Nhớ về bến Hòn Hèo
HQVN -
Trung úy Nguyễn Văn Phong (đồng đội gọi là Nguyễn Hồng Phong), Pháo thủ số 1, Tàu C235 là một trong số cán bộ, thủy thủ còn sống trong trận chiến đấu ngày 1/3/1968 ở Hòn Hèo (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa). Hiện tại, dù ông đã ở tuổi thất thập cổ lai hy nhưng những ký ức năm xưa vẫn còn nguyên vẹn, trong đó có dấu ấn 13 ngày nguy nan, đói cơm, khát nước, vượt qua sự truy sát của quân địch…
Một chiều tháng 7 tri ân, tôi cùng Đại tá Đinh Xuân Thế, nguyên Chính ủy Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân đến thăm người chiến sĩ trở về từ “cửa tử” năm ấy. Bà Bùi Thị Xinh, vợ Trung úy Nguyễn Văn Phong vui mừng chia sẻ: Anh vừa một lần nữa vượt qua “cửa tử” bạo bệnh khiến các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức (TP. Hà Nội-PV) phải thốt lên kinh ngạc: Đúng là kỳ tích. Hiện tại, sức khỏe và tinh thần anh ấy tốt lên nhiều, nhất là sau khi được Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Chính ủy Hải quân đến thăm, động viên dịp Tết Nguyên đán - Tân Sửu”.
Qua những lời thăm hỏi ban đầu, ông Nguyễn Văn Phong minh mẫn kể lại với chúng tôi về hải trình năm ấy, đặc biệt là 13 ngày chịu gian nan, đói khát, thoát khỏi sự truy lùng của quân địch để sống sót trở về...
…Sau khi Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh ra lệnh: “Nổ bộc phá, phá tàu” để tuyệt đối giữ bí mật con tàu và tuyến đường vận tải chiến lược, ông Phong cùng đồng đội chỉ kịp lấy khẩu AK và băng đạn nhảy xuống biển bơi vào bờ. Sau nửa giờ vật lộn với sóng gió, họ cũng vào được đến bờ. Vừa đến nơi thì nhìn thấy tàu mình nổ đỏ rực trên biển...
5 thủy thủ còn sống sót của Tàu C235 (từ trái sang phải): Nguyễn Văn Phong, Lê Duy Mai, Vũ Long An, Lâm Quang Tuyến, Hà Minh Thật. Ảnh: Tư liệu
Ở trên bờ, địch lùng sục rất ráo riết nên họ quyết định phân tán lực lượng thành hai nhóm. Một nhóm do Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh phụ trách, nhóm thứ hai do Thuyền phó Đoàn Văn Nhi phụ trách. Nhóm của Thuyền trưởng Phan Vinh bị địch phục kích, thuyền trưởng cùng đồng đội đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Nhóm của Thuyền phó Nhi còn lại 7 người, trong đó có ông Phong. Nhóm đã mưu trí thoát khỏi vòng vây của địch nhưng tất cả đều bị thương. Mọi người dìu nhau đi tìm căn cứ của bến. Ông Phong nhớ lại: “Mấy anh em, ngoài khẩu súng AK và đạn ra, chỉ còn độc chiếc quần xà lỏn, áo rách tả tơi, da thịt bị ve cắn, gai đâm cào xé, rồi bị lạc vì cứ đi được một đoạn lại bị pháo bắn chặn, phải quay lại. Đi suốt đêm đầu tiên, sáng hôm sau, quay lại vẫn gần chỗ cũ, nhìn thấy xác tàu...”.
Suốt 13 ngày đêm len lỏi trong rừng rậm, vách đá Hòn Hèo, họ cứ ngày nghỉ đêm đi giữa bốn bề vòng vây quân địch, đối mặt với bao thử thách hiểm nguy. Tất cả lương thực, thuốc men mà 7 chiến sĩ có lúc đó là những viên sinh tố poly. Chúng được tập hợp lại và giao cho đồng chí Lê Duy Mai quản lý. Mỗi ngày, người bị thương nặng được 4 viên, người bị thương nhẹ thì 2 viên, được vài ngày thì hết...
Những ngày ấy, họ cứ thấy cái gì có thể ăn được là ăn. Khi là lá cây, lúc là con kiến, con còng, ốc sên, uống chính nước tiểu của mình cho đỡ khát… Ông Phong kể lại: “Có lần cả nhóm tìm thấy một hốc nước trong gốc cây to, nhưng nước ở khá sâu không có cách nào hút lên để uống. Cuối cùng mấy anh em cũng nghĩ ra một mẹo là cởi áo nhét vào hốc nước cho ướt đẫm rồi kéo lên. Lần lượt từng người há miệng, ngửa cổ, vắt áo thành từng giọt chảy xuống họng. Lần khác, nhìn thấy cây dừa có quả nhưng ai cũng mệt không thể leo lên hái. Tôi là người to béo nhất trong nhóm nên đã gắng sức leo lên. Bẻ được dừa rồi nhưng không có gì để bổ, anh em nghĩ ra cách lấy nòng súng AK thông mắt dừa lấy nước uống. Sau này mới biết chỗ đó đêm nào địch cũng bắn phá vậy mà mọi người may mắn không gặp địch. Một buổi, trong lúc mệt lả, mấy anh em nằm dưới lùm cây, môi khô nẻ lắm rồi, anh Long An bỗng thấy có cái gì rơi, ngọ ngoạy ở môi. Anh cắn một cái, thấy có tí ti nước nhốt nhốt, hơi chua cay. Hóa ra là con kiến bống bụng to. Mừng rỡ, anh kêu to, chúng mày ơi, có Vitamin C rồi! Từ đó, mọi người tìm bắt kiến cấu đầu bỏ đi, ăn phần bụng…”. Trong lúc đói khát, mệt nhọc, họ vẫn nghe văng vẳng trên đầu, máy bay Mỹ-ngụy liên tục chiêu hồi...
Có lần khát quá, đồng chí Hà Minh Thật bảo đi tìm nước, lương thực cho mọi người rồi lạc mất. Lần khác, đồng chí Mai Văn Khung cũng đi tìm nước nhưng không trở về, sau mọi người mới biết đồng chí bị địch bắt. Thuyền phó Đoàn Văn Nhi bị thương ở chân không đi nổi rồi cũng hy sinh… Còn lại 4 người tiếp tục gắng sức vượt lên gian nan, thử thách, quyết tâm tìm căn cứ của bến.
Trung úy Nguyễn Văn Phong trò chuyện với Đại tá Đinh Xuân Thế về những kỷ niệm ở bến Hòn Hèo
Cứ thế đến đêm thứ 13, khi sức cùng lực kiệt, họ bỗng nhìn thấy một người đánh cá. Cả nhóm 4 người bàn nhau tìm cách tiếp cận để khai thác, hỏi đường. Thật may mắn, đó chính là người của bến được cử đi kiếm cá cải thiện bữa ăn, nhưng nhiệm vụ chính là dò la tin tức về các chiến sĩ Tàu C235. Cả 4 anh em được người của bến đưa về căn cứ và được đãi một bữa cháo gà rừng nhớ đời sau 13 ngày đói khát đến cùng cực. Cũng tại bến, họ vui mừng được gặp lại đồng chí Thật-người đi lạc từ mấy hôm trước cũng đã tìm được về căn cứ. Đồng chí Khung thì bị địch bắt và được trả tự do sau Hiệp định Paris…
Chiến tranh đã qua đi nhưng khi kể cho chúng tôi nghe về con Tàu C235 và những người đồng chí của mình năm ấy, người cựu binh già Nguyễn Văn Phong vẫn rưng rưng xúc động. Cho đến bây giờ, ông vẫn không thể tin được ông và đồng đội của mình có thể sống sót sau một trận đánh sinh tử như thế, để rồi lại vượt Trường Sơn, ròng rã nhiều tháng trời tìm về đơn vị, tiếp tục thực hiện những chuyến đi mới trên những con tàu Không số anh hùng...
Bài, ảnh: Liên Hoa
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Một số chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp - ( 21-11-24 09:00 )
- Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào (30/10/1949 - 30/10/2024) - ( 29-10-24 07:00 )
- Nơi xuất phát của chuyến tàu Không số đặc biệt - ( 22-10-24 10:00 )
- Đồng chí Lý Tự Trọng - Người thanh niên yêu nước, bản lĩnh, khát khao lý tưởng và tràn đầy nhiệt huyết cách mạng - ( 17-10-24 09:00 )
- Đồng chí Lý Tự Trọng - Người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên (20/10/1914 - 20/10/2024) - ( 15-10-24 11:00 )