Nhạc sĩ của “Hoa sóng ngàn năm”

HQVN -

Nhạc sĩ Trần Khánh Nam, Hội viên Hội văn học nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng, Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam được biết đến với nhiều ca khúc về quê hương đất nước, về sự hy sinh anh dũng của những người lính. Nguồn cảm hứng ấy luôn thôi thúc nhạc sĩ Trần Khánh Nam sáng tác những ca khúc có sức lay động lòng người…

Nhạc sĩ Trần Khánh Nam chia sẻ: Trong quá trình tham gia quy tập hài cốt liệt sĩ, tôi thức cảm có một loài hoa không cần đến ánh sáng mặt trời vẫn nở, nở bằng linh giác tri ân, ấy là “Hoa đất trắng”, chính là hài cốt chưa tìm thấy của các anh hùng liệt sĩ hóa thân. Tôi đã sử dụng cụm từ này đặt cho ca khúc cùng tên: “Hoa đất trắng nở cùng đất nước yêu thương. Hoa đất trắng nở cùng đất nước ngàn năm”. Sau “Hoa đất trắng” tôi trăn trở, tìm hiểu những tư liệu để sáng tác một ca khúc tưởng nhớ, tri ân cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, đó chính là “Hoa sóng ngàn năm”.

“Biển tự nhiên lặng gió, vòng hoa thả xuống Biển Đông/ Bồng bềnh mãi trên con sóng nhỏ/ Dù bão tố phong ba hoa bàng luôn nở về đêm như tâm hồn người lính đảo/ Như hóa thành ngàn hoa sóng, hoa sóng nở cùng biển xanh…”. Đó là một đoạn trong ca khúc “Hoa sóng ngàn năm” của nhạc sĩ Trần Khánh Nam phỏng từ bút ký của nhà văn Đỗ Tiến Thụy. Ca khúc được Nghệ sĩ ưu tú Vân Khánh và các ca sĩ Long Nhật, Hoàng Hải… thể hiện rất thành công.

Nhạc sĩ Trần Khánh Nam và các chiến sĩ Trường Sa

Theo nhạc sĩ, “Hoa sóng ngàn năm” được khởi tạo từ anh linh của những người lính biển đã nằm lại hóa thành cột mốc chủ quyền giữa ngàn khơi sóng, là sự tiếp nối chủ đề thể hiện tình cảm tri ân lớp lớp cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh vì nền hòa bình, độc lập của dân tộc. Các cụm từ trong ca khúc như “biển tự nhiên lặng gió” (trước giờ làm lễ tưởng niệm), “hoa bàng vuông nở về đêm” và “anh ở lại Biển Đông thành hoa sóng ngàn đời”…cho thấy những cảm nhận chân thực, sâu sắc của tác giả về huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa). Nhưng ít ai biết, nhạc sĩ Trần Khánh Nam sáng tác ca khúc này khi chưa từng được đến với Trường Sa. Chính ca khúc lại trở thành nhịp cầu nối, tạo cơ duyên đưa ông đến với Trường Sa và Nhà giàn DK1 sau này.

Nhạc sĩ Trần Khánh Nam cho biết: Trong cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật, báo chí về đề tài Hải quân giai đoạn 2016-2020, ca khúc “Hoa sóng ngàn năm” và ca khúc “Gửi người giữ đảo” của tôi được chọn in trong tuyển tập kỷ niệm 60 năm Đường Hồ Chí Minh trên biển. Để rồi hai năm liên tiếp 2022, 2023, tôi vinh dự được tham gia 2 đoàn công tác (do Quân chủng Hải quân tổ chức) ra thăm, thực tế tại huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Tôi đã trực tiếp hát “Hoa sóng ngàn năm” trong các hải trình ý nghĩa đó.

Cùng nhạc sĩ Trần Khánh Nam tham gia đoàn công tác số 6 năm 2023 đến thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1, chị Trần Thị Nga (thành viên đoàn Thành ủy Hà Nội) xúc động nói: Buổi tối sau thời gian đoàn làm lễ tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh tại vùng biển, đảo Cô Lin-Gạc Ma, chúng tôi được nghe chính nhạc sĩ Trần Khánh Nam thể hiện ca khúc “Hoa sóng ngàn năm”. Những giai điệu, ca từ trong ca khúc càng làm chúng tôi thấm thía những mất mát đau thương to lớn của dân tộc. Chúng tôi đều không kìm được nước mắt…

Nhạc sĩ Trần Khánh Nam tại Trường Sa

Trong suốt những hải trình thực tế ấy, nhạc sĩ Trần Khánh Nam đã gặp gỡ, trò chuyện, động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1; tận mắt cảm nhận vẻ đẹp, khí phách oai hùng của Trường Sa giữa mênh mông biển trời, sóng, gió… Điều đọng lại sâu sắc trong ông là trải nghiệm uống một ngụm nước nơi đảo chìm. Từ cảm nhận đó, ông đã viết một đoạn trong ca khúc mới “Muối mặn Trường Sa”: “Uống ngụm nước Trường Sa nơi đảo chìm có vị mặn mồ hôi. Ôi! Càng thêm mặn vì máu các anh đã hòa vào biển xanh, hình hài các anh đã nằm lại biển sâu…”.

Sau các hải trình, trở về đất liền, nhạc sĩ Trần Khánh Nam còn được mời đến nói chuyện về biển, đảo và những người lính nơi đầu sóng ngọn gió cho hàng ngàn học sinh các trường học trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Ông đã chia sẻ những cảm nhận, những câu chuyện xúc động trong hải trình của mình, để lại ấn tượng sâu sắc và sự xúc động nghẹn ngào trong thế hệ trẻ. Thầy cô, học sinh các trường sau khi được nghe nhạc sĩ nói chuyện về Trường Sa càng thêm hiểu và trân trọng những cống hiến, hy sinh của bao thế hệ đã và đang vượt qua khó khăn, thử thách, quyết tâm giữ vững chủ quyền của Tổ quốc.

Đến nay, nhạc sĩ Trần Khánh Nam đã có 4 sáng tác mới sâu sắc, ý nghĩa về Trường Sa, Nhà giàn DK1 và bộ đội Hải quân. “Các ý tưởng sáng tác mới về Trường Sa và những người lính đảo phải thật cẩn trọng vì những ngôn ngữ viết không thực tế có thể làm cho người đọc người, người nghe ở đất liền hiểu chưa hết về nơi biển đảo “có tiếng ghi ta bập bùng”. Không, ở đảo tiếng đàn rất khô khốc, không vang xa vì “nắng gió chênh vênh trên sóng nước” nhưng chứa đầy sức chịu đựng gian lao, sẵn sàng tay súng và cả nỗi nhớ đất liền” - Nhạc sĩ Trần Khánh Nam tâm sự.

Bài, ảnh: Hoàng Mai

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn