Quyền bầu cử của công dân theo Hiến pháp 2013

HQ Online -

Năm 2021, nước ta sẽ diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.

Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XIV đã biểu quyết, quyết định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là Chủ nhật, ngày 23-5-2021.

Tranh minh họa

Khái niệm quyền bầu cử

Quyền bầu cử là quy định của pháp luật về khả năng của công dân thực hiện quyền lựa chọn người đại biểu của mình vào cơ quan quyền lực nhà nước. Quyền bầu cử không chỉ là quyền bỏ phiếu, mà còn bao gồm quyền đề cử. Đây là quyền chính trị quan trọng bảo đảm cho công dân có thể tham gia vào việc thành lập ra những cơ quan quan trọng nhất của mỗi quốc gia.

Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND là hình thức dân chủ trực tiếp, là phương thức thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng Nhà nước nói chung và cơ quan đại diện-cơ quan quyền lực nhà nước từ trung ương đến địa phương ở nước ta nói riêng. Thông qua việc bầu cử này, nhân dân thực hiện quyền dân chủ bằng cách lựa chọn những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội, HĐND. Vì vậy, việc lựa chọn những người bảo đảm tiêu chuẩn, xứng đáng đại diện cho nhân dân tham gia vào các cơ quan quyền lực nhà nước là yêu cầu quan trọng và có ý nghĩa chính trị to lớn.

Đối với mỗi cử tri, việc đi bầu cử là quyền lợi đồng thời cũng là trách nhiệm của công dân đối với đất nước.

Chủ thể của quyền bầu cử

Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử. Tuy nhiên, không phải mọi công dân đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử mà có những trường hợp công dân đủ 18 tuổi trở lên không được bầu cử.

Theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015, có 4 trường hợp không được bầu cử như sau:

- Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

- Người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án.

- Người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo.

- Người mất năng lực hành vi dân sự.

Trường hợp người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Nguyên tắc bầu cử

Việc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

- Nguyên tắc phổ thông: Nhà nước phải bảo đảm để cuộc bầu cử thực sự trở thành một cuộc sinh hoạt chính trị rộng lớn, tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền bầu cử của mình, bảo đảm tính dân chủ, công khai và sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp nhân dân.

- Nguyên tắc bình đẳng: Cử tri tham gia bầu cử có cơ hội tham gia bầu cử như nhau, có quyền và nghĩa vụ như nhau. Kết quả bầu chỉ phụ thuộc vào số phiếu bầu. Ngoài ra, nguyên tắc này còn đòi hỏi sự phân bổ hợp lý cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu để đại diện cho các vùng, miền, địa phương, tầng lớp xã hội, các dân tộc thiểu số.

- Nguyên tắc trực tiếp: Bầu cử trực tiếp có nghĩa là cử tri trực tiếp thể hiện ý chí của mình qua lá phiếu; cử tri trực tiếp bầu ra đại biểu của mình chứ không qua một cấp đại diện cử tri nào.

- Nguyên tắc bỏ phiếu kín: Nhằm bảo đảm sự tự do đầy đủ, thể hiện ý chí cử tri, việc bầu cử được tiến hành dưới hình thức bỏ phiếu kín.

Nguyên tắc bỏ phiếu bầu

Có 8 nguyên tắc khi bỏ phiếu bầu:

1. Mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu đại biểu Quốc hội và bỏ một phiếu bầu đại biểu HĐND tương ứng với mỗi cấp HĐND.

2. Cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay, trừ trường hợp quy định tại mục (3) và (4); khi bầu cử phải xuất trình thẻ cử tri.

3. Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri. Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.

4. Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử. Đối với cử tri đang bị tạm giam, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện hoặc đang bị tạm giữ tại nhà tạm giữ thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.

5. Khi cử tri viết phiếu bầu, không ai được xem, kể cả thành viên Tổ bầu cử.

6. Nếu viết hỏng, cử tri có quyền đổi phiếu bầu khác.

7. Khi cử tri bỏ phiếu xong, Tổ bầu cử có trách nhiệm đóng dấu “Đã bỏ phiếu” vào thẻ cử tri.

8. Mọi người phải tuân theo nội quy phòng bỏ phiếu.

Thời gian bỏ phiếu

Theo quy định, ngày bầu cử do Quốc hội quyết định, ngày bầu cử phải là ngày Chủ nhật và được công bố chậm nhất 115 ngày trước ngày bầu cử.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026 được ấn định là ngày 23-5-2021. Việc bỏ phiếu bắt đầu từ 7 giờ đến 19 giờ cùng ngày. Tùy tình hình địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước 5 giờ hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá 21 giờ.

Tuy nhiên, trường hợp đặc biệt có thể hoãn hoặc bỏ phiếu sớm hơn theo quyết định của Hội đồng bầu cử Quốc gia.

Văn Linh (Tổng hợp)

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn