Căn cứ Khoản 8, Điều 8, Luật Giao thông đường bộ 2008 được sửa đổi bởi Khoản 1, Điều 35 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 quy định cấm tuyệt đối điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Mặt khác, theo giải thích tại Khoản 1 và Khoản 2, Điều 2, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 thì:

- Rượu là đồ uống có cồn thực phẩm, được sản xuất từ quá trình lên men từ một hoặc hỗn hợp của các loại nguyên liệu chủ yếu gồm tinh bột của ngũ cốc, dịch đường của cây, hoa, củ, quả hoặc là đồ uống được pha chế từ cồn thực phẩm.

- Bia là đồ uống có cồn thực phẩm, được sản xuất từ quá trình lên men từ hỗn hợp của các loại nguyên liệu chủ yếu gồm mạch nha (malt), đại mạch, nấm men bia, hoa bia (hoa houblon), nước.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên có thể thấy pháp luật hiện nay cấm tuyệt đối người đã uống rượu, bia (trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn) không được lái xe tham gia giao thông.

Những điều cần biết về quy định nồng độ cồn ô tô, xe máy mới nhất

Ảnh minh họa

Nồng độ cồn bao nhiêu khi lái xe thì bị phạt?

Như đã đề cập ở trên, pháp luật hiện nay quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Bên cạnh đó, tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi 2021) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt cũng đã quy định xử phạt đối với các hành vi liên quan đến điều khiển phương tiện khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Do đó, người điều khiển phương tiện giao thông khi có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở dù ít hay nhiều, bất kể là bao nhiêu đều là hành vi vi phạm quy định của pháp luật về giao thông đường bộ.

Quy định mức phạt nồng độ cồn ô tô, xe máy mới nhất

Hiện hành, mức phạt nồng độ cồn khi lái xe được quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP) cụ thể như sau: 

Những điều cần biết về quy định nồng độ cồn ô tô, xe máy mới nhất

 Những điều cần biết về quy định nồng độ cồn ô tô, xe máy mới nhất

Mức phạt nồng độ cồn ô tô, xe máy cao nhất là bao nhiêu?

Căn cứ quy định tại Điều 5 và Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi năm 2021) thì:

- Mức phạt tiền cao nhất đối với người lái xe máy tham gia giao thông mà trong máu có nồng độ cồn là 8 triệu đồng, đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép lái xe đến tối đa 24 tháng, tương ứng với mức nồng độ cồn vi phạm vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

- Mức phạt tiền cao nhất đối với người lái xe ô tô tham gia giao thông mà trong máu có nồng độ cồn là 40 triệu đồng, đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép lái xe đến tối đa 24 tháng, tương ứng với mức nồng độ cồn vi phạm vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Vi phạm nồng độ cồn có bị giữ xe không?

Tạm giữ xe (hay tạm giữ phương tiện) là một hình thức xử phạt được quy định tại Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.

Theo quy định, người có thẩm quyền xử phạt nồng độ cồn được phép tạm giữ phương tiện tối đa đến 7 ngày trước khi ra quyết định xử phạt đối với những hành vi vi phạm nồng độ cồn kể trên.

Như vậy, vi phạm nồng độ cồn có thể bị giữ xe đến 7 ngày.

Lưu ý: Đối với phương tiện giao thông vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm có địa chỉ rõ ràng, có điều kiện bến bãi, bảo quản phương tiện hoặc khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được giữ phương tiện vi phạm dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Dương Hưng (TH)