Những “dân tướng” Hải Phòng trong trận chiến Bạch Đằng lần thứ nhất

HQVN -

Năm 938 sau Công nguyên, khi Ngô Quyền đưa quân ra vùng cửa sông Bạch Đằng, với tài mưu lược và tầm nhìn xa, trông rộng, ông có sự vượt trội so với các tiền bối của mình là nhạc phụ Dương Đình Nghệ và cả vị thủ lĩnh của nhạc phụ ông là Khúc Thừa Dụ.

Dương Đình Nghệ, năm 931, khi tổ chức trận quyết chiến chiến lược Đại La, cả phá cuộc xâm lược lần thứ nhất của nhà Nam Hán thì chỉ có chủ lực là đạo dân binh nghĩa tử ba nghìn người quê ở Dương Xá (Thanh Hóa ngày nay) của mình.

Khúc Thừa Dụ, năm 905, nhân lúc đế chế đô hộ nhà Đường suy vong, ông đã đứng lên giành lại quyền “Người Việt làm chủ nước Việt” thì chủ lực cũng chỉ dựa vào người bản bộ ở quê hương Cúc Bồ (Hải Dương bây giờ).

Với Ngô Quyền, trước khi vào trận Bạch Đằng ông đã tập hợp được dưới cờ thống soái của mình các hào trưởng: Đỗ Cảnh Thạc ở miền Đỗ Động (Hà Tây cũ), Phạm Bạch Hồ ở vùng Xích Đằng (Hưng Yên), Lã Minh ở khu Liễu Chử (Bắc Ninh), Đinh Công Trứ ở đất Hoa Lư (Ninh Bình), Dương Tam Kha ở căn cứ Dương Xá (Thanh Hóa) và cả Kiều Công Hãn nữa. Dù Kiều Công Hãn là cháu của kẻ phản bội Kiều Công Tiễn ở Phong Châu (Vĩnh Phúc) vừa mới bị Ngô Quyền diệt trừ.

Từ Lương Xâm phường Nam Hải, quận Hải An, TP.Hải Phòng. Ảnh Hải Hà

Sau khi tập hợp lực lượng quan trọng như thế rồi nhưng Ngô Quyền còn hơn các bậc tiền bối trên mình về tầm nhìn, biết được kẻ thù xâm lược vào năm 938 ấy sẽ dùng cửa Bạch Đằng để tiến chiến trung tâm đất nước. Ngô Quyền đã có một quyết sách đúng đắn là chặn đánh kẻ địch ngay từ nơi cửa ngõ của giang sơn bởi “Quan hà bách nhị” (Cửa ải trên sông, hai người địch được một trăm người).

Còn đối với những người dân ở nơi cửa ngõ lợi hại này thì đây chính lại là dịp để họ nhất tề giúp Ngô Quyền tham chiến. Đó là Lý Minh, Lý Bảo, Lý Khả ở Hoàng Pha (Thủy Nguyên), chàng trai họ Nguyễn ở Lâm Động (Thủy Nguyên), chàng trai họ Phạm ở Đằng Giang (An Hải)… là những tên tuổi may mắn đại diện được thần tích, thần phả ở địa phương sau này thành kính tri ân mà ghi chép cho khối đông dân chúng ấy.

Vua Tự Đức, năm 1880 đã ban sắc cho 17 xã (Phụng Pháp, Đông Khê, Dư Hàng, Hàng Kênh, An Biên, Vĩnh Lưu, Đoạn Xá, Hạ Đoạn, Vạn Mỹ, Trực Cát, Cát Bi, Đồng Xá, Lạc Viên, Gia Viên, Hạ Lý, Thượng Lý, An Chân cùng các tổng là: Gia Viên, Hạ Đoạn, Đông Khê, Trực Cát, Lương Xâm, Trung Hành) đều ở trong vùng được thờ phụng Ngô Quyền luôn sẵn sàng giúp đỡ người chủ tướng của trận Bạch Đằng đánh trận.

Các “dân tướng” Nguyễn Tất Tố cùng Đào Nhuận là những người đặc biệt mà xuất lộ trên nền cảnh ấy. Nguyễn Tất Tố sinh năm 913, là người làng Gia Viên (ở trung tâm TP. Hải Phòng bây giờ), cha theo nghề thuyền câu, mẹ làm ruộng ở ven sông, không xa cửa biển, từ thủa còn nhỏ, họ Nguyễn đã quen việc xuôi dòng sông Cấm quê hương ra nơi cửa biển cùng cha câu cá để sinh nhai. Lớn lên, gặp cảnh giặc biển thường vào cướp phá, được làng đón thầy dạy võ về huấn luyện sức mạnh giữ quê, Nguyễn Tất Tố ở  tuổi “tam thập nhi lập” khi Ngô Quyền đưa lực lượng đến đắp thành Vành Kiệu ở Từ Lương Xâm (thuộc quận Hải An ngày nay) và đóng đại bản doanh chuẩn bị đánh giặc ngoại xâm ở ngay Gia Viên. Nguyễn Tất Tố đã là một tráng đinh vạm vỡ sức đầy đủ, tài năng võ nghệ, do đó lọt mắt xanh của vị chủ soái họ Ngô đồng thời cũng lập tức tình nguyện đi theo họ Ngô sẵn sàng tham chiến.

Đào Nhuận, tổ tiên là người Thủy Đường (thuộc huyện Thủy Nguyên ở sát bờ hữu ngạn sông Bạch Đằng ngày nay) bị bọn quan lại đô hộ nhà Đường ức hiếp, phải lánh sang Gia Viên nối đời làm nghề đánh cá để sinh sống nơi cửa biển. Vì thế, truyền đến đời Đào Nhuận thì họ Đào đã thành đồng hương Gia Viên với họ Nguyễn và không những cùng quê mà còn cùng Nguyễn Tất Tố làm bạn khố thân thiết, ngang tài, ngang sức, một lòng, một dạ cùng nhau theo giúp Ngô Quyền.

Cả mừng khi có được Nguyễn Tất Tố và Đào Nhuận ở dưới trướng, nhờ được họ đem hết tài trí mà tận lực chỉ đường mách nước, ý đồ mở trận quyết chiến chiến lược, đánh và phá giặc xâm lược ngoại bang Nam Hán ở ngay nơi cửa ngõ sông biển Bạch Đằng. Đây chính là lúc mà lời của vị chủ soái trận Bạch Đằng nói với các tướng ta, được sách “Đại Việt sử ký toàn thư” sau đó ghi lại: “Nếu ta sai người đem cọc lớn vạt nhọn, đầu bịt sắt, đóng ngầm trước, ở cửa biển để bọn chúng theo nước triều lên, vào trong hàng cọc, thì sau đó ta dễ bề chế ngự, không cho chiếc nào ra thoát”.

Người “được sai”, tức là được giao việc chỉ huy quân lính cùng nhân dân vào các cánh rừng ven sông lấy gỗ đẽo cọc, bịt sắt nhọn, rồi đem đóng ngầm ở nơi cửa biển” chính là Đào Nhuận. Sau đó, Đào Nhuận đã thành một “dân tướng” dưới trướng của Ngô Quyền được lệnh đem các “dân binh” trong miền phối hợp với các tướng quân của Ngô Quyền (sử sách chỉ chép được ba tên tuổi là Đỗ Cảnh Thạc, Dương Tam Kha và Ngô Xương Ngập-con trai của Ngô Quyền) mai phục ở hai bên bờ sông, mé sau trận địa cọc chờ giờ chiến thuyền giặc theo thủy triều lên mà tiến vào rồi mắc bẫy.

Hậu cung thờ Đức vương Ngô Quyền và hai “dân tướng” ở Từ Lương Xâm. Ảnh: Kim Thu

Nguyễn Tất Tố lúc này cũng đã trở thành một “dân tướng” của Ngô Quyền được giao riêng việc dẫn những chiếc thuyền nhỏ nhẹ ra ngoài biển, chờ lúc chiến thuyền Nam Hán kéo đến thì khiêu chiến, vừa đánh vừa chạy, nhử thủy đội giặc đuổi theo vào trong sông mà mắc bẫy trận địa cọc. Sau đó thì cùng với lực lượng mai phục đánh quật lại.

Trận Bạch Đằng-theo thần tích làng Hoàng Pha thì đã diễn ra vào ngày mồng Bảy tháng Chạp năm Mậu Tuất, tức là ngày 31/12/938 Dương lịch, “tối sầm trời đất, chỉ trong nửa ngày đêm” đúng với ý đồ của chủ soái Ngô Quyền. Tướng giặc là Thái tử giao vương Lưu Hoằng Tháo bị giết tại trận cùng với quá nửa lực lượng xâm lược Nam Hán. Triều đại phương Bắc này sau lần sang xâm lược thứ nhất bị hào trưởng Dương Đình Nghệ đánh bại ở Đại La năm 931, đến lần sang xâm lược thứ hai này thì tan vỡ hẳn toàn bộ hành động và ý chí, không còn dám đưa quân sang lần nào nữa.

Khúc khải hoàn rực rỡ sau đại thắng Bạch Đằng giang trở thành “Tổ trung hưng thứ nhất” như lời đánh giá của chí sĩ Phan Bội Châu. Chủ tướng Ngô Quyền đưa quân về Cổ Loa định đô, xưng vương, mở nước, chính thức khép lại thời đại nghìn năm Bắc thuộc đồng thời mở ra kỷ nguyên độc lập tự chủ, cũng đã nghìn năm, cho tới bây giờ.

Ở triều đình nhà Ngô, thiết dựng ở Cổ Loa, không thấy có mặt Nguyễn Tất Tố và Đào Nhuận. Các vị “dân tướng” này từ nhân dân mà ra nên lại trở về với nhân dân, sau hóa thân thành tượng thờ uy nghi, hưởng khói hương thơm ngát từ những tấm lòng thành kính sùng mộ của nhân dân ở Từ Lương Xâm, ở đình Gia Viên…, để lại tên cho các đường phố đẹp ở phường Kênh Dương, quận Lê Chân, thành phố Cảng anh hùng… Nhất là, hòa quang vào những huyền thoại lộng lẫy vàng son về các đại võ công sông Bạch Đằng của lịch sử và dân tộc.

                           Nhà sử học Lê Văn Lan

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn