Phát huy truyền thống, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh về chính trị

* Chuẩn Đô đốc PHẠM VĂN LUYỆN, Phó Chủ nhiệm Chính trị Hải quân

HQVN -

Cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ phong toả sông biển miền Bắc bằng thủy lôi, bom từ trường là hoạt động quân sự quan trọng góp phần giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Đây là cuộc đối đầu căng thẳng cả về trí và lực, chỉ có sự thông minh, sáng tạo, đoàn kết mới có thể giành thắng lợi. Để hoàn thành nhiệm vụ chống phong toả phải tiến hành đồng bộ trên nhiều lĩnh vực, trong đó hoạt động CTĐ, CTCT là một nội dung rất quan trọng. Thực tiễn qua hai đợt chống phong toả, hoạt động CTĐ, CTCT trong Quân chủng Hải quân đã tập trung vào các nội dung chủ yếu:

Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Hải quân, cấp uỷ, chỉ huy các cấp đã chú trọng làm tốt công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu cho bộ đội. Việc giáo dục được tiến hành một cách chặt chẽ, thường xuyên, liên tục trong nhiều năm, đi sâu đến từng con người, ở mọi nơi, mọi lúc, tổ chức nhiều đợt với nhiều hình thức, phương pháp đa dạng.

Trong cuộc chiến đấu chống phong toả lần thứ nhất (1967-1968), công tác giáo dục đã tập trung làm rõ âm mưu của đế quốc Mỹ, chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng, của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Hải quân. Các cấp coi trọng giáo dục truyền thống chống ngoại xâm, truyền thống đánh giặc trên chiến trường sông, biển, truyền thống đánh thắng trận đầu ngày 2 và 5/8/1964 của Hải quân Nhân dân Việt Nam và quân dân miền Bắc.

 

Đội 8 Công binh Hải quân đón nhận danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, năm 1976. Ảnh: TL

Chống phong toả lần thứ 2 (1972-1973), các cơ quan, đơn vị tập trung quán triệt nghị quyết của Quân ủy Trung ương về việc: Giao nhiệm vụ cho Hải quân phối hợp các quân khu, quân chủng, binh chủng, với chính quyền địa phương tích cực thực hiện chống phong toả, tổ chức mạng lưới quan sát ven biển, ven sông lớn, tiến hành tháo gỡ thủy lôi của địch... Cục Chính trị Hải quân biên soạn và phát hành tài liệu giáo dục “Âm mưu tiến hành chiến tranh phong tỏa sông biển miền Bắc của đế quốc Mỹ và nhiệm vụ chống phong tỏa của Hải quân ta”. Nhất là các cơ quan, đơn vị đã tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt sâu sắc nghị quyết chuyên đề của Đảng uỷ Quân chủng về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chiến đấu chống phong toả. Nghị quyết xác định: “Rà phá thủy lôi, bom từ trường giải phóng luồng lạch, bảo đảm giao thông là yêu cầu bức thiết nhất, có ý nghĩa rất to lớn về quân sự, chính trị, kinh tế, là nhiệm vụ chính trị trung tâm của Quân chủng”.

Đối với từng lực lượng (quan sát, trục vớt, tháo gỡ thủy lôi, nghiên cứu, thiết kế, rà phá), lãnh đạo, chỉ huy từng đơn vị đều có biện pháp, giáo dục, quán triệt, tạo quyết tâm cao trong thực hiện nhiệm vụ. Cùng với đó các đơn vị còn đẩy mạnh các hoạt động thi đua, tuyên truyền cổ động chiến trường, tạo nên không khí lập công sôi nổi trong toàn Quân chủng.

CTĐ, CTCT tập trung kiện toàn, củng cố vững chắc hệ thống tổ chức đảng, đoàn; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, nhất là chi bộ các đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ chống phong tỏa. Mỗi lực lượng, mỗi bộ phận Đảng ủy Quân chủng đã kịp thời điều động, sắp xếp, bổ sung cán bộ, đảng viên đảm bảo sự lãnh đạo thường xuyên. Trung đoàn 171, đơn vị chủ lực thực hiện nhiệm vụ rà phá khu vực trọng điểm, Đảng uỷ Quân chủng ra quyết định thành lập Đảng bộ cơ sở 3 cấp gồm Đảng ủy Trung đoàn, Đảng ủy Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 7, Tiểu đoàn tàu 100 và các chi bộ tàu.

Các cấp đã coi trọng làm tốt công tác giữ bí mật nhiệm vụ, xây dựng địa bàn đóng quân an toàn, đơn vị an toàn, bảo vệ chính trị nội bộ trong sạch. Cuối  năm 1972, Cục Chính trị Hải quân ban hành quy định về “Bảo đảm bí mật, an toàn tuyệt đối cho cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chống phong tỏa”, trong đó nhấn mạnh phải tuyệt đối giữ bí mật ý đồ, nhiệm vụ, phương thức tháo gỡ, các luồng lạch đã khai thông vòng tránh của ta để ngăn chặn sự đối phó của địch; phải thực hiện triệt để giữ bí mật các khâu: Phổ biến, truyền đạt, giữ gìn bảo quản các văn bản, tài liệu, thông tin liên lạc, quay phim, chụp ảnh...

CTĐ, CTCT tập trung xây dựng mối quan hệ đoàn kết quân dân và thực hiện tốt chính sách trong chiến đấu. Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng, cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp đã coi trọng xây dựng mối đoàn kết hiệp đồng chiến đấu với các lực lượng. Nhờ làm tốt công tác dân vận, nhân dân các địa phương đã tích cực giúp đỡ, động viên và tạo điều kiện cho bộ đội thực hiện nhiệm vụ.

 

Huấn luyện rà quét thủy lôi ở Lữ đoàn 161, Vùng 3. Ảnh: TTV

Với việc hoàn thành thắng lợi một nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hải quân Nhân dân Việt Nam tiếp tục khẳng định là lực lượng chủ lực, đảm nhiệm trên hướng chiến lược quan trọng-hướng biển, đảo. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, các cơ quan, đơn vị cần tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp đó là:

Một là, xây dựng ý chí quyết tâm, bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng cho cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ. Các cơ quan, đơn vị thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị; củng cố, tăng cường trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân chủng. 100% cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc tình hình nhiệm vụ, có trách nhiệm cao với đơn vị và Quân chủng, sẵn sàng chấp nhận hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, SSCĐ, kiên quyết đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ, “phi chính trị hoá” quân đội, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch. Trong bất cứ hoàn cảnh nào Hải quân Việt Nam cũng luôn trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân...

Hai là, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Nghị quyết số 847-NQ/QUTW, ngày 28/12/2021 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới.

Ba là, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có phương pháp, phong cách công tác khoa học, đổi mới, tập trung, sâu sát, quyết liệt, nói đi đôi với làm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, làm chủ chuyên sâu trang bị kỹ thuật hiện đại; chăm lo xây dựng các tổ chức quần chúng và hội đồng quân nhân vững mạnh, hoạt động đúng chức năng và có hiệu quả.

Bốn là, đẩy mạnh công tác dân vận, tuyên truyền biển, đảo; thực hiện có hiệu quả Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”; gắn bó với nhân dân, giúp dân phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng cơ sở chính trị vùng biển, đảo vững mạnh. Bộ đội Hải quân chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng những biện pháp tổ chức xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân trên biển vững chắc, có chiều sâu, có trọng điểm, tạo được tính liên hoàn: bờ-biển-đảo. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền biển, đảo, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương, các tầng lớp nhân dân trong cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài về vị trí, vai trò của biển, đảo và nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới; huy động các nguồn lực, các lực lượng trong xã hội, sát cánh cùng bộ đội Hải quân vừa đấu tranh bảo vệ chủ quyền, vừa khai thác các nguồn lợi từ biển để làm giàu cho đất nước.

Năm là, nâng cao chất lượng hoạt động CTĐ, CTCT trong các nhiệm vụ, nhất là huấn luyện, SSCĐ, tìm kiếm cứu nạn, đối ngoại quốc phòng. Kế thừa những kinh nghiệm xương máu trong chiến công chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi, bom từ trường; nghiên cứu các bài học lịch sử được đúc rút ra từ kinh nghiệm trong chiến tranh để chuẩn bị thế trận chiến tranh nhân dân trên biển, kế thừa, phát huy hơn nữa nghệ thuật quân sự và truyền thống đánh giặc của dân tộc trong điều kiện mới...

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn