Nơi khởi nguồn đại đoàn kết toàn dân tộc

HQ Online -

Trong kho tàng di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam, Đền Hùng và ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là biểu tượng của tinh thần yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm là ngày hội chung của toàn dân. Đây là thời điểm những trái tim đập chung một nhịp, mọi cặp mắt đều nhìn về cùng một hướng. 

Tiếng vọng từ cội nguồn

Huyền thoại về các Vua Hùng là một huyền thoại mở đất mở nước, tiếp nối đó là hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Bắt đầu khai mở thời đại các Vua Hùng, trải qua bao tháng năm và thăng trầm của lịch sử vẫn mãi tồn tại trong tâm thức mỗi con dân đất Việt một nghĩa “đồng bào”. Đó là sức mạnh nội lực lan tỏa mãnh liệt để cố kết mối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Sáng 26/4/2023 (tức mùng 7/3 Âm lịch), người dân 7 xã, phường, thị trấn vùng ven Khu Di tích lịch sử Đền Hùng (thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) thực hiện nghi lễ rước kiệu về Đền Hùng, trong khuôn khổ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2023. Ảnh: TTXVN

Có lẽ, không một quốc gia nào, một dân tộc nào có một tín ngưỡng với Quốc Tổ như thế. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được tụ nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên truyền thống của dân tộc Việt Nam với triết lý “con người có tổ có tông” và “uống nước nhớ nguồn” được trao truyền từ đời này sang đời khác, trở thành nghi lễ dân gian mang tính quốc gia ở Việt Nam. Chính vì sự độc đáo và đặc biệt ấy mà tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 6/12/2012. Cũng từ đó, Đền Hùng trở thành một trong những khu du lịch văn hóa tâm linh trọng điểm của nước ta. Hằng năm, Lễ hội Đền Hùng được tổ chức từ ngày mùng 6 đến ngày mùng 10/3 âm lịch tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Một điều đã được khẳng định đối với mỗi người con đất Việt, đó là công đức các Vua Hùng được lưu truyền từ đời này qua đời khác, được cộng đồng tôn thờ, biết ơn là biểu tượng của anh hùng lập nước. Đây là cội nguồn của tinh thần yêu nước của dân tộc Việt. Ý thức thờ phụng các Vua Hùng cũng chính là ý thức về cội nguồn dân tộc, đất nước, từ đó hình thành tinh thần tự cường dân tộc, ý thức độc lập tự chủ. Tiếng gọi của cội nguồn đã giúp dân tộc ta vượt qua thăng trầm của bao cuộc chiến tranh. Ở đó, lòng yêu nước thương nòi, ý thức độc lập tự chủ và tình đoàn kết dân tộc đã được các thế hệ người Việt tiếp nối nhau chưa bao giờ tắt, tạo nên một giá trị đặc trưng nổi bật trong hệ thống giá trị đạo đức của người Việt.

Giỗ Tổ Hùng Vương và Đền Hùng từ bao đời nay là biểu tượng đã ăn sâu vào tâm khảm thiêng liêng của mỗi người dân đất Việt. Đây là điểm hội tụ tâm linh, hội tụ bản sắc văn hóa và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc; là nguồn sức mạnh tinh thần giúp cho dân tộc Việt Nam vững vàng vượt qua mọi gian nan thử thách, đoàn kết, gắn bó keo sơn để chiến thắng mọi thiên tai và kẻ thù. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, trong bất cứ điều kiện nào, giữ được khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đó là sức mạnh tuyệt đối để chiến thắng khó khăn, kể cả chiến thắng ngoại xâm.

Ông cha ta hàng ngàn năm thắng giặc ngoại xâm cũng bằng sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Việt Nam chiến thắng các đế quốc xâm lược cũng nhờ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Tiếng gọi của cội nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã lan tỏa thành sức mạnh cộng đồng giúp dân tộc Việt Nam trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước để Việt Nam trường tồn, vững bước sánh vai với các dân tộc trên thế giới.

Hướng đến những giá trị nhân văn trong thời đại mới

Không chỉ là cuộc hội tụ đông đủ, việc con cháu tề tựu về với tổ tiên biểu thị tinh thần cộng đồng, tự hào, tự tôn dân tộc, mãi mãi ghi tạc công lao các Vua Hùng, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống, tinh thần cố kết cộng đồng, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương còn mang một ý nghĩa to lớn trong thời đại mới. Đó là bài học toàn dân đoàn kết, cả nước một lòng cùng nhau xây dựng một xã hội bình đẳng, bác ái, trách nhiệm hơn với lời dạy của tiền nhân, phát huy nguồn lực, chung tay xây dựng và bảo vệ đất nước.

Khai mạc Lễ hội Đền Hùng năm 2023 tại Phú Thọ. Ảnh: Thảo Ngọc

Tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc còn được hiểu qua một khái niệm độc đáo, đó là khái niệm “đồng bào”. Bên cạnh đó, trong điều kiện một đất nước có nhiều dân tộc vốn có sự khác biệt đáng kể về văn hóa, đời sống, bản sắc…, sự gắn kết để cùng chống kẻ thù chung, để cùng chung tay xây dựng và bảo vệ đất nước là rất quan trọng. Khái niệm này gắn với truyền thuyết mẹ Âu Cơ sinh bọc trăm trứng với trăm người con và cộng đồng các dân tộc Việt Nam đều có quan hệ gần gũi ruột thịt thân thương như thể một nhà.

Với ý nghĩa như vậy thì mọi người Việt Nam dù thuộc tộc người nào, dù ở trong nước hay ngoài nước đều có chung một cội nguồn và một ngày giỗ tổ. Giỗ Tổ Hùng Vương xưa cũng như nay không biểu thị là giỗ tổ của riêng dân tộc nào mà là của dân tộc Việt Nam, với 54 dân tộc anh em trải dài trong cả nước.

Trên tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, nên ngày 10/3 là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương theo truyền thống, là ngày quốc lễ đã được Quốc hội chính thức thông qua và ban hành là một ngày toàn dân được nghỉ ngơi và tham gia thực hành các nghi thức tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Đồng bào ở nước ngoài cũng có thể thực hiện nghi thức này tại quốc gia mình sinh sống. Nhiều năm qua, nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, cộng đồng người Việt Nam tại nhiều nước châu Âu phát động triển khai Dự án “Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu”. Đây là một trong những sự kiện văn hóa có ý nghĩa đặc biệt đối với cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài thành kính hướng về quê cha đất Tổ.

Với những giá trị văn hóa được vun đắp qua nhiều thế hệ, trải qua mấy nghìn năm lịch sử, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương không những trở thành biểu tượng của tinh thần dân tộc, là cội nguồn của sức mạnh mà ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành chiếc cầu nối hữu hình cho niềm tin, niềm tự hào về quá khứ hào hùng của dân tộc.

Cẩm Linh

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn