Nhà văn, dịch giả Hiệu Constant với Trường Sa

HQVN -

“Chỉ chục ngày thôi mà tôi như sống hàng chục cuộc đời với vô vàn những cảm xúc pha trộn. Từ háo hức phấn khích đến lặng lẽ trầm buồn, những nụ cười tươi và cả những giọt nước mắt…” Đó là cảm nhận của nhà văn, dịch giả Việt kiều Lê Thị Hiệu (bút danh Hiệu Constant, hiện đang sinh sống tại Pháp) về những ngày ra thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa và Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Tàu 491 đưa đoàn công tác số 10 đến thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Những ngày ấy, tôi thấy chị Hiệu Constant nhiệt tình phỏng vấn các đại biểu kiều bào, lúc lại vui vẻ trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ trên đảo, nhiều khi gặp chị đang say sưa viết bài trên boong tàu… Chị chia sẻ: Đó là một chuỗi ngày với những tình cảm khó tả, những niềm vui và những giọt nước mắt, là kỷ niệm tôi không bao giờ quên. Tôi đã cố gắng thật tĩnh tâm để cảm nhận được nhiều nhất những gì tôi chứng kiến. Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Hải quân; bà con ngư dân đang sinh sống trên huyện đảo, những em bé, những hàng cây… và cả những con sóng. Tôi đã cố gắng đi thật nhiều, đến thăm những luống rau xanh, vào các khu nhà bếp; gặp các bác sĩ trên đảo và cố gắng trò chuyện nhiều nhất có thể với cán bộ, chiến sĩ Hải quân. Tôi muốn tận mắt chứng kiến những gì hiện hữu trên đó, tôi muốn cảm nhận được những gì họ cảm nhận, tôi muốn ít nhiều hòa mình với cuộc sống của họ.

 Nhà văn, dịch giả Hiệu Constant trò chuyện với chiến sĩ đảo Sinh Tồn

Ngoài viết văn, chị còn là cộng tác viên của nhiều tờ báo trong nước và Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC. Cái máu “say nghề” cộng với một “tinh thần thép” làm gì cũng phải tới nơi tới chốn nên chị “lăn xả” vào công việc như một “phóng viên thứ thiệt”...

Chị chăm chú cảm nhận từng chi tiết xúc động trong lễ chào cờ trên đảo Song Tử Tây, giọng trang nghiêm của quân nhân khi đọc 10 lời thề, những giọt nước mắt lặng lẽ của đại biểu, những bước chân vững mạnh kiêu hùng trong đội hình duyệt đội ngũ; hình ảnh Tượng đài Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn trên đảo Song Tử Tây sừng sững, hiên ngang hướng ra biển và Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu trên đảo Trường Sa; những ngôi chùa với những hoành phi, câu đối đều được viết bằng tiếng Việt, theo chị, đây quả là một sự tinh tế của ai đã nghĩ ra điều ấy...

Chị ấn tượng khi thấy cán bộ, chiến sĩ trên các đảo Cô Lin, Tốc Tan, Đá Đông… đều còn rất trẻ nhưng khuôn mặt rám nắng và gió biển khiến ta nghĩ họ trưởng thành trước tuổi; những chậu nước sạch sắp đặt sẵn mời khách rửa tay, những vườn rau nhỏ tự tạo và những tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà...

Trong cả chuyến đi, chị cố gắng trò chuyện nhiều nhất có thể với các đại biểu kiều bào trở về từ các quốc gia, vùng lãnh thổ, tìm hiểu tâm tư, suy nghĩ, tình cảm của họ. Chị ghi lại sự năng động của các bạn trẻ đoàn Hàn Quốc, tình yêu nước nồng nàn của các đại biểu đoàn kiều bào Thái Lan; cảm nhận của các đại biểu kiều bào trở về từ Mỹ, Nga, Hung-ga-ri, Israel... Chị chia sẻ: Những con chữ cũng không giúp tôi lột tả hết những cảm xúc, những tình cảm mà các đại biểu dành cho dân tộc mình, đất nước mình và Bác Hồ kính yêu…

Để rồi chỉ vài ngày sau khi trở về đất liền, ký sự “Trường Sa-một lần là mãi mãi” dài trên 5.000 chữ của chị được đăng trọn trên hai trang của báo Văn nghệ và một số bài khác ngắn hơn được đăng trên các báo khác.

Nhà văn Tô Nhuận Vỹ chia sẻ: Tôi có cảm giác rằng mỗi ngày có 24 giờ thì hồn vía Hiệu đã dành cho quê nhà đến 20 giờ rồi. Trong hình dung của tôi, Hiệu là một con người khát khao khám phá, khát khao hiểu biết cuộc sống thật chính xác, chi li mà tai-mắt-mũi-da-bàn chân-bàn tay đều là những ăng ten chĩa ra mọi hướng, mọi phương trong đời sống để thu nhận những thông tin về đời sống văn hóa, lịch sử, con người ở quê hương. Chỉ riêng những thông tin đó đầy ắp trong từng trang viết, quá bổ ích cho người đọc...

Trở về Pháp, nhà văn, dịch giả Hiệu Constant đã tìm kiếm thêm những tư liệu, đọc thêm về lịch sử, chăm chú hơn khi đi dự các cuộc hội thảo về Biển Đông… Chị muốn thực hiện một cuốn sách ghi lại những tình cảm của bà con kiều bào xa xứ đối với đất nước, đối với Trường Sa.

Chị bày tỏ: Tôi hy vọng mình như một cánh nhạn đưa tin, chuyển những thông điệp về vẻ đẹp của biển, đảo Trường Sa; giới thiệu một Trường Sa anh dũng, kiên cường với những cán bộ, chiến sĩ Hải quân luôn sẵn sàng hi sinh hạnh phúc riêng, thậm chí cả sinh mạng vì sự bình yên và chủ quyền của dân tộc; từ đó góp phần lan tỏa tình yêu quê hương, tình yêu biển, đảo đến các bạn đọc Việt Nam cũng như trên toàn thế giới.

Bài, ảnh: Mai Liên

Nhà văn, dịch giả Việt kiều Lê Thị Hiệu sinh năm 1971 tại huyện Thường Tín, TP. Hà Nội. Chị là một nhịp cầu nối giữa nền văn học Pháp với độc giả Việt Nam với hơn 50 tác phẩm dịch và nhiều tiểu thuyết có giá trị. Một trong số đó là tự truyện “Làm dâu nước Pháp”, nằm trong series sách “Làm dâu xứ lạ” do Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành đã gây được tiếng vang lớn. Tác phẩm “100 năm tấm lòng hướng về Tổ quốc” của chị là 1 trong 50 tác phẩm được lựa chọn và trao giải báo chí viết về tấm gương "Dân vận khéo" năm 2019…

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn