Nghệ thuật bảo đảm hậu cần cho Chiến dịch Điện Biên Phủ

Điện Biên Phủ là chiến dịch lớn, diễn ra trong thời gian dài. Do đó, công tác bảo đảm hậu cần phục vụ chiến trường là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt. Tháng 7/1953, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận Trung ương với nhiệm vụ chỉ đạo các cấp, các ngành ở Trung ương và địa phương huy động sức người, sức của bảo đảm hậu cần cho chiến trường.

Phát huy sức mạnh tổng hợp trong bảo đảm hậu cần

Theo phương châm tác chiến ban đầu, dự kiến nhu cầu vật chất bảo đảm cho Chiến dịch Điện Biên Phủ là 434 tấn đạn, 7.730 tấn gạo, 465 tấn thực phẩm khô, hàng trăm tấn muối... Nhưng sau khi chuyển sang phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, tổng số đạn cần cho chiến dịch tăng gần 3,5 lần, gạo tăng gần 2 lần. Chỉ tính riêng về lương thực, bình quân chiến dịch phải sử dụng khoảng 90 tấn mỗi ngày để bảo đảm cho các lực lượng từ Sơn La trở vào, đồng thời tại Điện Biên Phủ phải có khoảng 50 tấn.

Để chuyển lượng lương thực, thực phẩm này tới các trận địa mỗi ngày cần hơn 3.000 dân công hỏa tuyến. Mặt khác, việc cung cấp tiếp tế lại phải giải quyết trong điều kiện chiến trường cách xa hậu phương 600km; địa hình rừng núi hiểm trở, đường vận tải cơ giới hư hỏng, đường thủy không thuận lợi, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, dân cư thưa thớt, kinh tế nghèo nàn, lạc hậu. Trong khi đó, địch tập trung đánh phá ác liệt trên các tuyến trọng điểm ngăn ta chi viện từ hậu phương lên chiến trường Điện Biên Phủ.

Do đó, công tác bảo đảm hậu cần là nhiệm vụ hết sức nặng nề. Hội đồng cung cấp mặt trận các cấp đã kết hợp với các tổ chức kinh tế, tài chính nhà nước chi viện ngày càng nhiều và kịp thời nhân lực, vật lực cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Cuộc vận động nhân dân chi viện cho tiền tuyến do Hội đồng cung cấp mặt trận tiến hành lớn chưa từng có, huy động sức người, sức của ở cả vùng địch tạm chiếm và vùng tự do Bắc Khu 4, Việt Bắc và Tây Bắc. Theo đó, tuyến hậu phương do Hội đồng cung cấp mặt trận Trung ương và Hội đồng cung cấp mặt trận Liên khu Việt Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4 và Tổng cục Cung cấp ở hậu phương đảm nhiệm. Tuyến tiền phương do Hội đồng cung cấp mặt trận Liên khu Tây Bắc cùng Tổng cục Cung cấp ở tiền phương đảm nhiệm.

Hội đồng cung cấp mặt trận các cấp cùng các lực lượng bảo đảm hậu cần đã huy động hơn 260.000 dân công, hơn 20.000 xe đạp thồ, 17.000 ngựa thồ, hơn 11.800 thuyền, bè mảng và 628 xe ô tô phục vụ vận chuyển hàng hóa, vũ khí, đạn dược cho chiến dịch. Tổng khối lượng vật chất bảo đảm lên tới 20.000 tấn... Với sự góp sức của Hội đồng cung cấp mặt trận các cấp, công tác hậu cần đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm cho Chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi hoàn toàn.

Nghệ thuật bảo đảm hậu cần cho Chiến dịch Điện Biên Phủ

Lực lượng dân công vận chuyển lương thực ra mặt trận Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Chú trọng nguồn lực tại chỗ 

Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra trên địa bàn xa hậu phương chiến lược. Mặt khác, địa bàn khu vực Điện Biên Phủ có nhiều rừng núi và sông suối chia cắt, giao thông vận tải kém phát triển, khí hậu thời tiết khắc nghiệt. Ngoài ra, địch thường xuyên đánh phá các tuyến vận tải nên công tác hậu cần gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, việc tổ chức bảo đảm hậu cần tại chỗ là biện pháp rất quan trọng, tạo điều kiện cho hậu phương tập trung vào những nội dung mà hậu cần tại chỗ chưa đủ sức giải quyết.

Hội đồng cung cấp mặt trận đã huy động lực lượng dân công, phương tiện, lương thực, thực phẩm lớn từ đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Trên cơ sở động viên và tổ chức toàn dân làm công tác bảo đảm hậu cần cho chiến dịch, Hội đồng cung cấp mặt trận đã kết hợp chặt chẽ khả năng bảo đảm hậu cần tại chỗ với hậu cần Trung ương, tạo sức mạnh tổng hợp trong tổ chức bảo đảm hậu cần cho lực lượng vũ trang, bảo đảm kịp thời, chủ động, đầy đủ trên các địa bàn tác chiến của chiến dịch. Riêng đồng bào tỉnh Lai Châu đã đóng góp cho chiến dịch 2.666 tấn gạo, 226 tấn thịt, 210 tấn rau xanh, 348 ngựa thồ...; nhân dân tỉnh Sơn La đã đóng góp hơn 3.600 tấn gạo, 130 tấn thịt lợn, hàng chục tấn thịt trâu, bò, huy động hơn 1 triệu ngày công và nhiều lừa, ngựa thồ, thuyền mảng, các vật liệu làm đường, chống lầy, dựng cầu vượt qua sông suối.

Phát triển sáng tạo tổ chức Hội đồng cung cấp mặt trận bảo đảm cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ta tổ chức nhiều mô hình tương tự như: Ban cung cấp quốc phòng, Ban điều hòa giao thông ở các tỉnh trọng điểm Khu 4; Hội đồng cung cấp tiền phương từ miền xuống khu, tỉnh ở miền Nam; Hội đồng chi viện tiền tuyến Trung ương; Hội đồng chi viện miền Nam... qua đó động viên, huy động cho từng chiến dịch, từng mặt trận để khai thác hiệu quả nguồn nhân lực, vật lực bảo đảm kịp thời cho kháng chiến thắng lợi. Các mô hình độc đáo, sáng tạo này vẫn còn nguyên giá trị, cần được vận dụng và phát triển phù hợp với điều kiện thực tế.

Theo QĐND điện tử


Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn