Nhớ vị cơm quê

HQ Online -

Chiều muộn, nắng nhạt dần trên những con đường tấp nập xe cộ. Bạn rủ tôi đổi vị bữa tối ở nhà hàng có tên dân dã “Cơm quê”.

Nhà hàng có đủ các món phục vụ thực khách: Cơm niêu đất, cá tép kho tương, cua rang muối, tóp mỡ rim mắm, cà pháo, canh cua... Thử món ăn ngon có phần đậm đà hơn xưa, tôi vẫn thắc mắc với bạn bữa ăn vẫn thiếu vị gì? Bạn nhìn tôi rồi chợt thốt lên: “Phải rồi, vị quê!”.

Làng tôi trước đây nằm giữa cánh đồng lúa rộng mênh mông. Bước khỏi lũy tre đầu làng là chạm vào bùn đất. Làng xa chợ, mọi việc buôn bán, mua sắm đều khó khăn. Các bà, các mẹ có khi cả tuần mới đi chợ một lần. Vậy là, mọi sinh hoạt đều khép kín trong không gian làng. Đến cả bữa ăn thường ngày cũng chỉ tiện kiếm trong vườn nhà, đồng làng.

Nhớ vị cơm quê

Minh họa: KHOA AN

Buổi chiều, tôi lẽo đẽo theo chị và bố đi tát nước ruộng nhà. Ruộng ở khu đất cao có mương dẫn nước để tưới tiêu. Con đường đất nhỏ ven mương gập ghềnh những mô đất cao thấp. Đường nhỏ đến nỗi không đủ cho hai người tránh, vậy mà không ai bảo ai, “người gánh thì đi, người không lội ruộng”. Thế nên biết bao vụ mùa, những gánh mạ, gánh phân, gánh lúa vẫn ngược xuôi trên con đường này một cách tuần tự, suôn sẻ.

Ruộng nhà tôi ở cuối con mương, có hố trũng để trữ nước. Trong lúc đợi chị và bố tát nước, tôi ngồi trên bờ cỏ cách đó không xa. Nước mương cạn, sau mỗi nhịp tát, dòng nước mương chảy chậm xuôi về hố. Tôi chợt nghe có tiếng “lạch xạch, lạch xạch” dưới mương nước. Năm, sáu chú cá rô đồng ngược nước, đang cố gắng rạch thoát khỏi hố trũng. Bố tôi cười: “Vậy là chiều nay có món cá cho cả nhà cải thiện rồi”.

Áng chừng nước trong ruộng đã gần đầy, bố tôi đi ngược lên phía mương, lấy đất đắp ngang dòng nước. Nước trong hố cạn dần cũng là lúc những miệng cá lố nhố nổi lên đớp mặt nước. Chao ơi! Cơ man là cá. Cá diếc vảy trắng như thoi bạc, cá nheo da trơn như bôi mỡ, cá rô đồng vảy cứng như áo giáp. Nước cạn đến đâu, cá cuộn rào rào đến đấy. Nước trong ruộng đã đầy, bố tôi buộc dây gàu dai, đặt xuống hố để đựng cá. Tôi cũng lội bùn phụ giúp chị và bố bắt cá. Từng chú cá nhỏ bằng ba ngón tay người lớn, mình cuộn bùn được bỏ vào gàu. Túm được một chú cá diếc, tôi giơ lên khoe bố. Cá quẫy mạnh, mặt tôi lấm lem bùn đất khiến mấy bố con được phen cười xòa.

Gàu cá mang về rửa sạch bùn, đổ ra được lưng thau nhôm. Trong khi bố mổ cá, mẹ tôi ra vườn nhà nhổ bụi sả, đào nhánh riềng, ngắt mấy quả ớt và hái một rổ rau cải non mỡ màng. Cá rô lọc thịt để nấu canh rau cải thơm ngọt. Nhưng đậm vị hơn cả là cá nheo, cá diếc kho tương vùi trấu. Cá sau khi xóc muối cho đậm vị được ướp với riềng, sả đập dập, tiêu, ớt, mỡ và không thể thiếu nước tương dậy mùi thơm mới múc từ chum vừa được nắng. Dưới đáy nồi gang dày, mẹ tôi lót chỗ thân sả, riềng còn lại rồi xếp lần lượt cá lên trên. Cá bén lửa được hai chục phút, mẹ tôi đem vùi trên đống trấu đốt rơm. Cá vùi trấu được hai tiếng, mở vung xoong ra mùi thơm ngào ngạt, miếng cá vẫn còn nguyên hình.

Bữa cơm tối ấm cúng được bày biện gọn gàng, màu sắc trên chiếc mâm đồng. Cà tím muối xổi, bát canh cải nấu cá rô đồng xanh mướt, cá kho tương vùi trấu màu nâu sậm. Bên mâm cơm ấm nóng, tôi dần nhận ra vị cơm quê thêm đậm đà chính bởi “gia vị” tình cảm mà các thành viên trong gia đình nhỏ đang vun đắp.

Nguyễn Đức

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn