Nhớ Trường Sa
HQ Online -
Nếu ai đã một lần ra đến huyện đảo Trường Sa thì đó sẽ là một chuyến đi làm thay đổi suy nghĩ, thay đổi con người họ. Có lẽ đó sẽ là một hành trình, một trải nghiệm khó quên. Đến Trường Sa để tận mắt chứng kiến sự hy sinh thầm lặng của những người ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc, giữ ánh sáng ngọn hải đăng không bao giờ tắt. Đến Trường Sa để thêm suy tư về vận mệnh của Tổ quốc. Đến Trường Sa để khi về ta tự vấn bản thân sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh thầm lặng của các anh.
Trường Sa đứng giữa biển khơi/Bốn mùa sóng vỗ, sóng dồi, sóng xô/Sóng chùm lên đảo san hô/Sóng tung ướt cả ba lô trên sàn. Thấm thoát đã 14 năm quân ngũ, đó là một hành trình dài với biết bao nhiêu khó khăn, gian nan, thử thách, biết bao nhiêu kỷ niệm đẹp gắn bó với tôi. Có lẽ kỷ niệm đẹp nhất trong tôi là những ngày tháng cùng những người lính Công binh Hải quân âm thầm, lặng lẽ cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho Trường Sa, cho Tổ quốc.
Đảo Đá Lớn. Tháng 5-2015. Hôm đó là ngày có đoàn ra thăm đảo. Khi đoàn cập đảo, sau nghi thức đón tiếp là chương trình giao lưu văn nghệ. Trong khi mọi người đang hòa mình vào chương trình giao lưu thì ở một góc đảo, có một người cựu chiến binh cứ đứng nhìn xa xăm tư lự.
Tôi bước lại gần chào ông, ông quay lại nhìn tôi! Rồi như đoán được suy nghĩ của tôi, ông nói: “Cháu ạ, cho dù có đi hết cuộc đời này, thì những năm tháng gắn bó với đảo vẫn không thể nào quên được trong ký ức của ông. Trước đây ông từng là lính Công binh Hải quân...”.
Hai ông cháu như hai người đã quen từ lâu. Tôi giới thiệu với ông mình là Chính trị viên đội thi công của Lữ đoàn Công binh 83, một đơn vị có bề dày truyền thống trong công tác xây dựng đảo. Ông nói chỉ cần nhìn màu áo, ông đã biết cháu là lính Công binh Hải quân rồi. Ông bắt đầu tâm sự với tôi về những những năm tháng làm nhiệm vụ xây dựng công trình trên đảo.
Ý chí, sức lực và biết bao mồ hôi, thậm chí cả máu của những người lính công binh đã đổ xuống để chuyển từng viên đá hộc từ tàu vào đảo, tôn tạo thềm Tổ quốc. Ảnh: TL
… Năm 1988, ông trong đoàn cán bộ, chiến sĩ nhận nhiệm vụ tăng cường ra Trường Sa. Để đẩy nhanh tiến độ công việc, bộ đội phải chạy đua với thời gian, bất chấp thời tiết nắng mưa, hễ thuỷ triều xuống là nhanh chóng chuyển vật liệu từ tàu vào đảo. Do ngâm trong nước biển mặn lâu ngày, chân tay của các chiến sĩ đều bị bong tróc, tóc ai cũng đỏ quạnh và cứng như rễ tre, da đen nhẻm. Dưới cái nắng 40oC và gió rát mặt, mọi người nhận ra nhau bằng hàm răng trắng và ánh mắt sáng. Ngày ấy vác đá không có tấm bảo hộ che vai như bây giờ nên chỉ sau 3 ngày là vai áo chiến sĩ rách bươm. Bộ đội đã nghĩ ra cách gấp đôi chiếc bao tải đặt lên vai để lót cho đỡ đau.
Thức ăn của bộ đội ngày ấy chủ yếu là đồ hộp và rau muống phơi khô mang từ đất liền ra. Nhiều đêm giông bão, anh em tựa sát vào nhau kể chuyện quê nhà. Cây đàn ghi ta bập bùng, lời hát “Đời mình là một khúc quân hành” vang lên giữa màn đêm lẫn vào sóng nước. Sau những phút ồn ào ấy là khoảng lặng. Trong sâu thẳm trái tim, các chiến sĩ đều nhớ đất liền, thương người mẹ già ở quê, nhớ người bạn gái bịn rịn chia tay lúc lên đường.
Rồi giọng ông chùng xuống, xúc động: “Đá càng nặng, vết xước trên vai càng nhiều; tình yêu Tổ quốc càng sâu, càng thấm thía nỗi nhọc nhằn của đồng đội. Từng viên đá, từng ngôi nhà đã thấm đẫm mồ hôi công sức và máu của bao đồng đội. Những ngày ở đảo là những ngày đẹp nhất trong cuộc đời tôi”.
Vậy là sau bao nhiêu năm xa cách, nay ông đã có dịp trở lại Trường Sa, gặp những người lính đảo. Ông chợt nắm cánh tay tôi, nhìn sâu vào những vết loang lổ do dị ứng san hô, rồi bảo: “Cái này ngứa và rát lắm phải không. Trước đây nhiều khi ngứa quá khiến ông cả đêm không ngủ được, vừa nằm gãi vừa rơi nước mắt. Cháu đừng gãi mạnh quá làm xước da là xót lắm”.
Những người lính công binh Hải quân phải dầm mình, lặn dưới nước hàng giờ để làm việc. Ảnh: TL
Thời gian trôi nhanh quá, cuộc gặp gỡ ngắn ngủi giữa tôi và người cựu lính công binh đã giúp tôi hiểu thêm về quá khứ, về những người đã cống hiến cả một thời trai trẻ của mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quần đảo Trường Sa thân yêu. Tôi ôm ông thật chặt và hứa với ông: “Ông hãy yên tâm tin vào thế hệ trẻ chúng cháu, chúng cháu sẽ luôn luôn vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió, giữ vững chủ quyền biển đảo và thềm lục địa của Tổ quốc”.
Ông nắm chặt tay tôi, bàn tay ấy như truyền cho tôi sức mạnh của người lính với người lính, của thế hệ cha anh truyền sức mạnh và niềm tự hào cho thế hệ chúng tôi hôm nay.
Tôi nhìn mãi theo con tàu rời xa, bóng ông nhòa trong bóng của bao người, những giọt nước mắt của ông vẫn còn thấm trên áo tôi... Tôi chợt tiếc chưa kịp hỏi tên và địa chỉ của ông. Nhưng tôi tin chắc rằng sau chuyến đi này, ông rất mãn nguyện và cảm thấy yên tâm, tự hào hơn về những người lính nơi đầu sóng ngọn gió hôm nay đang ngày đêm vững vàng ý chí và tay súng để bảo vệ cho sự bình yên của biển, đảo.
Ngô Văn Thùy
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn