“Những cây quế” nơi đảo xa
HQVN -
Chuyến công tác ra Trường Sa gần đây đã để lại trong tôi những ấn tượng khó quên, nhưng khó quên nhất có lẽ chính là tôi nghe tiếng trẻ em ê a học từng con chữ giữa trùng khơi sóng gió. Tiếng học vần, hình ảnh thầy trò trên những lớp học đặc biệt ấy khiến bất kỳ ai chứng kiến cũng cảm thấy trào dâng niềm xúc động vì có những người đang lặng thầm gieo chữ cho trẻ em nơi huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc.
Đến đảo Sinh Tồn đúng vào ngày nghỉ cuối tuần, thăm trường học trên đảo, ai cũng bất ngờ khi thấy thầy giáo trẻ Nguyễn Ngọc Hạ đang cùng học sinh sắp xếp, trang trí lại lớp học. Với đặc thù xa đất liền nên Trường Tiểu học xã đảo Sinh Tồn có hai cấp học: Mầm non và tiểu học. Với những lớp học đặc biệt như vậy, giáo viên vừa là người thầy vừa là người mẹ để chăm lo cho các em. Thầy giáo Hạ ôn tồn chia sẻ: “Nhanh thật, mới ngày nào mà giờ đã thấm thoắt bước sang năm thứ năm em công tác trên đảo rồi. Được gắn bó với các em trên đảo nhỏ xa xôi này, em cảm thấy ý nghĩa của tuổi đôi mươi như được nhân lên gấp nhiều lần”.
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Hạ sau khi tốt nghiệp Khoa Giáo dục tiểu học Trường Cao đẳng sư phạm Nha Trang đã tình nguyện ra công tác ngoài đảo. Mang theo niềm tin, lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, thầy giáo Hạ đã gieo vào tâm hồn của trẻ thơ trên đảo những bài học làm người và con chữ khởi nguồn cho trí tuệ để dẫn đường, mở lối cho những ước mơ của các em vươn xa.
Thầy Phạm Trung Việt và học sinh trên đảo Trường Sa
Đến đảo Trường Sa, đoàn công tác không khỏi xúc động khi tận mắt chứng kiến lớp học của Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa trên đảo. Vì không đủ học sinh nên ngôi trường đặc biệt này chỉ có hai lớp ghép với hai giáo viên. Một lớp ghép của thầy Phạm Trung Việt dạy các em từ lớp 2 đến lớp 5, lớp còn lại do thầy giáo trẻ Đồng Minh Hiệp phụ trách gồm các em mầm non và lớp 1.
Vừa ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm nên khi phụ trách lớp học ghép đặc biệt, thầy giáo Hiệp gặp không ít bỡ ngỡ. Hai thầy giáo động viên nhau khắc phục khó khăn để, truyền kiến thức cho các em bằng nhiệt huyết tuổi trẻ, bằng tinh thần tình nguyện và sáng tạo.
Tiết học vừa kết thúc, thầy Việt chia sẻ: Tôi lên tàu ra đảo khi vừa mới lập gia đình hơn 1 tháng. Mặc dù vậy nhưng vợ tôi và gia đình vẫn ủng hộ quyết định ra đảo của tôi. Nhờ vậy mà mọi việc thuận lợi hơn rất nhiều.
Hình ảnh các thầy giáo trên đảo, làm tôi nhớ đến lời Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo. Các thầy cô giáo không những dạy chữ mà còn dạy người, họ cứ như cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu thầm lặng tỏa hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời”. Và những người thầy nơi đảo xa sóng gió ấy đúng là như “Những cây quế” nơi đảo xa!
Bài, ảnh: Minh Minh
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Quân chủng Hải quân sáp nhập, tổ chức lại Cục Hậu cần, Cục Kỹ thuật - ( 21-11-24 02:00 )
- Nghề “đưa đò” - ( 21-11-24 09:00 )
- Rau càng cua - ( 17-11-24 08:00 )
- Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, làm việc tại huyện đảo Bạch Long Vĩ (TP. Hải Phòng) - ( 14-11-24 02:00 )
- Ban Thường vụ Đảng uỷ Quân chủng Hải quân công bố và trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công tác cán bộ - ( 14-11-24 10:00 )