“Phù điêu” giữa cánh đồng làng

HQVN -

…Cùng em khoác chiếc áo tơi ra đồng/ Dù trờ đổ nắng chang chang vẫn quàng/ Để nghĩa tình đừng nhạt, đừng phai/Thương nhau rồi đừng cởi áo cho ai…

Mỗi lần nghe lại bài hát “Ca dao em và tôi” của cố nhạc sĩ An Thuyên, kỷ niệm tuổi thơ lại hiện về rõ như một thước phim quay chậm xuyên thời gian. Xa quê bao năm nay nhưng chiếc áo tơi màu lá úa luôn hằn sâu trong ký ức tuổi thơ. Hình ảnh các bà, các mẹ mang áo tơi làm ruộng dưới cái nắng mùa Hè chói chang trông như những bức “phù điêu” rải rác giữa cánh đồng làng bát ngát.

Tôi sinh ra, lớn lên từ làng, một ngôi làng nhỏ phía Tây dãy Trường Sơn trùng điệp. Làng tôi nghèo, khí hậu khắc nghiệt. Mùa Đông, những trận gió núi mang theo hơi lạnh tái tê. Mùa Hè thì ngược lại, suốt ngày nắng như đổ lửa cùng gió Lào bỏng rát. Tuổi thơ tôi hầu hết gắn với ruộng đồng, sông nước. Những buổi chiều chăn trâu, cắt cỏ giữa cái nắng chói chang, mồ hôi nhiều đến nỗi nếu cởi áo có thể vắt được thành dòng. Cảm giác khát cháy cổ họng, bỗng vỡ òa khi nhảy ùm xuống sông vốc từng ngụm nước mát lạnh cho vào miệng. Tuổi thơ tôi gắn liền với gốc đa, đụn rơm, với mùi cỏ cây ngai ngái, mùi đất ẩm, mùi khói đốt đồng, mùi trầu thơm của bà, hương cau, hương bưởi thoang thoảng, bát cơm gạo mới thơm lừng và nhất là chiếc áo tơi bao đời vẫn thế…

Làm áo tơi cũng không quá cầu kỳ, mẹ lấy lá cọ, lá nón xếp thành lớp và may lại (quê tôi gọi là chằm áo). Sau khi làm xong, dùng kéo cắt những chỗ thừa cho đẹp và gọn gàng. Phía trên áo, người ta xâu một sợi dây mềm để quàng vào người. Khi không sử dụng, áo tơi có thể cuộn tròn lại và vác vai hay cắp nách mang về. Đơn giản là thế nhưng chiếc áo tơi quê tôi lại đi vào thơ ca, nhạc họa khiến cho những người con xa quê, sống giữa chốn thị thành đô hội, mỗi lần bắt gặp hình ảnh ấy lại nhớ quê, nhớ mẹ đến nao lòng.

Tranh minh họa

Trong suốt những tháng ngày ở với mẹ, tôi hầu như đã hòa mình vào cánh đồng quê đầy rơm rạ. Quên sao được những buổi bắt cua, bắt cá giữa trưa hè cháy nắng. Đúng như những vần thơ mà thế hệ 7x, 8x ai cũng thuộc làu “Nước như ai nấu/ Chết cả cá cờ/ Cua ngoi lên bờ/Mẹ em xuống cấy” của Trần Đăng Khoa. Đây chính là lúc chiếc áo tơi của mẹ phát huy tác dụng. Mỗi chiếc áo tơi là ngôi nhà nhỏ nơi trú ẩn an toàn giữa đồng không mông quạnh, không một gợn mây, chỉ nắng và nắng… Mỗi lần đi chăn trâu, lũ trẻ chúng tôi lại được phát cái áo tơi để tránh nắng. Chúng tôi không mang vào người mà cuộn tròn lại, vác trên vai đi ra đồng, dựng thành hàng bên bờ ruộng và rủ nhau đi bắt cua, bắt cá. Đến trưa, khi giỏ cá đầy ắp mới tranh thủ chui vào ngôi nhà đơn sơ ấy để tránh nắng, đợi ráo mồ hôi trước khi rủ nhau ra bờ sông tắm mát.

Giờ đây, sau quãng thời gian xa quê hương, mỗi lần trở lại ngôi nhà xưa bao năm gắn bó bỗng dưng lại thèm vô cùng một buổi trưa hè, cùng lũ trẻ ra đồng bắt cá, bắt cua. Để được thấy những chiếc áo tơi một thời để nhớ. Để khi ra chốn thị thành phồn hoa đô hội, tâm hồn được ủ ấm và lòng người cũng bớt chông chênh.

Khánh Phú

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn