Quy định mới về chế độ nghỉ hằng ngày ngoài giờ làm việc; nghỉ hằng tuần; nghỉ phép đặc biệt của quân nhân?

Quy định mới về chế độ nghỉ hằng ngày ngoài giờ làm việc; nghỉ hằng tuần; nghỉ phép đặc biệt của quân nhân.

 Ảnh minh họa

Tại Điều 4, 5 và 7 Thông tư số 56/2025/TT-BQP ngày 26/6/2025 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chế độ nghỉ của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Cụ thể như sau:

Nghỉ hằng ngày ngoài giờ làm việc

Quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng được nghỉ hằng ngày ngoài giờ làm việc. Chỉ huy cấp trung đoàn và tương đương trở lên ban hành quy chế nghỉ hằng ngày, phù hợp tính chất, đặc điểm nhiệm vụ đơn vị; hoàn cảnh, điều kiện của quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng; bảo đảm khả năng sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Nghỉ hằng tuần

Hằng tuần, quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng được nghỉ ngày thứ Bảy và ngày Chủ nhật. Khi đơn vị thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu hoặc do yêu cầu nhiệm vụ khác, chỉ huy cấp trung đoàn và tương đương trở lên căn cứ tình hình cụ thể của đơn vị, tổ chức thực hiện chế độ nghỉ hằng tuần cho phù hợp.

Nghỉ phép đặc biệt

Ngoài chế độ nghỉ phép hằng năm, quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng được nghỉ phép đặc biệt, mỗi lần không quá 10 ngày nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

1. Bản thân kết hôn hoặc con đẻ, con nuôi hợp pháp kết hôn.

2. Gia đình gặp khó khăn đột xuất do vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp; bố, mẹ, người nuôi dưỡng hợp pháp của bản thân, của vợ hoặc của chồng bị đau ốm nặng, tai nạn rủi ro, hy sinh, từ trần hoặc bị thiệt hại nặng về tài sản do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm gây ra.

Quy định về việc tiếp nhận, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng, người lao động?

Nội dung này được quy định tại Điều 33 Thông tư số 122/2024/TT-BQP ngày 31/12/2024 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Cụ thể như sau:

1. Quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng, người lao động tham gia góp ý, kiến nghị, phản ánh tại hội nghị tập thể quân nhân hoặc bằng văn bản, thư tín, điện thoại gửi đến Hội đồng quân nhân (HĐQN) và chỉ huy cơ quan, đơn vị.

2. Các cơ quan, đơn vị cấp đại đội, tiểu đoàn và tương đương trở lên lập hòm thư góp ý, đặt ở nơi thuận tiện và công khai (hoặc hòm thư điện tử) để mọi người phản ánh với cấp ủy, cán bộ chủ trì ở cơ quan, đơn vị và cấp trên những biểu hiện vi phạm dân chủ, những vấn đề cần góp ý, kiến nghị, phản ánh. Hòm thư góp ý do HĐQN quản lý; chủ tịch, phó chủ tịch chịu trách nhiệm mở hằng ngày, có sự chứng kiến của đại diện quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng, người lao động thuộc cơ quan, đơn vị (01 người bất kỳ tại thời điểm mở) để nắm tình hình phản ánh. Lập biên bản và kịp thời đề xuất với cấp ủy, chỉ huy biện pháp giải quyết vấn đề phản ánh (nếu có).

3. Hằng tuần, HĐQN phối hợp với ban chấp hành các tổ chức quần chúng cùng cấp tổng hợp ý kiến, kiến nghị, phản ánh về thực hiện dân chủ; quyền lợi, nghĩa vụ hợp pháp, chính đáng của quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng, người lao động trong cơ quan, đơn vị để báo cáo với cấp ủy, chỉ huy trực tiếp.

4. Trong thời hạn 07 ngày làm việc (15 ngày làm việc đối với những việc có nội dung phức tạp), cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị có trách nhiệm trả lời hoặc thông báo bằng văn bản (với những vấn đề thuộc thẩm quyền cấp trên) kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của tập thể quân nhân.

PV (TH)

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn