Nhớ món quê xưa của ngoại

HQ Online -

Cơn lũ kèm theo mưa, gió to đã làm gãy đổ cây đu đủ nhà tôi. Đó là cây đu đủ cổ thụ mà ngoại tôi trồng nay đã bật gốc với các trái đu đủ già, non rơi rụng tả tơi... Tôi ra nhặt những trái ăn được đầy một rổ. Nhìn gốc đu đủ, những cái rễ to màu trắng trồi ra trên mặt đất, lòng tôi tự nhủ, giá mà ngoại còn sống thì ngoại sẽ chặt đoạn củ (gốc) đu đủ này để chế biến thành các món ăn mà tôi từng có dịp được thưởng thức. Nó khá ngon và lạ miệng. Đó là những kỷ niệm ấm áp mỗi khi tôi nhớ về ngoại.

 Ảnh minh họa

Còn nhớ, ở vùng quê xứ Quảng, khi lũ từ thượng nguồn đổ về tràn ngập cánh đồng, chợ búa ngừng hoạt động, thì bữa cơm gia đình nhà tôi không thể thiếu những món chế biến từ trái hay củ đu đủ trong vườn.

Quê tôi, đu đủ là cây trồng phổ thông, hầu như nhà nào cũng có vài cây, ngoài lấy trái chín ăn với nhiều dinh dưỡng, đu đủ còn góp phần trong bữa ăn người dân quê với các món như: canh, xào, làm gỏi, chiên tỏi... hay làm dưa ngâm cùng củ kiệu vào dịp Tết hoặc dầm với mắm cái ăn vào ngày đông mưa gió cũng rất “hao cơm”.

Theo kinh nghiệm dân gian, đu đủ không chỉ dùng làm món ăn, mà còn có công dụng chữa bệnh khá hiệu nghiệm. Ăn đu đủ chín giúp nhuận tràng, dễ tiêu hóa, hoa đu đủ đực đặc trị ho. Lúc tôi còn bé bị ho, ngoại tôi hái hoa đu đủ đực chưng với đường phèn và vài trái quật (quất) rồi cho vào nồi cơm vừa cạn nước để hấp, sau đó cho tôi ăn và uống nước món chưng đó.

Chỉ cần uống hai, ba lần như thế, cơn ho của tôi biến mất. Củ đu đủ cũng được người dân tận dụng để chế biến các món ăn dân dã, nhớ đời. Tuy nhiên, ngoại tôi cho hay, cố gắng đào lấy phần củ gần với rễ ăn mới ngon, mới giòn, mới ngọt...

Miền Trung xứ Quảng quê tôi đất cày lên sỏi đá, ngày trước, vào những năm hạn hán, mùa màng thất bát, món ăn “cứu đói” chính trong gia đình là các loại củ như củ khoai, củ sắn... Bởi vậy, vùng Quế Sơn vẫn còn lưu truyền câu ca: “Tối ăn khoai đi ngủ, sáng ăn củ đi làm”.

Cho nên, những năm gặp bão lớn ập về, trong vườn có cây đu đủ ngã đổ, ngoại tôi tranh thủ chặt, đào “gốc củ” những cây đu đủ bị ngã đổ để dành chế biến các món ăn lạ miệng, vì món này cũng được liệt kê vào hàng “chống đói”. Dẫu gì, món ăn này cũng mang dòng họ “củ”. Và giờ đây, tôi có nguyên liệu đặc biệt để “kho” món ngoại bày tôi lúc sinh thời.

Tôi chế biến món ăn “là lạ” này như sau: Chặt lấy một đoạn gốc củ đu đủ khoảng 30 phân, sau đó, tôi dùng dao chẻ ra làm 8 phần, dùng dao gọt bỏ phần vỏ cứng bên ngoài và phần ruột bên trong. Xong xuôi, tôi rửa sạch sẽ và để ráo. Lõi củ đu đủ có màu trắng ngà, thoang thoảng mùi đu đủ.

Để mất mùi hăng hăng, tôi xắt mỏng một ít để ngâm với nước sôi để nguội, có thêm muối để làm món củ đu đủ muối chua, sau này làm nguyên liệu nấu canh chua với cá đồng. Số còn lại, tôi lùi trong tro un trấu đã vài ngày để hơi ấm của tro bếp hút hết mùi hăng, sau đó, lấy ra rửa sạch tro và xắt mỏng để kho với cá đồng ăn khá ngon. Đơn giản vậy thôi, mà cả nhà ai ăn qua cũng trầm trồ khen ngon và lạ.

Đặc biệt, tôi kho món cá thính với củ đu đủ, trông rất dân dã nhưng lại là “đặc sản” của các con tôi trong những ngày mưa gió. Tôi khử dầu phụng với củ nén cho thơm và cho cá thính, thịt heo ba chỉ vào soong um ít phút, rồi cho vào soong một ít nước sôi để nguội. Khi cá sôi lên, tôi cho củ đu đủ đã xắt vào kho rim nhỏ lửa. Trước khi nhắc xuống, nêm ớt, tiêu, mì chính, đường, rau thơm...

Món củ đu đủ sau khi kho với mắm thính ăn rất lạ miệng với độ “siêu giòn” đặc biệt như củ cải đường hòa quyện với hương vị cá thính; bao nhiêu cái thơm, ngon, béo, bùi đều thấm vào lát cổ hũ; cá thính thì có vị béo, thơm của dầu và củ nén phi; cay nhẹ của ớt chín và tiêu cùng với vị chua nhẹ của cá thính, các con tôi ăn với cơm nóng rất ngon lành mà chẳng cần “ngồi coi hướng”.

Giờ đây, nhìn đĩa củ đu đủ kho mắm thính, lòng tôi bồi hồi vô kể. Nhớ món củ đu đủ ngoại kho ngày trước thì ít, nhớ ngoại thì nhiều, hai nỗi nhớ cứ hòa quyện vào nhau đã đeo đẳng trong tôi suốt cả cuộc đời, nhất là khi mùa Đông về đầy trời, bão bùng mưa gió.

Tiên Sa

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn