Trà Cổ những người con đất Việt đã kiên cường bám biển, giữ đất và tinh thần yêu nước đó chính là truyền thống đã được nối tiếp biết bao thế hệ nay.
Bài, ảnh: Tuấn Ngọc
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Tàu 467 cứu nạn thành công tàu cá Bình Định - ( 22-11-24 01:00 )
- Vùng 2 phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật - ( 21-11-24 02:00 )
- Tri ân những nhà giáo ở Trường Sa - ( 21-11-24 08:00 )
- Trung tâm Huấn luyện Vùng 2 gặp mặt nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày nhà giáo Việt Nam - ( 20-11-24 10:00 )
- Các đơn vị chúc mừng Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 - ( 20-11-24 03:00 )