Phát huy truyền thống anh hùng xây dựng Quân chủng chính quy, hiện đại

HQVN -

Ngày 7/5/1955, Bộ Quốc phòng ra Nghị định số 284/NĐ-A thành lập Cục Phòng thủ bờ bể-đơn vị tiền thân của Quân chủng Hải quân ngày nay bao gồm cơ quan Cục và hai đơn vị trực thuộc là C45 và C46, với quân số ban đầu có 141 cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên.

Nhiệm vụ của Cục Phòng thủ bờ bể là “cơ quan giúp Bộ Tổng tư lệnh chỉ đạo các lực lượng phòng thủ bờ bể, tổ chức đào tạo cán bộ, nhân viên thủy thủ; sản xuất, sửa chữa dụng cụ, phương tiện về thủy quân; xây dựng các thủy đội để bàn giao cho các khu và liên khu làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh trên các vùng sông, biển”. Ngày 7/5/1955 trở thành mốc lịch sử đánh dấu sự ra đời của Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Tàu ngầm Lữ đoàn 189 ra khơi thực hiện nhiệm vụ trên biển. Ảnh: Trọng Thiết

Ngày 24/8/1955, Cục tổ chức trọng thể Lễ thành lập hai thủy đội Sông Lô và Bạch Đằng tại Trường Huấn luyện bờ bể, bên bờ sông Cấm, TP.Hải Phòng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng-Tổng Tư lệnh và đồng chí Đỗ Mười, Chủ tịch Ủy ban quân chính TP.Hải Phòng cùng đông đảo cán bộ, chiến sĩ Cục Phòng thủ bờ bể và nhân dân TP.Hải Phòng đã chứng kiến buổi ra mắt của hai thủy đội.

Trong giai đoạn lịch sử này, bộ đội Hải quân đã 3 lần được vinh dự đón Bác Hồ về thăm. Lần thứ nhất (30/3/1959), lần thứ hai (15/3/1961) và lần thứ ba (13/11/1962). Trong các lần về thăm, Bác đã ân cần thăm hỏi và căn dặn cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng Hải quân rất nhiều điều. Người dạy: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay, ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.

Ngày 2/8/1964, Phân đội 3 Tiểu đoàn 135 tàu phóng lôi gồm 3 tàu 333, 336, 339 do đồng chí Nguyễn Xuân Bột, Phân đội trưởng kiêm Thuyền trưởng Tàu 333 chỉ huy được lệnh xuất kích đánh tàu địch. Cán bộ, chiến sĩ phân đội tàu phóng lôi đã dũng cảm tiến công đánh đuổi tàu địch, mưu trí cơ động tránh các làn hỏa lực của chúng, đã bắn bị thương tàu khu trục Ma đốc và bắn rơi 1 máy bay, bắn bị thương một chiếc khác, buộc tàu địch phải tháo chạy ra khỏi vùng biển của ta; mở đầu trang sử chiến đấu anh hùng của Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Tổ hợp tên lửa bờ Lữ đoàn 681 triển khai đội hình cơ động lực lượng. Ảnh: Trọng Đăng

Chiến công trong đánh đuổi tàu khu trục Ma-đốc ngày 2 tháng 8 và trong đánh trả máy bay giặc Mỹ xâm lược ngày 5/8/1964 đã thể hiện bản lĩnh chiến đấu anh hùng, tinh thần dũng cảm, ý chí kiên cường “dám đánh, quyết đánh và biết đánh thắng” kẻ thù xâm lược làm nên truyền thống “Đánh thắng trận đầu” của Hải quân Nhân dân Việt Nam và của quân, dân miền Bắc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Từ tháng 2/1967 đến tháng 10/1968, đế quốc Mỹ cho máy bay thả hơn 10.000 quả thủy lôi, bom từ trường xuống phong tỏa 24 cửa sông, khu vực cảng, nơi có các bến phà quan trọng dọc đường số 1 và các khu tiếp nhận, phân phối hàng như Nhật Lệ, Hòn Ngư, Bến Thủy; đánh sập Cầu Rào, Cầu Niệm và thả bom nổ chậm dày đặc dưới lòng Sông Cấm để cô lập Hải Phòng với các nơi khác. Hải quân Nhân dân Việt Nam làm nòng cốt và lập được nhiều chiến công xuất sắc trong chống phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi, bom từ trường của đế quốc Mỹ.

Đội hình tàu Lữ đoàn 162 huấn luyện trên biển. Ảnh: Văn Tuấn

Tháng 10/1963, Đoàn 759 chuyển về trực thuộc Quân chủng Hải quân và tháng 1/1964 đổi tên là Đoàn 125 Hải quân, hay còn gọi là Đoàn tàu Không số. Từ năm 1962 đến năm 1972, Đoàn tàu Không số đã thực hiện gần 170 lần chuyến tàu, thành công 65,06% số chuyến, trực tiếp chi viện hơn 5.700 tấn vũ khí và hàng trăm cán bộ tăng cường cho chiến trường Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Đoàn đã vận tải hàng trăm nghìn tấn hàng hóa, vũ khí tạo chân hàng cho tuyến chi viện chiến lược 559 vận chuyển vào chiến trường, vận chuyển phục vụ chuyển tải bí mật gần 700 tấn hàng hóa vũ khí cho các tàu của Đoàn 371 (Quân khu 9) ở trên biển.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 các tàu của Đoàn 125 đã thực hiện 173 lần chuyến, chở 17.475 lượt người và 8.721 tấn vũ khí, hàng quân sự vào chiến trường miền Nam và chở lực lượng tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Những năm 1975-1979 các lực lượng đã chiến đấu, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo phía Tây Nam; kiên cường đấu tranh bảo vệ giữ vững chủ quyền quần đảo Trường Sa. Năm 1987-1990 Quân chủng Hải quân đã kiên trì đấu tranh, tổ chức đóng giữ, bảo vệ thêm 17 đảo, bãi cạn; năm 1987-1988 đóng giữ thêm 12 bãi cạn, đưa tổng số lên 21 đảo với 33 điểm đóng quân ở Trường Sa.

Được Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân quan tâm, đầu tư xây dựng nên giai đoạn 2010-2020 là giai đoạn Hải quân Nhân dân Việt Nam tiến thẳng lên hiện đại, tạo bước biến đổi quan trọng cả về lượng và chất. Hiện nay, Hải quân Nhân dân Việt Nam có 5 thành phần cơ bản (Tàu mặt nước; Tàu ngầm, Pháo binh-Tên lửa bờ, Không quân Hải quân; Hải quân đánh bộ, Đặc công Hải quân và lực lượng phòng thủ đảo).

Quân chủng Hải quân đã tham mưu kịp thời cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về xử trí các tình huống đúng đối sách, không bị động, bất ngờ; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, các phương án cho nhiệm vụ SSCĐ bảo vệ chủ quyền và các hoạt động kinh tế biển. Toàn Quân chủng kịp thời, linh hoạt điều chỉnh công tác huấn luyện, đào tạo để phù hợp với tình hình dịch bệnh, đề ra các giải pháp quyết liệt tăng cường xây dựng nền nếp chính qui, quản lý kỷ luật, bảo đảm an toàn; bảo đảm tốt công tác hậu cần, bảo đảm kịp thời VKTBKT cho các nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, củng cố, xây dựng, nâng cao khả năng bảo vệ, giữ vững chủ quyền các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Đảng ủy, Bộ Tư lệnh đã hoàn thành ký kết Chương trình phối hợp tuyên truyền biển, đảo với 63 tỉnh, thành phố và 16 cơ quan, đơn vị; chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, địa phương 28 tỉnh, thành phố ven biển trong kiểm soát ngư trường theo Chỉ thị số 45 của Chính phủ và ký kết chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển” giai đoạn 2019-2025 góp phần động viên ngư dân sẵn sàng tham gia cùng Hải quân và các lực lượng thực hiện nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Đặc công Hải quân huấn luyện nhảy dù. Ảnh: Nguyễn Vững

Quân chủng tiếp tục đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng huấn luyện; tập trung huấn luyện làm chủ VKTBKT mới được trang bị; tổ chức luyện tập, diễn tập; nâng cao trình độ tổ chức, chỉ huy, điều hành, xử trí tình huống của cán bộ và khả năng thực hành chiến đấu của bộ đội với nhiều quy mô khác nhau, bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Các hoạt động đối ngoại quốc phòng đã được Quân chủng Hải quân tiến hành tích cực, chủ động đi vào chiều sâu, thực chất, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Trải qua 67 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, Quân chủng Hải quân đã vững vàng tiến lên chính quy, hiện đại, cán bộ, chiến sĩ Hải quân luôn trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân, SSCĐ cao, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Với những chiến công xuất sắc, đặc biệt xuất sắc, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã xây đắp nên truyền thống vẻ vang: “Chiến đấu anh dũng; Mưu trí sáng tạo; Làm chủ vùng biển; Quyết chiến, quyết thắng”.

HQVN

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn