Những chú vịt biển trên đảo Trường Sa

HQVN -

Cùng với sự phát triển của đất nước, huyện Trường Sa đang đổi thay từng ngày. Theo bước chân người lính, những chú vịt biển của Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên đã lên tàu ra đảo mang theo câu chuyện cảm động về  những người làm nên sức sống và màu xanh Trường Sa. 

Đầu tiên, phải kể đến thạc sĩ Hoàng Lệ Hà, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa cùng đội ngũ cán bộ của Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên, thuộc Viện Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có công biến ý tưởng này thành hiện thực với hàng năm trời tìm tòi, nghiên cứu. Ý tưởng bắt đầu từ sau chuyến đi của đoàn công tác gồm nhà quản lý, nhà khoa học đi khảo sát, nghiên cứu thực tế tại một số đảo đầu năm 2013. Về đất liền, thạc sĩ Hoàng Lệ Hà trăn trở, ấp ủ phải làm sao để nghiên cứu, sưu tầm những con giống, cây trồng phù hợp, chịu được sự khắc nghiệt của thời tiết cho các đảo nơi đây.
Cuối năm 2013, trong một lần dự hội nghị tổng kết về nông nghiệp, nông thôn ở Hà Nội, chị được giới thiệu về một giống vịt biển. Không có dịp để đến tận nơi tìm hiểu, lại phải về Nha Trang vì công việc nên chị chủ động liên hệ với Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên và nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của đội ngũ cán bộ nơi này. Thạc sĩ Nguyễn Thị Thúy Nghĩa, khi đó là Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vịt Đại Xuyên nhớ lại: Khi chị Hà biết được thông tin về giống vịt biển do Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên nuôi, chị đã liên hệ với tôi qua điện thoại mong muốn đưa giống vịt biển ra Trường Sa để góp phần cải thiện đời sống bộ đội. Qua trao đổi, thấy đây là một ý tưởng tốt nên chúng tôi bắt đầu thực hiện. Tôi bàn với lãnh đạo trung tâm, quyết tâm đưa bằng được vịt ra đó. 

Ngày 19-12-2014 được xem là dấu mốc quan trọng đầu tiên khi 600 con vịt biển một ngày tuổi được chuyển bằng đường hàng không từ Hà Nội về sân bay Cam Ranh. Vịt được tập kết tại Trạm chế biến chăn nuôi tập trung (Lữ đoàn 146 Hải quân). Tại đây, vịt biển được nuôi trong một thời gian ngắn cho quen với điều kiện khí hậu sau đó sẽ theo tàu chuyển cho các đảo. Những ngày đầu vịt mới được đưa về, Phân viện Thú y Miền Trung cử người vào tiêm phòng và hướng dẫn cách chăm sóc.
Anh Trương Công Thôi, cán bộ kỹ thuật thú y cho biết: Phân viện Thú y đã 3 lần tiêm vắc xin phòng bệnh, cho thuốc và gửi tặng 1 tấn thức ăn tổng hợp. Thời tiết khi đó lạnh và mưa. Để phòng bệnh và cho vịt dần thích nghi với môi trường khắc nghiệt vùng bán đảo, các anh đã che chắn chuồng trại, rải trấu, mùn cưa xuống nền đất, thắp đèn ban đêm và thay nhau thức canh chuột. Hàng ngày các anh nấu cơm trộn với cám cho vịt ăn, ngày cho ăn ba lần. Sau đó, thức ăn cho vịt thường là rau muống băm nhỏ trộn với cơm, cám công nghiệp. Sau vài tuần đàn vịt đã thích nghi được với môi trường bán đảo. Do chăm sóc tốt, chỉ sau một thời gian ngắn, đàn vịt biển với đặc trưng màu lông cánh sẻ xanh đen, cổ khoang trắng bắt đầu phát triển mạnh, cân nặng trên 1kg và chuyển sang thời kỳ thay lông.
Tháng 4-2015, đàn vịt biển theo tàu hành trình ra Trường sa, bắt đầu cuộc sống mới, làm bạn với biển khơi bao la và những người lính Hải quân nơi đầu sóng ngọn gió. Ra đến đảo, tiếng bước chân lạo xạo trên nền cát lẫn vụn san hô cũng không còn lạ lẫm bởi chúng đã được “huấn luyện” những nơi tương tự như vậy trong đất liền. Vì vậy, chúng thích ứng, sinh sôi và phát triển nhanh chóng. Cho đến nay, vịt biển đã có mặt ở khắp các đảo chìm, đảo nổi Trường Sa và hầu hết đều khỏe mạnh.

Thiếu tá Đinh Văn Diệu, Đảo trưởng đảo Đá Lớn A cho biết: Đảo chúng tôi được nhận về 12 con vịt biển thì đến nay đều khỏe mạnh, lớn nhanh, sau 3 tháng đã nặng hơn 3kg /con. Trước đây, đảo có nuôi vịt nước ngọt nên nhọc nhằn lắm, phải mang trứng vịt lộn ra ấp, 10 quả họa hoằn mới nở được 1 đến 2 con mà khâu chăm sóc cũng rất khó khăn. Nay có vịt biển chịu mặn, anh em chúng tôi cảm thấy đỡ hơn nhiều. Ngoài việc có thêm vật nuôi mới thì đây cũng là thực phẩm bổ sung rất tốt cho sức khỏe bộ đội.
Từ ước mong, ý tưởng của các nhà khoa học mà Trường Sa đã có thêm giống vịt mới. Cũng có thể từ quần đảo xa xôi này, giống vịt biển sẽ phát triển nhanh và cung cấp con giống cho các đảo có điều kiện khắc nghiệt trên khắp các vùng biển của Tổ quốc. Đó không chỉ là nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng cho bộ đội Hải quân mà còn làm đa dạng, phong phú thêm danh sách những vật nuôi gắn bó với Trường Sa.

                                                                                                                                                              Hồ Anh Mão

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn