Phát huy nhân tố chính trị tinh thần trong Chiến thắng trận đầu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc
* Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Bí thư Đảng uỷ, Chính uỷ Hải quân
HQVN -
Chiến thắng ngày 2 và 5/8/1964 mãi mãi đi vào lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta như một biểu tượng sáng ngời về ý chí dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng kẻ thù xâm lược của Hải quân Nhân dân Việt Nam (NDVN) và quân dân miền Bắc. 60 năm đã trôi qua nhưng bài học kinh nghiệm và giá trị lịch sử về nhân tố chính trị tinh thần vẫn mang tính thời sự và có ý nghĩa đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc hiện nay.
Cách đây tròn 60 năm, trước sức tiến công mạnh mẽ của nhân dân và lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam, đầu năm 1964, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn tăng cường cho máy bay trinh sát, tàu chiến vào sâu trong hải phận của ta, bắn phá dọc bờ biển từ Thanh Hóa đến Quảng Bình. Đặc biệt, ngày 2/8/1964, tàu khu trục Ma đốc của Mỹ ngang nhiên vào sát bờ biển miền Bắc để trinh sát và khiêu khích các lực lượng của ta. Đây là những hành động nằm trong mưu đồ tạo cớ mở rộng chiến tranh phá hoại, ngăn cản sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho cách mạng miền Nam.
Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Hải quân động viên cán bộ, chiến sĩ Tàu 331, Hải đội 315, Lữ đoàn 172, Vùng 3 Hải quân. Ảnh: Vũ Hưởng
Biết trước âm mưu của đế quốc Mỹ, kiên quyết trừng trị những hành động ngang ngược của địch, thực hiện chỉ đạo của Quân uỷ Trung ương, tháng 5/1964, Thường vụ Đảng uỷ Quân chủng Hải quân đã ra nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo toàn Quân chủng chuẩn bị SSCĐ với quyết tâm cao nhất. Từ ngày 6/7, toàn Quân chủng chuyển trạng thái SSCĐ sang thời chiến, thành lập sở chỉ huy tiền phương, sơ tán lực lượng, chuẩn bị chu đáo mọi mặt, quyết tâm chiến đấu bảo vệ vùng biển, hải cảng, căn cứ Hải quân... 13 giờ 10 phút ngày 2/8/1964, Phân đội 3 tàu phóng lôi của Đoàn 135 Hải quân NDVN đã dũng cảm xuất kích tiến công tàu khu trục Ma đốc, bắn rơi 1 máy bay, bắn bị thương 1 chiếc khác, buộc địch phải tháo chạy ra khỏi vùng biển miền Bắc nước ta.
Bị đánh đuổi, đế quốc Mỹ đã dựng lên “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” để lấy cớ ngày 5/8/1964 dùng không quân, hải quân đánh phá nhiều địa phương ven biển, các căn cứ, vị trí trú đậu tàu thuyền của Hải quân NDVN, mở đầu cho hành động leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc XHCN. Nhờ chuẩn bị từ trước, với tinh thần cảnh giác cao, cùng với quân và dân các địa phương ven biển, Hải quân NDVN đã giáng trả những đòn đích đáng, bắn rơi 8 máy bay và làm bị thương nhiều chiếc khác, bắt sống giặc lái, làm thất bại bước đầu âm mưu phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ.
Chính ủy Hải quân ghi sổ lưu niệm Tàu 331, Hải đội 315, Lữ đoàn 172, Vùng 3. Ảnh: Vũ Hưởng
Chiến thắng trận đầu ngày 2 và 5/8/1964 là chiến thắng về ý chí quyết tâm chiến đấu với tinh thần dám đánh, quyết đánh và biết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của Hải quân NDVN và quân dân miền Bắc; là biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của một dân tộc yêu tự do, không bao giờ chịu khuất phục trước kẻ thù xâm lược. Đó là chiến thắng của trí tuệ, lòng yêu nước và nghệ thuật quân sự Việt Nam được kế thừa, phát triển trong thời đại Hồ Chí Minh.
Chiến thắng trận đầu ngày 2 và 5/8/1964 khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình, đúng đắn của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; của Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Hải quân; để lại nhiều bài học và kinh nghiệm quí về công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ đánh giá âm mưu thủ đoạn của địch, công tác chuẩn bị lực lượng đến quá trình lãnh đạo, chỉ đạo tác chiến, phát huy sức mạnh tổng hợp để chiến đấu thắng lợi trước kẻ địch mạnh hơn ta gấp nhiều lần.
Chiến thắng trận đầu còn thể hiện dấu ấn về hiệu quả của hoạt động CTĐ, CTCT trong cả chiến dịch. Dù đối đầu với kẻ địch có trang bị và vũ khí hiện đại nhưng toàn Quân chủng luôn vững vàng, chấp hành nghiêm chỉ thị, mệnh lệnh chiến đấu của Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng; làm tốt công tác tư tưởng, tổ chức và cán bộ, hướng dẫn, triển khai hoạt động CTĐ, CTCT đối với từng lực lượng, từng giai đoạn chiến đấu, kịp thời giáo dục, động viên, xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau trong chiến đấu, bộ đội tin tưởng vào vũ khí trang bị, chấp hành nghiêm mệnh lệnh, kỷ luật chiến trường.
Tàu Tên lửa, Lữ đoàn 170, Vùng 1 thực hành bắn đạn thật trên biển. Ảnh: Đoàn Hiệp
Đây cũng là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân; dựa vào sức mình là chính; của nghệ thuật quân sự “lấy yếu đánh mạnh, lấy ít địch nhiều”, đánh địch bằng vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có; là thắng lợi của trí thông minh và lòng dũng cảm của quân dân ta trong cuộc đọ sức quyết liệt với sức mạnh vượt trội của hải quân và không quân hiện đại của đế quốc Mỹ.
Có nhiều yếu tố quan trọng làm nên chiến thắng trận đầu, nhưng yếu tố có ý nghĩa quan trọng nhất đó là sức mạnh chính trị tinh thần của Hải quân NDVN mà cội nguồn là tư tưởng, ý chí của một dân tộc nhỏ bé nhưng không chịu khuất phục sự áp đặt, xâm lược của kẻ thù; tất cả đã đoàn kết một lòng, dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng kẻ địch. Hình ảnh 3 con tàu phóng lôi nhỏ bé, dũng cảm lao thẳng vào tàu khu trục Ma đốc ngày 2/8/1964 trong sự chống trả quyết liệt từ hỏa lực (tàu và máy bay) của địch là hình ảnh sinh động, thuyết phục nhất về sự anh dũng, dám đánh, quyết đánh kẻ thù mạnh hơn của Hải quân NDVN.
Đó là chiến thắng từ tinh thần cảnh giác, SSCĐ cao. Công tác huấn luyện, làm chủ VKTBKT được chú trọng; bộ đội quyết tâm chiến đấu cao, tin tưởng vào trang bị vũ khí hiện có, chấp hành nghiêm mệnh lệnh và kỷ luật chiến đấu. Hình ảnh Thuyền trưởng Lê Văn Tiếu bị thương gần đứt lìa cánh tay vẫn bình tĩnh chỉ huy toàn tàu đánh trả máy bay địch; Binh nhì Nguyễn Văn Vinh chưa đầy một tuổi quân dù bị thương nặng, được lệnh rời tàu nhưng vẫn đề nghị thuyền trưởng ở lại chiến đấu với câu nói “Thuyền trưởng hãy để tôi ở lại, tàu còn thì tôi còn!”. Pháo thủ Đặng Đình Lống bị thương ở chân đã dùng đai cột chân mình vào bệ pháo để chiến đấu tới hơi thở cuối cùng... Những tấm gương chiến đấu dũng cảm kể trên không chỉ thể hiện tinh thần chiến đấu ngoan cường, dũng cảm mà còn thể hiện rõ vai trò, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu, tinh thần đoàn kết, sẵn sàng nhận khó khăn, gian khổ về mình, nhường thuận lợi và sự sống cho đồng đội của cán bộ, chiến sĩ Hải quân NDVN.
Biên đội tàu Lữ đoàn 172, Vùng 3 huấn luyện trên biển. Ảnh: Hoàng Diệu
Chiến thắng trận đầu là kết quả từ sự chỉ đạo, hiệp đồng chặt chẽ với các địa phương, đơn vị, sự giúp đỡ của nhân dân các địa phương ven biển đối với bộ đội Hải quân. Biết trước âm mưu của địch, Quân chủng Hải quân đã dự báo đúng tình hình, phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với bộ đội phòng không, công an vũ trang, dân quân tự vệ và nhân dân các địa phương tổ chức sơ tán, nguỵ trang đề phòng địch tập kích bằng đường không và biệt kích người nhái. Khi địch đánh phá ác liệt các bến cảng, căn cứ, các đơn vị Hải quân luôn nhận được sự giúp đỡ, chi viện, hiệp đồng của các đơn vị, lực lượng; được bà con nhân dân chi viện sức người, sức của, yêu thương, đùm bọc để chiến đấu hiệu quả.
Chiến thắng trận đầu cho chúng ta niềm tự hào về các thế hệ cha anh đi trước, sự hy sinh cao cả của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Hải quân và quân dân miền Bắc đã cùng sát cánh, anh dũng chiến đấu; thể hiện sáng ngời tinh thần chiến đấu ngoan cường, mãi mãi được khắc ghi vào trang sử vẻ vang của dân tộc, Quân đội và Quân chủng Hải quân anh hùng.
Dự báo thời gian tới tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo đã và đang đặt ra nhiều yêu cầu mới, khẩn trương đối với Quân chủng. Để tiếp tục xây dựng Hải quân NDVN “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, xây dựng Quân chủng “Tinh, gọn, mạnh” chúng ta cần nghiên cứu, vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm từ Chiến thắng trận đầu vào thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay.
Trước hết, cần tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 8, Khoá XIII về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Nghị quyết Trung ương 8, Khoá XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, chủ động dự báo, nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng về chủ trương, đối sách chiến lược, xử trí thắng lợi các vấn đề trên biển; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, các hoạt động kinh tế biển, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định trên biển.
Hai là, tập trung xây dựng Quân chủng vững mạnh về chính trị, làm cơ sở để nâng cao sức mạnh tổng hợp, khả năng SSCĐ; lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo, huấn luyện làm chủ trang bị mới; phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí tự lực tự cường, tập trung nguồn lực để nghiên cứu, cải tiến, nội địa hoá, chế tạo các loại VKTBKT phù hợp với nghệ thuật tác chiến của Hải quân NDVN, sẵn sàng đánh thắng địch có tiềm lực về công nghệ cao bằng cách đánh và vũ khí của ta.
Phổ biến nhiệm vụ trước khi huấn luyện trên Tàu 15, Lữ đoàn 171, Vùng 2. Ảnh: TTV
Ba là, phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân trên biển vững chắc, trong đó Hải quân NDVN là lực lượng nòng cốt; chủ động nghiên cứu, đề xuất phương án, cách đánh phù hợp với sự phát triển của VKTB và đối tượng tác chiến, chiến tranh công nghệ cao; hiệp đồng chặt chẽ với địa phương và các lực lượng trong huy động phương tiện, nhân lực để đấu tranh bảo vệ chủ quyền trong mọi tình huống.
Bốn là, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục chính trị tư tưởng; xây dựng ý chí quyết tâm để mọi cán bộ, chiến sĩ tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, sức mạnh chiến đấu, chiến thắng của Quân đội, Quân chủng trong mọi tình huống; tin tưởng vào VKTBKT, thành thạo kỹ, chiến thuật, luôn có ý chí quyết tâm chiến đấu và chiến thắng mà tư tưởng cốt lõi, xuyên suốt là “dám đánh, quyết đánh và biết cách đánh thắng” nếu kẻ địch xâm phạm chủ quyền của Tổ quốc; coi trọng xây dựng nhân tố chính trị, tinh thần cho bộ đội. Xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng phải thực sự TSVM, có năng lực lãnh đạo toàn diện và sức chiến đấu cao, đặc biệt là ở các chi bộ, đơn vị làm nhiệm vụ SSCĐ trên biển, đảo, nơi tuyến đầu; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có nhận thức đúng, gương mẫu, trách nhiệm cao, năng lực hành động giỏi, vững vàng, bản lĩnh, không sự hy sinh gian khổ, sẵn sàng xả thân vì chủ quyền của Tổ quốc.
Năm là, xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật có chuyên môn tốt, làm chủ vững chắc, chuyên sâu VKTBKT; xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi ở các chuyên ngành. Trong chiến công trận đầu đánh thắng, từ vị trí thuyền trưởng các vị trí trên tàu đều khai thác, vận hành tốt VKTBKT, chấp hành nghiêm mệnh lệnh; ý chí quyết tâm chiến đấu cao, đoàn kết, SSCĐ hy sinh. Đây là bài học quí để Quân chủng tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ tàu và nhân viên kỹ thuật đáp ứng yêu cầu xây dựng Hải quân NDVN chính qui, hiện đại trong tình hình mới.
Sáu là, tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền biển, đảo để mọi cấp, mọi ngành, mọi tầng lớp nhân dân hiểu, chia sẻ và cùng chung tay bảo vệ chủ quyền biển, đảo; “Bờ có vững thì biển mới yên”; tạo mọi nguồn lực để tiếp tục xây dựng Hải quân NDVN chính qui, hiện đại. Tích cực tham gia phát triển kinh tế xã hội trên các vùng biển, đảo; tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển” và hoạt động “Hải quân nhận đỡ đầu con ngư dân”, góp phần làm sáng đẹp hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân” thời kỳ mới.
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Trung tâm Huấn luyện Vùng 4 kiểm tra bắn đạn thật cho các đối tượng - ( 30-10-24 10:00 )
- Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn: Khai mạc hội thao kinh tế - kỹ thuật cấp đơn vị - ( 29-10-24 07:00 )
- Lữ đoàn 957 sẵn sàng cho Hội thi Phòng không lục quân - ( 29-10-24 10:00 )
- Đại tướng Phan Văn Giang trình Quốc hội sửa Luật Sĩ quan: Tăng tuổi nghỉ hưu, bổ sung quy định chức vụ cơ bản của sĩ quan - ( 28-10-24 07:00 )
- Nỗ lực vì bình đẳng giới và phát triển toàn diện - ( 27-10-24 08:00 )