Quy định mới về xử lý kỷ luật trong QĐND Việt Nam
HQ Online -
Ngày 27/12/2023, Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư số 143/2023/TT-BQP quy định xử lý kỷ luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam (gọi tắt là Thông tư số 143/2023).
Thông tư này quy định về nguyên tắc, thời hiệu, thời hạn; hình thức và thẩm quyền xử lý kỷ luật; hành vi vi phạm và áp dụng hình thức kỷ luật; trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với người vi phạm kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
So với Thông tư số 16/2020 thì Thông tư số 143/2023 sửa đổi, bổ sung nhiều quy định nhằm đáp ứng tình hình thực tiễn và nâng cao chất lượng công tác xử lý kỷ luật trong Quân đội ta. Trong đó có một số điểm mới như sau:
Quy định rõ về đối tượng áp dụng
Điều 2 Thông tư số 143/2023 đã quy định cụ thể 7 nhóm đối tượng áp dụng, bao gồm:
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ (gọi chung là quân nhân), công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng (gọi chung là công chức, công nhân và viên chức quốc phòng); các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.
- Người làm việc trong tổ chức cơ yếu của Ban cơ yếu Chính phủ thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (gọi tắt là người làm việc trong tổ chức cơ yếu).
- Lao động hợp đồng đang phục vụ trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Ban cơ yếu Chính phủ.
- Quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu hoặc thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.
- Dân quân, tự vệ phối thuộc với Quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, đang đào tạo tại các cơ sở đào tạo trong Quân đội, trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến nhiệm vụ quân sự, quốc phòng theo quy định của pháp luật.
- Học viên đào tạo sĩ quan dự bị tại các cơ sở đào tạo trong Quân đội; công dân được trưng tập vào phục vụ trong Quân đội.
- Người thôi phục vụ trong Quân đội, thôi làm việc trong tổ chức cơ yếu thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ nhưng vi phạm kỷ luật trong thời gian tại ngũ, làm việc đến mức phải xử lý kỷ luật.
Bổ sung, giải thích nhiều từ ngữ, khái niệm
Thông tư số 143/2023 đã bổ sung, giải thích rõ ràng, cụ thể nhiều từ ngữ, khái niệm mới về vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, vắng mặt trái phép, đào ngũ, hành vi lưu học sinh quân sự không về nước theo quy định,…:
- Lưu học sinh quân sự, lưu học sinh cơ yếu không về nước theo quy định: Là về nước chậm từ 15 ngày trở lên kể từ ngày hết hạn học tập theo quyết định của Bộ Quốc phòng, Ban cơ yếu Chính phủ mà không được cấp có thẩm quyền cho phép hoặc không có lý do chính đáng.
- Vắng mặt trái phép: Là hành vi vắng mặt ở đơn vị dưới 24 giờ từ 2 lần trở lên hoặc từ 24 giờ đến 72 giờ (ba ngày) đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng, người làm việc trong tổ chức cơ yếu; dưới 24 giờ từ 2 lần trở lên hoặc từ 24 giờ đến 168 giờ (7 ngày) đối với hạ sĩ quan, binh sĩ mà không được phép của người chỉ huy có thẩm quyền.
- Đào ngũ: Là hành vi tự ý rời khỏi đơn vị quá 3 ngày đối với sĩ quan, quân nhân chuyển nghiệp, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng; quá 7 ngày đối với hạ sĩ quan, binh sĩ nhưng không thuộc các trường hợp được quy định tại Bộ luật hình sự.
Bổ sung quy định về tình tiết giảm nhẹ, trường hợp chưa xem xét kỷ luật
- Bổ sung thêm 1 tình tiết giảm nhẹ tại điểm d khoản 1 Điều 5, cụ thể: "Có nhiều thành tích trong học tập, công tác, lao động, sản xuất, chiến đấu".
- Sửa đổi, bổ sung trường hợp chưa xem xét kỷ luật tại điểm c khoản 1 Điều 6, theo đó chưa xem xét kỷ luật đối với "Phụ nữ đang trong thời gian mang thai, nghỉ chế độ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi; nam giới (trong trường hợp vợ chết hoặc vì lý do khách quan, bất khả kháng khác) đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người có hành vi vi phạm có văn bản yêu cầu được xem xét xử lý kỷ luật".
Ngoài ra, Thông tư số 143/2023 còn sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới về các hành vi vi phạm và hình thức kỷ luật tương ứng, quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về nguyên tắc, trình tự, thủ tục tiến hành xử lý kỷ luật.
Thông tư số 143/2023 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/2/2024, thay thế Thông tư số 16/2020/TT-BQP ngày 21/2/2020 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật trong Bộ Quốc phòng. Khi có văn bản mới thay thế các văn bản được chỉ dẫn trong Thông tư này thì thực hiện theo văn bản mới ban hành.
Mai Thao (TH)
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Những điểm mới về chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí và tử tuất quy định tại Luật BHXH năm 2024 - ( 05-11-24 08:00 )
- Nâng chế độ bồi dưỡng với người trực tiếp khảo sát, rà phá bom, mìn - ( 15-10-24 09:00 )
- Những điểm mới có lợi về việc bồi thường cho người dân khi bị thu hồi đất - ( 14-10-24 08:00 )
- Một số điểm mới của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ - ( 31-07-24 11:00 )
- Cảnh báo lừa đảo hỗ trợ cập nhật sinh trắc học - ( 08-07-24 05:00 )