Phát huy truyền thống anh hùng, tiếp tục làm tốt công tác tham mưu, chỉ đạo, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao

* Đại tá Hoàng Lương Ngọc, Phó Tham mưu trưởng Hải quân

HQVN -

Cách đây 50 năm, với tinh thần chiến đấu anh dũng, mưu trí, sáng tạo, quân và dân miền Bắc với lực lượng Hải quân làm nòng cốt đã lập nên chiến công chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường, kịp thời mở tuyến, thông luồng, giành thắng lợi.

 Phát huy truyền thống vẻ vang đó, Đảng ủy Bộ Tham mưu Hải quân đã và đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng công tác tham mưu giúp Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Thủy lôi của địch bị phá nổ trên vùng biển Nam Triệu, Hải Phòng, năm 1972

Cuộc chiến chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường (1967-1973) là loại hình chiến đấu hoàn toàn mới, lần đầu tiên trong lịch sử của dân tộc ta; đặt ra những thách thức vô cùng to lớn đối với quân và dân ta, trước hết là các lực lượng trên hướng biển. Quân chủng Hải quân được Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ làm nòng cốt cho toàn quân, toàn dân chống địch đánh phá, phong tỏa sông, biển Miền Bắc. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng đã quán triệt sâu sắc đường lối chiến tranh nhân dân của Trung ương Đảng, sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, xác định chống phong tỏa thủy lôi là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng cấp bách, mang tính chiến lược, từ đó “Quyết tâm huy động mọi lực lượng, phương tiện chống phong tỏa của đế quốc Mỹ, tận dụng và phát huy mọi khả năng phương tiện, khí tài để đánh địch, ngăn không cho địch thả thủy lôi, đồng thời có kế hoạch giải quyết hậu quả khi địch thả”.

Ngày 2/7/1966, Bộ Tư lệnh Hải quân thành lập Sở chỉ huy và Ban chỉ đạo phòng, chống phong tỏa của Quân chủng do đồng chí Nguyễn Bá Phát, Tư lệnh Quân chủng làm Trưởng ban chỉ đạo; cơ quan giúp việc gồm các phòng trực thuộc Bộ Tham mưu như Phòng Tác chiến, Quân báo, Công binh, Quân lực, Thông tin, Hàng hải. Ngay sau đó, đến cuối tháng 8/1966 Quân chủng Hải quân đã chủ trì phối hợp với Quân chủng Phòng không, Không quân và các đơn vị đứng chân trên địa bàn TP. Hải Phòng tổ chức diễn tập quan sát, phát hiện, đánh dấu thủy lôi, bom từ trường và hiệp đồng với máy bay AN-2 thực hành rà phá thủy lôi. Đầu năm 1967, Bộ Tham mưu Hải quân đã tham mưu cho Quân chủng mở hàng chục lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cơ bản về âm mưu thủ đoạn phong tỏa của địch; đặc điểm, cấu tạo, tính năng của thủy lôi, bom từ trường; phương châm, biện pháp kỹ thuật và phương thức tổ chức lực lượng của ta chống phong tỏa. Đồng thời cơ quan cũng cử hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ đến các địa phương để huấn luyện về kỹ thuật quan sát, phát hiện, xác định đánh dấu vị trí thủy lôi, phương pháp lặn và kỹ thuật rà pháp, tháo gỡ thủy lôi cho các đơn vị bạn; cùng với đó huy động lực lượng tàu, thuyền chuyên dụng làm công tác huấn luyện và cung cấp một số phương tiện, khí tài phục vụ công tác rà, phá thủy lôi cho các địa phương ven biển.

Tàu 412 phóng từ thuộc Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 171 đang rà phá thủy lôi trên luồng Nam Triệu, Hải Phòng, năm 1972

Trong cuộc chiến chống phong tỏa lần thứ 2 (05/1972), Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân xác định rõ chống phong tỏa là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng, mang tính chiến lược, rất cấp bách, rất khó khăn, phức tạp; với tinh thần khẩn trương, tích cực và chủ động, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng đã lãnh đạo tập trung huy động mọi lực lượng cùng tham gia thực hiện. Bộ Tham mưu Hải quân đã tham mưu, đề xuất cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh ra quyết định thành lập các tiểu đoàn tàu rà phá thủy lôi và các đại đội công binh hàng hải thuộc các Trung đoàn 171, 172; tăng cường trang bị vũ khí đánh trả máy bay và các khí tài rà phá thủy lôi cho Trung đoàn 128; nâng cấp các phân đội công binh hàng hải thuộc các Khu vực 2, Khu vực 3, Khu vực 4 thành các đại đội và chỉ đạo Xưởng 48 Hải quân gấp rút sản xuất hàng trăm bộ máy đo phương vị, phao tiêu để trang bị cho các lực lượng rà phá thủy lôi của các đơn vị và địa phương. Đồng thời, Bộ Tham mưu đã chủ động xây dựng kế hoạch hiệp đồng rà phá giữa Hải quân và lực lượng các quân khu, binh chủng, địa phương có liên quan; hướng dẫn lực lượng công binh Hải quân phối hợp cùng Trung đoàn 171 hiệp đồng với các lực lượng Quân khu Tả Ngạn, Công an vũ trang Hải Phòng, Cục Vận tải đường biển và nhân dân các địa phương khẩn trương tìm kiếm, trục vớt, tháo gỡ, xác minh, phân loại thủy lôi để nghiên cứu chế tạo các loại khí tài rà phá có hiệu quả.

Có thể khẳng định rằng, trong chiến công chống phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường của đế quốc Mỹ, Bộ Tham mưu Hải quân đã tham mưu, giúp Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng chỉ huy, điều hành các cơ quan, đơn vị trong Quân chủng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần bảo đảm khơi thông luồng lạch trên các khu vực sông biển, làm thất bại âm mưu phong tỏa Miền Bắc trên hướng biển của đế quốc Mỹ, làm nên một “Điện Biên Phủ dưới nước” của dân tộc ta.

Huấn luyện chuẩn bị thủy lôi ở Nhà máy X28 Hải quân

Phát huy truyền thống “Nắm chắc tình hình; Vững vàng bản lĩnh; Chủ động sáng tạo; Chuẩn bị chu đáo; Quyết chiến, quyết thắng”, trong những năm qua Bộ Tham mưu Hải quân đã không ngừng nâng cao năng lực toàn diện, chủ động tham mưu giúp Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng tổ chức xây dựng Quân chủng vững mạnh về chính trị, thường xuyên cảnh giác SSCĐ cao, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh tế biển, ngư dân vươn khơi bám biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Trước yêu cầu ngày càng cao trong sự nghiệp bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc, đòi hỏi Bộ Tham mưu cần phải chủ động, làm tốt hơn nữa chức năng tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Bộ Tham mưu tập trung thực hiện tốt 3 giỏi (giỏi nắm tình hình, giỏi tham mưu, đề xuất, giỏi tổ chức thực hiện) và 3 mạnh (mạnh về chỉ đạo, hướng dẫn; mạnh về phối hợp, hiệp động; mạnh về kiểm tra, đánh giá); đồng thời triển khai thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp chủ yếu sau:

Một là, xây dựng Bộ Tham mưu Hải quân mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Đây là nhân tố quan trọng, trực tiếp nâng cao khả năng hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của Bộ Tham mưu. Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tham mưu cần cọi trọng triển khai đồng bộ và toàn diện các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị; tích cực đổi mới phương pháp giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sỹ các cơ quan, đơn vị thuộc quyền cả về nội dung và hình thức; tập trung vào những vấn đề trọng tâm, sát với đặc điểm tình hình và nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Trong đó chú trọng quán triệt, học tập các Nghị quyết của đảng, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII; Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”…

Hai là, nâng cao chất lượng tham mưu với Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng về nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Trong giai đoạn hiện nay, tình hình trên biển có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường và yêu cầu quản lý bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc đòi hỏi ngày càng cao; Bộ Tham mưu luôn xác định hoàn thành tốt chức năng tham mưu giúp Đảng ủy, BTL Quân chủng chủ động nắm chắc tình hình, xử trí có hiệu quả các tình huống, kiên quyết không để xảy ra bị động, bất ngờ. Thực hiện tốt đột phá “Nâng cao khả năng SSCĐ, quản lý hiệu quả vùng biển và nâng cao chất lượng diến tập”; trong đó tập trung duy trì nghiêm chế độ trực SSCĐ ở tất cả các cấp, tổ chức hiệp đồng chặt chẽ các lực lượng làm nhiệm vụ trinh sát, quan sát, nắm chắc tình hình, không để sót lọt mục tiêu, xử trí đúng đối sách trên biển, không để bị kích động lôi kéo.

Ba là, nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu, giáo dục đào tạo xây dựng nguồn nhân lực. Để đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân chủng Hải quân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, Bộ Tham mưu Hải quân ngoài việc tham mưu, đề xuất điều chỉnh biên chế, tổ chức, mua sắm, cải tiến vũ khí, phương tiện, trang bị hiện đại; cần phải chỉ đạo, hướng dẫn, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu khai thác, vận hành vũ khí trang bị hiện đại. Thực hiện tốt đột phá huấn luyện “Cơ bản, làm chủ, chuyên sâu trong khai thác sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật, thực hiện quy tắc an toàn và nâng cao chất lượng huấn luyện cán bộ”, cũng như thực hiện đột phá về giáo dục, đào tạo “Tập trung xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục; hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo”; trọng tâm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 1659-NQ/QUTW ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương và Nghị quyết số 1378-NQ/ĐU ngày 30/3/2023 của Đảng ủy Quân chủng về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2023-2030 và những năm tiếp theo. Tập trung, tăng cường chỉ đạo huấn luyện thực hành, huấn luyện trong điều kiện thời tiết phức tạp, huấn luyện đối kháng sát thực tế chiến đấu, sát địa bàn, đối tượng và phương pháp tác chiến của từng loại hình đơn vị; huấn luyện tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng và tác chiến độc lập; huấn luyện vòng tổng hợp, cứu hộ cứu nạn, phòng chống bão lũ và thảm họa môi trường.

Bốn là, tham mưu, chỉ đạo xây dựng Quân chủng Hải quân hiện đại, có sức chiến đấu cao. Thực hiện nghiêm đột phá về tổ chức xây dựng lực lượng “Điều chỉnh tổ chức biên chế theo hướng tinh, gọn, mạnh. Nâng cao chất lượng tham mưu, đề xuất quản lý, sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật nhóm 1”. Trọng tâm thực hiện nghiêm Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 17/01/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 230 –NQ/QUTW ngày 02/4/2022 của Quân ủy Trung ương và Kế hoạch số 1228/KH-QP ngày 25/4/2022 của Bộ Quốc phòng về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo. Tập trung tham mưu đề xuất điều chỉnh tổ chức biên chế gắn với điều chỉnh thế bố trí lực lượng; tham mưu, đề xuất mua sắm, cải tiến vũ khí trang bị, đóng mới tàu thuyền, phương tiện; cùng với đó tuyển chọn, đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho các đơn vị trong Quân chủng.

Năm là, quán triệt đường lối đối ngoại và quan điểm chủ động hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước. Bộ Tham mưu tích cực tham mưu cho Bộ Tư lệnh Quân chủng đẩy mạnh công tác đối ngoại quân sự, tăng cường các hoạt động giao lưu, củng cố và phát triển hợp tác với hải quân các nước, nhất là các nước láng giềng, các nước có vùng biển giáp ranh, các nước bạn bè truyền thống. Tăng cường các hoạt động tham vấn, đối thoại song phương, đa phương; cử tàu Hải quân thăm và tham gia diễn tập với Hải quân các nước, trao đổi huấn luyện, đào tạo cán bộ. Qua đó nâng cao vị thế của Hải quân nhân dân Việt Nam, góp phần gữi vững môi trường hòa bình và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn