Nơi trú đậu an toàn cho các tàu ngư dân
HQ Online -
Đi vào hoạt động từ năm 2001 đến nay, âu tàu huyện đảo Bạch Long Vĩ nhộn nhịp đón các tàu thuyền của ngư dân ra vào tấp nập để tiếp thêm nhiên liệu, trao đổi hàng hóa, đặc biệt là nơi trú đậu an toàn cho các tàu thuyền của ngư dân trong những ngày gió lớn.
Tàu cá ngư dân neo đậu tránh gió tại âu tàu Bạch Long Vĩ
Trung bình một năm, âu tàu của huyện đảo tiếp nhận từ 15 đến 18 ngàn chiếc tàu, thuyền vào khu neo đậu. Đây là địa điểm tránh trú an toàn và gần ngư trường nhất trong Vịnh Bắc Bộ với mức thu phí chỉ bằng 50% so với các cảng trong đất liền; là nơi ngư dân vào để mua thêm ngư cụ, sửa chữa phương tiện sau chuyến đi biển và chuẩn bị cho chuyến ra khơi tiếp theo.
Từ khi có âu tàu, lượng tàu thuyền ngư dân vươn khơi đánh bắt thủy hải sản gần huyện đảo tương đối lớn, góp phần làm chủ vùng biển, khẳng định chủ quyền, bảo vệ vững chắc vùng đánh bắt thủy hải sản của ta. Ông Lê Xuân Đồng, Giám đốc Ban quản lý cảng và âu tàu Bạch Long Vĩ cho biết: Cảng Bạch Long Vĩ luôn sẵn sàng làm tốt 4 nhiệm vụ mà thành phố và huyện đảo giao cho. Đó là tổ chức khai thác công trình cảng và khu neo đậu; phục vụ bà con ngư dân tổ chức các hoạt động dịch vụ phục vụ hậu cần nghề cá, cung cấp các nguyên nhiên vật liệu cho các tàu thuyền vươn khơi; sẵn sàng đưa cảng và khu neo đậu phục vụ nhiệm vụ QP-AN; tổ chức các hoạt động duy tu bảo dưỡng công trình để bảo đảm độ bền của công trình. Từ các nhiệm vụ ấy, sau quá trình hoạt động, cảng được bổ sung thêm nhiệm vụ cứu hộ-cứu nạn cho các tàu thuyền vươn khơi; phối hợp với các lực lượng quân sự, cơ quan chức năng sẵn sàng cứu hộ các tàu thuyền bị nạn trên biển.
15 năm qua, Ban quản lý Cảng cùng các lực lượng chức năng trên huyện đảo đã thực hiện tốt công tác cứu-hộ cứu nạn cho các tàu thuyền, góp phần tạo niềm tin cho bà con ngư dân.
Trong cơn bão số 10 năm 2009, sóng gió cấp 16, 17, giật trên cấp 17, đường đi của bão phức tạp, đột ngột đổ bộ vào trong khu neo đậu của đảo-nơi đang có trên 300 tàu, hơn 200 phương tiện đánh bắt thô sơ đang tránh trú. Nhờ công tác phòng chống cũng như chuẩn bị tốt nên huyện đảo đã không để xảy ra thiệt hại về người. Ban quản lý cảng cùng các cơ quan chức năng, đoàn thể đã hỗ trợ bà con ngư dân nhanh chóng khắc phục, trục vớt, củng cố sửa chữa phương tiện để bà con tiếp tục ra khơi đánh bắt.
Cơn bão số 1 năm 2010 cũng là cơn bão lớn cấp 13, 14, rút kinh nghiệm từ cơn bão trước, huyện đảo đã bảo đảm không để thiệt hại về người và phương tiện.
Anh Nguyễn Minh Tuấn, quê Quảng Trạch, Quảng Bình là thuyền trưởng tàu QB 93990 đang đánh bắt xa bờ tại khu vực biển gần huyện đảo. Khi thấy gió lớn, anh đã cho tàu chạy vào âu tàu Bạch Long Vĩ để neo đậu. Anh Tuấn nhận xét: Đây là lần đầu tiên tôi đưa tàu vào tránh trú tại âu tàu của huyện đảo. Tôi thấy nơi đây rất an toàn cho các tàu neo đậu. Ban quản lý cảng và các lực lượng chức năng đã hỗ trợ rất nhiệt tình, tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền của ngư dân. Chúng tôi cũng được Ban quản lý cảng và các lực lượng chức năng tuyên truyền về pháp luật thủy sản, các hoạt động nghề cá, bảo đảm an toàn hàng hải cho tàu thuyền...
Anh Trần Văn Dũng, quê Sơn Hải, Quỳnh Lưu, Nghệ An, thuyền viên trên tàu NA90198 TS cho biết: Đã nhiều lần chúng tôi đưa tàu vào âu tàu của huyện đảo neo đậu. Nơi đây có cơ sở vật chất và sự tạo điều kiện rất tốt. Âu tàu đã giúp cho các tàu ngư dân đánh bắt ngoài khơi khi gặp gió cấp 9, 10 có nơi tránh trú an toàn, lại thuận lợi cho việc tiếp thêm nhiên liệu, mua ngư cụ... Nhưng nhiều lần hết gió, các tàu thu mua đậu kín cửa đi khiến tàu ngư dân vào tránh trú không có đường ra. Chúng tôi mong muốn, các lực lượng chức năng điều hành luồng lạch thuận tiện để khi hết gió, tàu của chúng tôi nhanh chóng được vươn khơi bám biển.
Sau 15 năm khai thác, âu tàu Bạch Long Vĩ vẫn bảo đảm phục vụ tốt bà con ngư dân. Những lúc cao điểm, Ban quản lý cảng vẫn sắp xếp được khu vực âu tàu để tàu thuyền của bà con hoạt động trên biển gần huyện đảo vào cập cảng an toàn và tránh trú qua đợt gió lớn, tạo lòng tin cho bà con ngư dân cũng như các lực lượng QP-AN ra làm nhiệm vụ.
Tuy nhiên, vì lòng âu hẹp, độ sâu mớm nước cạn, không bảo đảm cho các tàu lớn tránh trú, hiện âu cảng vẫn chỉ là nơi tránh trú gió chứ chưa phải là khu tránh trú bão nên khi có gió mùa, áp thấp nhiệt đới... Ban quản lý cảng cùng các lực lượng chức năng phải yêu cầu bà con di dời vào đất liền để tránh trú bão chứ không thể neo đậu vào âu tàu được, đặc biệt là các phương tiện lớn.
Trao đổi về hướng phát triển âu tàu trong thời gian tới, ông Lê Xuân Đồng cho biết thêm: Tin vui cho huyện đảo là từ khi có nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp mới, xác định cảng Bạch Long Vĩ là trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, trung tâm cứu hộ cứu nạn khu vực biển Vịnh Bắc Bộ. Do vị trí quan trọng nên huyện đảo đang tiếp tục được đầu tư xây dựng thêm khu neo đậu phía Tây Bắc đảo.
Hi vọng rằng, dự án này sẽ được hoàn thành trong thời gian không xa để ngư dân thêm yên tâm vươn khơi, đánh bắt thuỷ hải sản, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Bài, ảnh: Hoàng Minh
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Cảng Quốc tế Tân cảng - Cái Mép: Đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ - ( 28-09-24 09:00 )
- Tân cảng Sài Gòn khẳng định năng lực khai thác hàng siêu trường siêu trọng - ( 24-09-24 11:00 )
- Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ hoa tiêu hàng hải - ( 14-09-24 10:00 )
- Đoàn Thượng viện Úc thăm và làm việc với Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn - ( 30-08-24 08:00 )
- Việt Nam dẫn đầu Hội thao Hiệp hội Cảng biển Đông Nam Á lần thứ 14 tại Malaysia - ( 26-08-24 03:00 )