Những người giải phóng Trường Sa

HQVN -

45 năm trước, ngày 11-4-1975, khi trời vẫn còn mờ tối, một biên đội tàu Không số của Đoàn 125 chở Đặc công Hải quân và một phân đội hỏa lực của Quân khu 5 lặng lẽ rời quân cảng Đà Nẵng, thẳng tiến ra Biển Đông làm nhiệm vụ giải phóng Trường Sa.

Nhiệm vụ bí mật

Đó là biên đội 3 tàu Không số gồm 673, 674, 675 của Đoàn 125. 4 giờ ngày 11-4-1975, biên đội tàu được giao nhiệm vụ bí mật: Hành quân làm nhiệm vụ giải phóng Trường Sa. Nhiệm vụ ấy do đồng chí Mai Năng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 126 làm Chỉ huy trưởng trực tiếp ra đảo chỉ huy chiến đấu. Sở chỉ huy đặt trên Tàu 675.

Song Tử Tây-hòn đảo ở phía Đông Bắc quần đảo Trường Sa được chọn làm địa điểm giải phóng đầu tiên. 17 giờ ngày 13-4-1975, biên đội tàu đã đến gần đảo Song Tử Tây. Trung đoàn trưởng Mai Năng lệnh cho Tàu 673 vòng vào gần đảo để trinh sát. Sau đó, biên đội di chuyển ra xa đảo, chuẩn bị thực hiện phương án chiến đấu.

Trung tá Đào Mạnh Hồng và con ốc ông giữ suốt 45 năm nay để kỷ niệm thời gian ở lại giữ đảo Song Tử Tây

Trung tá Đào Mạnh Hồng (khi đi giải phóng đảo ông Hồng tên là Đào Mạnh Hống), nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 161 (Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126) kể: “Anh Mai Năng quyết định chọn Phân đội 1 của tôi đánh trận đầu tiên. Phân đội 1 gồm 3 tổ chiến đấu do tôi trực tiếp chỉ huy đổ bộ đánh chiếm đảo”.

 “Đây là trận đánh thứ 16 của tôi. Lâu quá mình không giáp mặt với địch mà lại là trận đầu tiên chúng tôi đánh những đảo mình chưa hề nhìn thấy bao giờ”-Trung tá Đào Mạnh Hồng cho hay.

Đại tá Nguyễn Ngọc Quế, Anh hùng LLVTND, một trong những người tham gia chiến dịch giải phóng Trường Sa cho biết: “Cái khó của chúng tôi là ở chỗ dù là lính Đặc công Hải quân nhưng chưa có tiền lệ đánh chiếm đảo. Đặc công nước chủ yếu đánh cầu, đánh tàu, đánh kho tàng ở ven cảng, ven sông, ven đầm hồ chứ chưa có kinh nghiệm đánh ngoài đảo xa”.

Đã thế, suốt hành trình ra đảo, bộ đội phải nằm dưới hầm, ngột ngạt nên say sóng. Nhiều người nôn mật xanh mật vàng. “Tôi từ lúc lên tàu đến lúc xuống xuồng cao su vẫn còn say lả. Nhưng khi nhận nhiệm vụ, thả quân đổ bộ vào đảo thì tỉnh như sáo”, Trung tá Đào Mạnh Hồng nói.

19 giờ ngày 13-4-1975, Tàu 673 chở Phân đội 1 (do Phân đội trưởng Đào Mạnh Hống chỉ huy) tiếp cận gần đảo. Địch trên đảo bắn pháo tín hiệu xua đuổi, Tàu 673 lùi ra xa, thả trôi. Hai tàu 674 (chở Phân đội 2) và 675 (chở Phân đội 3) cơ động ra phía Bắc và phía Nam đảo, sẵn sàng chi viện.

Là một trong những người trực tiếp đổ bộ lên giải phóng đảo Song Tử Tây, 45 năm đã trôi qua, Trung tá Đào Mạnh Hồng vẫn nhớ rõ như in về nhiệm vụ đặc biệt ấy: “1 giờ ngày 14-4, Tàu 673 tắt đèn tiến sát đảo. Chỉ huy tàu là người có kinh nghiệm đi biển, khôn khéo điều khiển tàu tìm vị trí có lợi nhất để đổ bộ”.

Đi kèm Phân đội 1 có 2 khẩu đội DKZ 75 và 1 khẩu cối 82 của Tiểu đoàn 471 (Quân khu 5). Khi xuồng cách đảo 5km, bộ đội nhảy xuống biển bơi vào đảo. “Đêm tối, sóng nước cứ đẩy người dạt đi. Chúng tôi bơi 3 tiếng mới vào đến các vị trí như kế hoạch”, Trung tá Đào Mạnh Hồng nhớ lại.

30 phút quyết chiến

4 giờ 30 phút ngày 14-4-1975, Phân đội trưởng Đào Mạnh Hống ra lệnh cho chiến sĩ Lê Minh Đức bắn 3 phát súng B41 vào ăng-ten sở chỉ huy địch, phát lệnh tấn công. Ba tổ chiến đấu bất ngờ xông lên, đồng loạt tung thủ pháo và lựu đạn vào các lô cốt.

15 phút đầu tiên, trận chiến diễn ra rất ác liệt. Địch từ trong các vị trí công sự, trong nhà bắn ra chống trả quyết liệt. “Nó bắn ra ghê gớm. Cả ông Thơm-Thuyền trưởng Tàu 673 ngoài kia thấy nó bắn mạnh quá cũng bắn vào để chi viện”, Trung tá Đào Mạnh Hồng kể.  Ông Hồng giải thích, đánh đảo không như đánh các cứ điểm khác và cũng khác bộ binh đánh trên bờ: “Địch trên đảo xác định nếu không giữ được đảo thì họ sẽ chết. Còn mình tiến công lên giải phóng đảo mà không đánh được địch thì không biết rút đi đâu. Cả hai bên đều bị dồn vào chân tường, không có lựa chọn nào khác ngoài sống hoặc chết nên chiến đấu rất quyết liệt”.

“Nhưng khí thế mình khi đó khác địch: Thế tiến công thắng lợi trên các chiến trường đang thôi thúc nên ai cũng hừng hực, quyết tâm cao. Còn địch, qua radio họ đã nắm được thông tin về những thất bại trong Sài Gòn nên chắc chắn tinh thần bị ảnh hưởng”-Thượng úy Lê Xuân Phát, giờ đã 78 tuổi, một chiến sĩ tham gia giải phóng Trường Sa 45 năm trước cho hay.

Tàu của Đoàn 125 chở đặc công ra giải phóng Trường Sa. Ảnh: TL

Sau 30 phút giằng co ác liệt, địch co cụm hết về phía Tây Nam đảo. 5 giờ 15 phút ngày 14-4-1975, ta hoàn toàn làm chủ đảo Song Tử Tây. Lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam nhanh chóng được kéo lên đỉnh cột cờ, thay cho lá cờ màu vàng 3 sọc của ngụy quyền Sài Gòn.

“Địch có 39 tên thì bị mình tiêu diệt 6 tên, 7 tên bị thương. Quân mình hy sinh ngay tại đảo 1 người, 1 người hy sinh trên đường về đất liền...”, Đại tá Phan Xuân Ạp, 69 tuổi, nguyên cán bộ tham mưu của Tiểu đoàn Đặc công nước 471 (Quân khu 5) bùi ngùi nói.

Người hy sinh ngay tại đảo là Hạ sĩ Tống Văn Quang, Chiến sĩ của Trung đoàn 38, Sư đoàn 2 (Quân khu 5) tăng cường phối thuộc với Trung đoàn Đặc công 126 của Hải quân ra giải phóng Trường Sa. Tống Văn Quang quê ở xã Cao Ngạn, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Bắc Thái (bây giờ là tỉnh Thái Nguyên). Anh hy sinh khi mới 22 tuổi.  

“Anh em tổ chức chôn cất liệt sĩ Tống Văn Quang ngay ở Song Tử Tây. Ngoài đảo lúc đó thiếu thốn đủ thứ, chúng tôi lấy tăng võng bọc lại, đào huyệt cát chôn rồi nổ súng tiễn biệt đồng đội...”-Đại tá Nguyễn Ngọc Quế cho biết.

Liệt sĩ thứ hai là Hạ sĩ Ngô Văn Quyền, một tiểu đội trưởng của Đặc công Hải quân 126, quê ở Hải Phòng. “Quyền là người che đạn cho tôi. Đáng lẽ viên đạn đó vào tôi vì tôi đi trước. Quyền theo sau nhưng phát hiện thằng lính trong giao thông hào giơ súng nhô ra, cậu ấy lao lên bắn và bị bắn vào bụng. Anh em vẫn phải tiếp tục chiến đấu. Một phút sau tôi quay lại, Quyền bảo em không sao cả, vẫn tiếp tục chiến đấu. Hôm sau, Quyền theo tàu chở tù binh về đất liền”, ông Đào Mạnh Hồng bùi ngùi.

Trung tá Đào Mạnh Hồng xúc động hơn khi nhớ lại khoảnh khắc chia tay người đã đỡ viên đạn thay cho mình: “Khi bế Quyền lên xuồng đưa ra tàu, tôi ôm nó khóc. Quyền là một trong những chiến sĩ tôi quý nhất, nhanh nhẹn và gan dạ trong chiến đấu, với anh em thì hiền lành, giản dị. Chúng tôi hẹn gặp lại khi tiến vào Sài Gòn sẽ chiến đấu cùng nhau. Khi tôi về Sài Gòn mới biết Quyền đã hy sinh khi chưa kịp lên bờ...”.

Tiểu đội trưởng Ngô Văn Quyền hy sinh ngày 16-4-1975, tức 2 ngày sau khi giải phóng đảo. Năm ấy, anh mới 20 tuổi.

Trong khi cả 3 tàu vào đất liền chờ lệnh làm nhiệm vụ giải phóng các đảo còn lại thì một nhóm cán bộ, chiến sĩ khoảng hơn 10 người được giao nhiệm vụ ở lại giữ đảo Song Tử Tây.  Họ đã trải qua hơn một tháng với nhiều khó khăn, thiếu thốn. Thực phẩm chủ yếu là trứng chim luộc với muối tự làm, lương khô, gạo sấy mình mang theo. Rau đảo chỉ có sam dại hái luộc ăn. “Bộ đội ai cũng bị kiết. Thời tiết Trường Sa lại khắc nghiệt. Ngày nắng. Đêm mưa. Hầu như đêm nào cũng mưa. Mưa kiểu gần như bão, như cơn lốc. Vất vả như vậy nhưng bộ đội cảnh giác cao độ, thay nhau đi gác quanh đảo. Lúc đó chỉ sợ nước ngoài vào chiếm đảo. Ngay sau trận Song Tử Tây, sáng hôm sau có 2 tàu gỗ không treo cờ mò vào sát đảo. Dứt khoát là tàu nước ngoài rồi. Khi nhìn thấy cờ giải phóng mình thì nó quay ra”-Trung tá Đào Mạnh Hồng kể.

Quế Anh

Lực lượng giải phóng đảo được thành lập có phiên hiệu là Đoàn C75 do đồng chí Mai Năng (Anh hùng LLVTND, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 126) làm Chỉ huy trưởng. Sở chỉ huy mặt trận đặt tại Đà Nẵng. Sau khi giải phóng đảo Song Tử Tây, lần lượt các đảo khác như Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa... được giải phóng.  Trường Sa-hòn đảo lớn nhất mà quân đội Việt Nam Cộng hòa đóng giữ được ta giải phóng lúc 9 giờ sáng ngày 29-4-1975.

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn