Những công trình có giá trị khoa học và thực tiễn của tuổi trẻ Hải quân
HQ Online -
Bộ Quốc phòng vừa công bố danh sách các công trình đạt Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội lần thứ 20, trong đó có 16 công trình của tuổi trẻ Quân chủng Hải quân. Các công trình này đều có ý nghĩa khoa học, thực tiễn và hiệu quả cao, làm lợi cho quân đội, Quân chủng hàng trăm triệu đồng…
Tổ hợp ứng dụng hiệu quả trong thực tế
Trong giờ huấn luyện thực hành tại Trung tâm Bảo đảm Kỹ thuật, Vùng 2 Hải quân, nhân viên kỹ thuật của đơn vị thao tác thuần thục trên “Tổ hợp ngư lôi bắn tập và hệ thống máy kiểm tra phục vụ huấn luyện kiểm tra tổng hợp”. Đây là công trình sáng kiến của hai sĩ quan trẻ: Trung úy Ngô Đức Anh và Trung úy Lê Trọng Sinh cùng các đồng đội ở Trạm 93 thuộc Trung tâm. Công trình vừa đạt giải Nhất Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội lần thứ 20.
Sĩ quan trẻ của Trạm 93, Trung tâm Bảo đảm Kỹ thuật, Vùng 2 Hải quân đang hiệu chỉnh các thông số kỹ thuật trên tổ hợp ngư lôi. Ảnh: CTV
Thời gian đầu về đơn vị công tác, Trung úy Ngô Đức Anh cùng cán bộ, nhân viên kỹ thuật không có nhiều cơ hội tiếp xúc với trang bị. Do vậy, một số cán bộ, nhân viên kỹ thuật gặp khó khăn khi huấn luyện thực hành, thao tác trực tiếp trên trang bị, nhất những nhân viên trẻ mới về đơn vị. Một yêu cầu khác là trong huấn luyện, các ngành phải phối hợp đưa trang bị về kiểm tra, bảo dưỡng từng bộ phận riêng biệt rồi mới lắp ráp để kiểm tra tổng hợp. Điều này đòi hỏi nhân lực và thời gian, ảnh hưởng tới trang bị, làm tiêu hao vật tư đặc chủng bảo đảm.
Trước thực tế đó, Ngô Đức Anh và Lê Trọng Sinh đã nghiên cứu xây dựng “Tổ hợp Ngư lôi bắn tập và hệ thống máy kiểm tra phục vụ huấn luyện kiểm tra tổng hợp”. Qua nhiều lần chỉnh sửa, sản phẩm đã hoàn thiện, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ huấn luyện của đơn vị. Tổ hợp gồm 3 thành phần chính: Mô hình trang bị thu nhỏ có thể hoạt động; các máy kiểm tra thông qua cáp kết nối vào trang bị và máy tính giám sát để cán bộ huấn luyện, theo dõi tình trạng toàn bộ hệ thống, đặt các tình huống huấn luyện.
Thiếu tá Cao Như Mỹ, Trạm trưởng Trạm 93 cho biết: “Tổ hợp ngư lôi bắn tập và hệ thống máy kiểm tra phục vụ huấn luyện kiểm tra tổng hợp” được đơn vị đưa vào sử dụng đã góp phần hạn chế sự tác động trực tiếp lên VKTBKT, tăng tuổi thọ cho VKTBKT; nâng cao hiệu quả trong huấn luyện và tay nghề cho nhân viên của đơn vị.
Tổ hợp giúp người học thực hiện toàn bộ các bước trong quy trình kiểm tra tổng hợp một cách thuần thục; huấn luyện hiệp đồng cho các vị trí trong kíp kiểm tra. Tổ hợp còn cho phép cán bộ huấn luyện đặt các tình huống mô phỏng những hỏng hóc thường gặp trong khi kiểm tra để người học nhận biết, phán đoán và xử trí; làm cơ sở cho việc đào tạo nâng cao tay nghề cho nhân viên, tác phong chỉ huy của kíp trưởng tại đơn vị và các học viên tại các nhà trường trong Quân chủng.
Phần mềm phục vụ giảng dạy
“Phần mềm mô phỏng quy trình khai thác động cơ Paxman trên các tàu của Quân chủng Hải quân” của nhóm tác giả Khoa Cơ điện, Học viện Hải quân vừa đạt giải Ba Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội lần thứ 20.
Động cơ Paxman là loại động cơ hiện đại đang được trang bị trên nhiều tàu của Quân chủng Hải quân. Việc vận hành khai thác động cơ này đòi hỏi người sử dụng phải có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng thuần thục và khả năng làm chủ hệ thống điều khiển hiện đại. Trong quá trình học tập tại Học viện Hải quân, học viên chuyên ngành cơ điện đã được trang bị đầy đủ kiến thức lý thuyết nhưng ít có điều kiện tiếp cận thực tế với động cơ Paxman.
Huấn luyện kỹ thuật trên mô hình sáng kiến của Câu lạc bộ “Thanh niên nghiên cứu khoa học” tại Kho 719, Vùng 4 Hải quân. Ảnh: CTV
Đề tài giúp học viên nắm bắt, rèn luyện kỹ năng vận hành, khai thác, xử lý các sự cố đối với động cơ Paxman trang bị trên tàu trước khi đi thực tập và về đơn vị công tác... Phần mềm còn phục vụ công tác giảng dạy trong nhiều môn học khác và ứng dụng huấn luyện nhân viên ngành cơ điện biên chế ở hệ tàu có trang bị động cơ Paxman.
Quá trình thao tác và giao diện các khối điều khiển trên phần mềm cơ bản giống như ở trang thiết bị thực. Người sử dụng có thể vận hành, khai thác động cơ tại nhiều vị trí giống như dưới tàu; giảm chi phí, tăng tuổi thọ động cơ khi huấn luyện. Khi cài đặt phần mềm trên máy tính, học viên có thể thao tác nhiều lần và học mọi lúc mọi nơi…
Theo đánh giá của Hội đồng Khoa học quân sự Học viện Hải quân, phần mềm mô phỏng quy trình khai thác động cơ Paxman trên các tàu của Quân chủng Hải quân có tính ứng dụng cao trong thực tiễn, phục vụ đắc lực cho quá trình đào tạo học viên chuyên ngành ở Học viện.
Thượng tá Phạm Khoa Nam, Trưởng phòng Công tác quần chúng, Cục Chính trị Hải quân cho biết: Thời gian qua, tuổi trẻ Hải quân đã tích cực tham gia Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội. Số lượng, chất lượng các công trình đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật ngày càng tăng và có tính thực tiễn cao. Nhiều đề tài, sáng kiến có giá trị cao về kinh tế, làm lợi cho đơn vị hàng chục tỷ đồng, phục vụ tốt cho nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đơn vị và Quân chủng.
Thùy Liên
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Trung đoàn 196 thông tin về biển, đảo tại Đà Lạt - ( 28-11-24 10:00 )
- Tổ chức chương trình “Vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu” tại Vùng 3 - ( 27-11-24 06:00 )
- Hội nghị phối hợp thực hiện chương trình “Xuân Trường Sa” năm 2025 - ( 27-11-24 06:00 )
- Nhà máy X52: Khánh thành và bàn giao nhà đồng đội tại Khánh Hoà - ( 26-11-24 07:00 )
- Giao nhiệm vụ cho đội tuyển tham gia hội thi giảng viên các học viện, nhà trường quân đội năm 2024 - ( 26-11-24 07:00 )