Những người kiểm định phao bè tự thổi

HQ Online -

Mỗi con tàu trước khi rời bến phải trang bị đầy đủ các trang thiết bị bảo đảm an toàn, trong đó phao bè cứu sinh tự thổi. Đội ngũ kiểm định viên Trung tâm Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng 2 (TC-ĐL-CL2), Cục Kỹ thuật Hải quân thường xuyên cơ động đến các nhà máy, đơn vị kiểm tra, kiểm định, bảo đảm tốt chất lượng phao bè sẵn sàng cho tàu rời bến.

Chúng tôi cùng đội công tác cơ động của Trung tâm TC-ĐL-CL2 đến Nhà máy đóng tàu BaSon để kiểm tra, lắp ráp phao bè cứu sinh, chuẩn bị cho con tàu sẵn sàng rời Nhà máy thực hiện nhiệm vụ. Những ngày cao điểm của mùa huấn luyện, không khí làm việc của cán bộ, nhân viên rất khẩn trương và nghiêm túc.

Sau khi giao nhiệm vụ cho đội công tác, Thiếu tá Đoàn Mạnh Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm TC-ĐL-CL2 cho biết: Mỗi con tàu trước khi rời bến cần đảm bảo đầy đủ các trang thiết bị bảo đảm an toàn, trong đó phao bè cứu sinh tự thổi. Khi tàu gặp nạn, trong phao bè có trang bị đầy đủ thực phẩm, thuốc men, nước uống, dụng cụ cá nhân có thể duy trì sức sống cho thủy thủ nhiều ngày trên biển. Do vậy phao bè phải được kiểm định thường xuyên theo định kỳ và kiểm tra kỹ lưỡng trước khi tàu rời bến. Mỗi năm, đơn vị chúng tôi thực hiện kiểm định hàng trăm lượt quả phao cho các tàu thuộc các đơn vị trong Quân chủng Hải quân ở khu vực phía Nam, đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Kiểm định Phao bè tại Nhà máy đóng tàu Ba Son

Những chiếc phao có trọng lượng hàng trăm kg, được lắp đặt trên boong tàu. Theo định kỳ, mỗi năm phải kiểm định phao bè một lần. Để tiến hành kiểm tra, kiểm định các phao, cán bộ, nhân viên Trung tâm TC-ĐL-CL2 phải vận chuyển phao lên bờ, mở phao thay lương khô, nước ngọt đã hết hạn sử dụng và kiểm tra các vật tư, trang bị và gấp phao. Cuối cùng là vận chuyển, lắp đặt phao về vị trí ban đầu. Đại úy Hoàng Mạnh Hùng, Trưởng ngành Thiết bị an toàn và hệ thống chống sét cho biết: “Ở một số nhà máy lớn có cần cẩu hỗ trợ thì vận chuyển phao đỡ vất vả. Còn lại chủ yếu anh em vận chuyển bằng sức người là chính, chỉ một sơ xuất nhỏ sẽ gây mất an toàn”.

Thấy tôi chăm chú quan sát quyển sổ tay cá nhân ghi chép dày đặc các số liệu về những chiếc phao bè cứu sinh, Đại úy Hoàng Mạnh Hùng vừa cười vừa nói: Vận chuyển phao đã khó nhưng thao tác gấp, mở phao còn khó hơn nhiều. Công việc kiểm định phải tuân thủ theo quy trình chặt chẽ, tỉ mỉ, vì chỉ một sai sót nhỏ sẽ gây ra mất an toàn dẫn tới mất tác dụng của phao. Vì vậy, đòi hỏi người kiểm định viên phải được đào tạo cơ bản, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ tốt, nắm chắc quy trình thực hiện, tính kỷ luật cao trong công việc.

Nhìn những quả phao to cỡ hai người ôm nhưng khi trải trên mặt sàn rộng đến gần 20 m2 với rất nhiều trang bị, vật tư các loại. Các kiểm định viên trong trang phục bảo hộ lao động, vai ướt đầm mồ hôi nhưng bàn tay thoăn thoắt làm việc. Người tháo chai khí nén, người bơm hơi kiểm tra phao, người buộc dây… Các kiểm định viên phối hợp nhịp nhàng để kiểm tra hoạt động, độ chắc chắn, an toàn của từng thiết vị và lắp ráp theo đúng trình tự, quy định. Để đội công tác cơ động hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, các anh thường xuyên chuẩn bị đầy đủ về con người và vật chất; chủ động liên hệ với đơn vị bạn nắm chắc tình hình vật tư, trang bị kỹ thuật, để có phương án, chuẩn bị các phương tiện bổ sung thay thế đảm bảo khi tiến hành công việc được thuận lợi nhất.

Hơn 20 năm trong nghề, Thiếu tá QNCN Phạm Văn Đồng không nhớ hết số lượng phao bè mà mình đã kiểm định nhưng khi thao tác kiểm định anh rất bình tĩnh, tỉ mỉ và cẩn trọng. Kể về những kỷ niệm trong nghề anh trải lòng: “Do yêu cầu nhiệm vụ khẩn trương, thời gian rất gấp, để đảm bảo an toàn cho tàu rời bến thực hiện nhiệm vụ, có lúc đội công tác cơ động đã hoàn thành nhiệm vụ trên 200% kế hoạch. Anh em làm từ tờ mờ sáng đến lúc trời tối đen mới nghỉ, trưa tranh thủ ăn cái bánh mỳ, cái lương khô, uống nước lọc rồi làm tiếp. Anh em vừa làm vừa động viên nhau cố gắng, hi vọng tàu không phải sử dụng đến phao”. Sợ tôi không hiểu, anh giải thích thêm: “Hi vọng không phải sử dụng đến phao cũng như Bác Hồ chúc lính cứu hỏa thất nghiệp vậy. Chú đi trên tàu chú có muốn sử dụng phao cứu sinh không?”. Anh lại cười: “Sử dụng đến phao là có những tình huống lớn xảy ra trên biển rồi”.

Chia tay những cán bộ, nhân viên đội công tác cơ động của Trung tâm TC-ĐL-CL2 khi trời nhá nhem, tôi thấy lòng vui vui. Mặc dù áp lực, cường độ công việc rất cao, điều kiện làm việc còn nhiều khó khăn nhưng các anh luôn miệt mài, hết mình vì nhiệm vụ được giao.

Bài, ảnh: Nguyễn Thanh Tĩnh

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn