Người mang hạnh phúc cho bệnh nhân nghèo

HQVN -

Sau 30 gắn bó với quân ngũ, khi trở về quê hương ông chọn nghề y cổ truyền để tiếp nối truyền thống gia đình, chữa bệnh cho hàng nghìn bệnh nhân trên khắp mọi miền Tổ quốc. Ông là Nguyễn Đình Sin, Trưởng ban liên lạc Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển tỉnh Nghệ An.

Chúng tôi tìm tới nhà riêng của lương y Nguyễn Đình Sin tại đường Viết Thuật, phường Hưng Lộc, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An. Ngôi nhà nằm sâu trong ngõ, không có biển hiệu quảng cáo nhưng vẫn luôn tấp nập người ra, vào. Hầu hết những bệnh nhân đến với ông đều là những người nghèo, bệnh nặng.

Từ quân y kiêm báo vụ tàu Không số

Nguyễn Đình Sin sinh ra trong một gia đình có truyền thống về y học cổ truyền. Từ nhỏ, ông đã được cha truyền dạy cho những bài thuốc quý để chữa bệnh cứu người. Năm 1962, ông thi đỗ vào trường thủy sản. Cùng với lớp thanh niên ngày đó, ông hăng hái viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc. Sau khi học xong lớp huấn luyện vô tuyến điện, ông được điều về Đoàn 125 (Lữ đoàn 125 ngày nay).

Trong 11 năm (1964-1975) ông đã đi trên nhiều con tàu, cùng đồng đội trực tiếp vận chuyển 7 chuyến hàng chở vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam.

Mỗi lần lên tàu nhận nhiệm vụ vượt biển, trong tâm tưởng của ông và các đồng đội đều xác định có thể không có ngày trở về. Với ý chí quyết tâm cao, trải qua nhiều trận chiến sinh tử, nhờ mưu trí, quả cảm, kiên cường, những chuyến tàu Không số của ông và đồng đội đã vượt qua bao gian khổ hiểm nguy, đối mặt với mưa bom, bão đạn của kẻ thù, vận chuyển hàng nghìn tấn vũ khí, khí tài, chi viện cho quân dân miền Nam đánh thắng Mỹ, ngụy.

- Nhiệm vụ của ông ở trên tàu là gì ạ? Tôi hỏi ông.

- “Nhiệm vụ thì nhiều, mỗi chiến sĩ phải kiêm từ 3-4 việc. Tôi lúc đó vừa là quân y, báo vụ, kiêm pháo thủ số 2, rồi cả công tác hậu cần, nói chung là anh em việc gì cũng phải biết”-ông Sin cho biết.

Nhấp ngụm trà nóng, ông Sin chậm rãi kể về những chuyến đi “vào sinh, ra tử” của mình.

Chuyến thứ 2 (tháng 12/1964) tàu của ông chở vũ khí vào chiến trường, vừa đến Hòn Khoai, tàu đang chuyển hướng thì bị 4 tàu của Mỹ, ngụy bao vây. Thuyền trưởng ra lệnh toàn tàu chuẩn bị SSCĐ khi có tình huống xấu nhất. Với tư duy và tính toán của mình, pháo thủ Nguyễn Đình Sin đã đề đạt ý kiến với thuyền trưởng đề nghị cử một số đồng chí lên boong khâu lưới, một số đồng chí ngồi uống nước trà đồng thời rọi đèn vào lá cờ mà mình đã ngụy trang cho chúng biết. Các thủy thủ còn lại giả vờ câu cá, đánh lưới để đánh lạc hướng địch. Sau 3 ngày vừa thả lưới, vừa câu cá, tàu của ta mới cắt được sự đeo bám của tàu địch, vận chuyển thành công 70 tấn hàng vào chiến trường.

Vẫn giọng “ăn sóng nói gió”, đậm chất lính, ông tiếp tục mạch ký ức của mình bằng những kỷ niệm, nhớ thương đồng đội. Ông kể: Năm 1967, tàu của ta đi trinh sát ở Khu 5, khi về đến Nam đảo Bạch Long Vĩ thì gặp máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc. Chúng thả bom làm một số đồng chí hy sinh và bị thương. Tôi được cấp trên điều động khẩn cấp đến cấp cứu thương binh. Chúng tôi vừa băng bó, cứu chữa người bị thương vừa làm thủ tục cho đồng đội hy sinh. Nhiều người tuổi đời còn rất trẻ, dù bị thương khá nặng nhưng vẫn muốn cầm súng chiến đấu… Nói đến đây, hai hàng nước mắt của ông tràn ra từ khóe mắt. Có lẽ, ông đang nhớ về đồng đội mãi mãi nằm lại giữa biển khơi...

Năm 1992, Nguyễn Đinh Sin về hưu với quân hàm Thiếu tá QNCN, ông mở phòng khám ở Hải Phòng. Trong thời gian này, ông đi học ở Hội Đông y Việt Nam để tích lũy thêm kiến thức. Năm 1995, ông trở về quê hương Nghệ An mở phòng khám. “Về quê với kiến thức về y học được tích lũy từ quân đội và qua các khóa đào tạo, nghiên cứu về Đông y, tôi mong muốn sẽ giúp được nhiều bệnh nhân nghèo. Đó vừa là nguồn vui lao động, vừa tích thêm thiện nghĩa với cuộc đời", lương y Sin nói.

Đến "vị cứu tinh" của người bệnh nghèo

Lương y Nguyễn Đình Sin bắt mạch, khám chữa bệnh cho người dân. Ảnh: CTV

Hơn 20 năm lao động tâm huyết, bằng kiến thức y học cổ truyền có được, lương y Nguyễn Đình Sin đã chữa bệnh cho gần 5 nghìn bệnh nhân trong đó có nhiều căn bệnh mà Tây y điều trị khó khăn như di chứng liệt; viêm đa khớp dạng thấp; thoái hóa đĩa đệm; gai, thoái hóa đốt sống; gút; viêm phế quản thể hen; viêm tắc động tĩnh mạch; bướu cổ; dị ứng... Đặc biệt những người mắc bệnh hiểm nghèo, trẻ em và đồng đội tàu Không số ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đều được ông chữa miễn phí.

Khi hỏi về bí quyết để chữa bệnh khớp, ông Sin chia sẻ: “Trước tiên muốn chữa được thì phải biết nguyên nhân dẫn đến bệnh là gì? Nếu nguyên nhân do hàn thấp, thủy nhiệt hoặc chế độ ăn uống không hợp lý thì chỉ cần uống thuốc Bắc là đỡ. Còn nguyên nhân do thoái hóa cột sống cổ, lưng hoặc thoái hóa ổ khớp dẫn đến viêm khớp thì phải kết hợp Đông-Tây y”.

Cách chữa bệnh của ông là sự kết hợp giữa Đông-Tây y và phương pháp xoa bóp, bấm huyệt, tác động cột sống để bệnh nhân nhanh chóng thoát khỏi cơn đau. Đối với bệnh nhân bị thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, ông yêu cầu bệnh nhân đi bệnh viện để chụp phim. Từ kết quả chụp phim cộng với bắt mạch ông mới đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Một tháng 15 lần ông thực hiện phương pháp xoa bóp, bấm huyệt, thủy châm cho bệnh nhân.

 “Tôi bị bệnh khớp đã lâu, không thể đi lại được, gia đình đã đưa tôi khám ở nhiều bệnh viện nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Nghe người quen giới thiệu, tôi đã tìm đến nhà lương y Nguyễn Đình Sin để chữa trị. Sau 3 tháng trị bệnh, tôi đã đỡ nhiều. Hiện tại, tôi đã trở lại với công việc giảng dạy như bình thường”-chị Nguyễn Thị Tuyết, giáo viên ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ.

Còn chị Nguyễn Thị Tý, quê ở huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa không giấu nổi niềm vui: "Tôi mắc bệnh khớp đã 18 năm, chữa nhiều nơi nhưng vẫn chưa đỡ và tốn rất nhiều tiền. Khi có người giới thiệu cho tôi về lương y Nguyễn Đình Sin tôi tìm đến với mong muốn bệnh tình được cải thiện. Chỉ chữa trị 2 tháng bệnh của tôi tiến triển rất tốt. Điều mà gia đình tôi cảm động nhất là biết hoàn cảnh của tôi khó khăn nên bác Sin chữa miễn phí”.

Với những bệnh nhân ở xa đến điều trị, ông Sin thường liên hệ những phòng trọ ít tiền để giảm chi phí cho bệnh nhân. Những bệnh nhân mắc bệnh nặng cần phải theo dõi thường xuyên, ông cho ở hẳn trong nhà của mình. Đối với bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ông miễn phí hoàn toàn. Ông quan niệm rằng: “Chữa bệnh miễn phí cho những bệnh nhân nghèo là để tích phước cho con cháu”.

Với sự cống hiến cho nghề chữa bệnh, cứu người, lương y Nguyễn Đình Sin đã được Trung ương Hội Đông y Việt Nam và tỉnh Nghệ An tặng nhiều bằng khen, kỷ niệm chương. Nhưng điều làm ông hạnh phúc nhất chính là những bệnh nhân được ông cứu chữa luôn nhớ đến mình. Mỗi dịp lễ tết, họ đều gọi điện chúc mừng, với ông đó là món quà vô giá mà cuộc sống ban tặng.

Hoàng Việt

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn