Ngành Kỹ thuật Hải quân: Dấu ấn về làm chủ chuyên sâu VKTBKT hiện đại

HQVN -

Khi những quả tên lửa từ các xe bệ phóng hay từ lòng biển vút lên trời cao rồi bổ nhào chính xác vào mục tiêu trong niềm hân hoan của bao người, cũng là lúc những người thợ lính kỹ thuạt Hải quân thở phào nhẹ nhõm, phấn khởi mừng vui. Đó là những thành quả của bao tháng ngày miệt mài huấn luyện, làm chủ chuyên sâu, khẳng định chất lượng của công tác bảo đảm kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ SSCĐ trong mọi tình huống.

Miệt mài, tự tin, chuyên nghiệp

Trong chuyến công tác cùng Tàu 015-Trần Hưng Đạo huấn luyện trên biển xa, dài ngày mới đây, khi chứng kiến cường độ huấn luyện của cán bộ, thủy thủ trên tàu một phóng viên VTV bày tỏ: “Sức khỏe, sự thuần thục và khả năng chịu áp lực của các thủy thủ tàu hộ vệ quá tốt, dù liên tục xử trí tình huống nhưng anh em đều rất bình tĩnh, tự tin, thể hiện sự chuyên sâu, chuyên nghiệp...”.

Nhiều năm liên tục đều có các chuyến đi biển dài ngày cùng các biên đội tàu hộ vệ tên lửa Lữ đoàn 162, người viết bài này càng thấm thía sự khổ luyện của cán bộ, thủy thủ đơn vị để có được kết quả huấn luyện làm chủ vững chắc và chuyên sâu như ngày hôm nay. Chỉ trong một buổi sáng khi tàu xuất bến, chỉ huy Tàu 015 đã luyện tập gần như đầy đủ các tình huống mà tàu có thể gặp phải khi làm nhiệm vụ trên biển như chống cháy, chống chìm, SSCĐ phòng không, khi địch sử dụng vũ khí công nghệ cao, chế áp điện tử mạnh, các tình huống khi gặp cướp biển...

Cán bộ, thủy thủ Tàu 015-Trần Hưng Đạo huấn luyện làm chủ VKTBKT

Trung tá Phạm Văn Sơn, Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 162 cho biết: Để huấn luyện làm chủ đạt kết quả tốt, nhất là làm chủ vững chắc, chuyên sâu, hàng năm đơn vị đã phân chia các nhóm đối tượng để huấn luyện, tập trung vào những đối tượng cần huấn luyện thực sự chuyên sâu, vững chắc; phát huy tốt vai trò của đội ngũ nghiệp vụ trưởng. Đây là người xây dựng nội dung chương trình huấn luyện theo chuyên ngành, xây dựng và thẩm định ngân hàng giáo án chuyên ngành, soạn thảo câu hỏi và đáp án trong kiểm tra đánh giá kết quả huấn luyện theo chuyên ngành phụ trách. 

Để huấn luyện thuần thục, vững chắc cho bộ đội trong khai thác, làm chủ VKTBKT, Lữ đoàn duy trì nghiêm nền nếp huấn luyện trên hệ thống mô phỏng hiện đại cả về kỹ năng vận hành đến xử trí tình huống tác chiến sát thực tế chiến đấu như khi huấn luyện trên tàu. Lữ đoàn còn chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ bằng các hình thức như bài tập nhóm, hội báo chiến thuật, luyện tập tại vị trí chỉ huy để nâng cao năng lực, trình độ, tác phong chỉ huy, thành thạo về kỹ chiến thuật, tổ chức, phương pháp huấn luyện.

Trong chuyến huấn luyện trên biển xa vừa qua dù các tình huống SSCĐ mà thủ trưởng Bộ Tư lệnh đưa ra có những yêu cầu cao, sát thực tế chiến đấu, đòi hỏi công tác chỉ huy, hiệp đồng, làm chủ VKTB phải thuần thực nhưng từ thuyền trưởng đến các vị trí trên tàu 015, 016 đều xử trí bình tĩnh, chuẩn xác, thể hiện khả năng làm chủ vững chắc, chuyên sâu của cán bộ, chiến sĩ đơn vị.

Thuyền trưởng 015 cho biết: Có được kết quả trên, chúng tôi xác định mỗi vị trí chiến đấu trên tàu đều là một mắt xích từ xác định và truyền thông số mục tiêu về máy tính trung tâm chỉ huy để thuyền trưởng lựa chọn mục tiêu, phương án sử dụng vũ khí cũng như hiệp đồng cùng đơn vị bạn để tiêu diệt chính xác mục tiêu. Từ đó đơn vị tập trung huấn luyện để mỗi vị trí bảo đảm định mức thời gian từ khi nhận lệnh đến thời điểm đưa VKTB về trạng thái chiến đấu, hiệp đồng chiến đấu toàn tàu phù hợp với mức độ làm chủ chuyên sâu đối với từng nhóm đối tượng.

Dấu ấn ở “chiến trường” biển, đảo

Ngày N, dù thời tiết tại vùng biển diễn ra bắn đạn thật không thuận lợi, trời mưa, có mây mù, sóng gió cấp 5, cấp 6. Các lực lượng tham gia thực binh không khỏi hồi hộp, căng thẳng bởi thời tiết xấu ảnh hưởng rất lớn đến kết quả bắn. Đối với lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật, trời mưa, thời tiết ẩm ướt cũng một “bài toán khó” để VKTBKT bảo đảm hệ số kỹ thuật. Thượng tá Nguyễn Văn Dương, Trưởng phòng Quân khí Hải quân chia sẻ: So với lần bắn 2017, đến nay trình độ làm chủ VKTBKT chuyên sâu của bộ đội được nâng lên một bước, nhất là lực lượng được biên chế VKTB hiện đại. Mặc dù không có chuyên gia hỗ trợ nhưng anh em đều tin tưởng vào khả năng làm chủ của mình. Lần này các loại đạn cũng được chuẩn bị chu đáo, có cả phương án dự phòng, dự bị nên chúng tôi tin đợt bắn này sẽ thành công. Điều vững tâm nhất là nhờ làm chủ chuyên sâu nên những sự cố, hỏng hóc nhỏ trước đây phải nhờ chuyên gia đến kiểm tra, khắc phục thì nay cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị sửa chữa, khắc phục rất tốt như pháo AK-176 m, AK-630 m, tổ hợp Palma, kể cả tên lửa của tàu ngầm, trang bị ở xe bệ anh em đều sửa chữa, khắc phục rất tốt.

Đại tá Đỗ Quốc Ân, Chủ nhiệm Kỹ thuật Hải quân kiểm tra VKTBKT trước giờ huấn luyện, SSCĐ ở đảo Phan Vình

Đúng như dự đoán và mong chờ của nhiều người, lần lượt các vị trí bắn từ xe bệ đến tàu ngầm rồi tàu mặt nước đều khai hỏa thành công. Những quả tên lửa rời bệ phóng, rẽ mây mù vút lên trời cao rồi nhằm thẳng vào mục tiêu rất chính xác trong niềm hân hoan của bao người. Đó là kết quả của bao ngày luyện tập nghiêm túc, miệt mài các lực lượng. Nhiều đơn vị, trong đó có các phân đội bảo đảm kỹ thuật liên tục bám thao trường, gần như không có ngày nghỉ. Đó là dấu ấn của Ngành kỹ thuật Hải quân trong bảo đảm hệ số kỹ thuật cho các VKTBKT, nhất là VKTB mới trong huấn luyện làm chủ chuyên sâu đã thực sự vững chắc.

Đại tá Ngô Văn Thành, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Cục Kỹ thuật khẳng định: Nghị quyết của Đảng ủy Quân chủng năm vừa qua đánh giá “Huấn luyện chuyên sâu, làm chủ VKTBKT và chuyển giao công nghệ có bước đột phá...” đây là niềm động viên, khích lệ rất lớn đối với cán bộ, nhân viên Ngành kỹ thuật Hải quân, mặc dù trong quá trình khai thác làm chủ vẫn còn những mặt hạn chế cần phải khắc phục trong thời gian tới. Thành quả trên còn là kết quả của CVĐ 50 được triển khai toàn diện trên cả 4 mục tiêu, góp phần nâng cao nhận thức và hành động của cán bộ, chiến sĩ về ý thức giữ gìn, bảo quản, khai thác VKTBKT hiệu quả, tiết kiệm.

Thời gian tới, bên cạnh đổi mới phương thức bảo đảm kỹ thuật cho VKTBKT mới, hiện đại, nhất là trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao, hủy diệt lớn, chiến trường bị phong tỏa, Ngành kỹ thuật Hải quân tiếp tục chỉ đạo công tác bảo đảm kỹ thuật theo hướng “Chủ động, độc lập, kịp thời, đồng bộ, vững chắc...”; ưu tiên thực hiện các nội dung đột phá về công tác kỹ thuật; nâng cao tính tự chủ trong bảo đảm kỹ thuật; tiếp tục nâng cao chất lượng huấn luyện kỹ thuật, bảo đảm làm chủ chuyên sâu, thực sự vững chắc để khai thác tối ưu tính năng các loại VKTBKT mới, hiện đại, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân chủng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Làm chủ chuyên sâu và câu chuyện... an toàn

Làm chủ chuyên sâu và thực hiện qui tắc an toàn là một trong những nội dung đột phá mà Quân chủng và Ngành kỹ thuật Hải quân quan tâm chỉ đạo thực hiện trong những năm gần đây. Dù đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, nhất là gắn làm chủ chuyên sâu với thực hiện qui tắc an toàn trong khai thác, sử dụng VKTBKT.

Đầu xuân 2016, lần đầu tiên tàu hộ vệ tên lửa có hải trình xa nhất và đi đơn tàu (hơn 5000 hải lý) vượt qua đường xích đạo, đó là chuyến thăm, dự lễ duyệt binh tàu tại Ấn Độ. Vào buổi tối khi tàu bắt đầu vượt qua Vịnh Bengal có diện tích 2,1 triệu km2 thì không may một bộ phận kỹ thuật của động cơ Diezel gặp trục trặc thế là tàu phải chuyển sang chạy chế độ tuốc bin, dù biết là chạy chế độ này sẽ khó tiết kiệm nhiên liệu, trong khi tàu phải hơn 3 ngày, 4 đêm nữa mới tới nước bạn, tết cũng đã cận kề. Vì thế lãnh đạo đoàn công tác cũng như cán bộ, thủy tàu tàu không khỏi lo lắng bởi hải trình còn xa, thời tiết không thuận lợi, trong khi do phải chạy tuốc bin liên tục nên lượng dầu dự trữ không còn nhiều. Có những đêm Trưởng đoàn công tác gần như thức trắng. Với quyết tâm đến được nước bạn theo kế hoạch, sau nhiều ngày đêm miệt mài sửa chữa cuối cùng cán bộ, thủy thủ trên tàu cũng khắc phục được sự cố trong niềm vui của cả đoàn công tác. Đây có lẽ là bài học mà mỗi một cán bộ, thủy thủ ở Lữ đoàn 162 sẽ còn nhớ mãi, nhất là trong việc khắc phục sự cố về kỹ thuật trong các chuyến hải trình trên biển xa.

Kiểm tra vũ khí trang bị trước giờ huấn luyện ở Lữ đoàn 681, Vùng 2

Cũng trong chuyến công tác này, đúng vào đêm 30 Tết, sau khi tác nghiệp ở lễ duyệt binh về tàu đón giao thừa, một phóng viên suýt rơi xuống biển, lý do là thang dây (làm bằng các sợi dây thừng) của tàu bị tuột do hai thủy thủ giữ hai đầu dây sơ ý nên để lỏng tay và thang dây trôi tự do. Sau sự cố suýt mất an toàn này, Vùng 4 đã chỉ đạo thay toàn bộ thang dây bằng thang sắt (có tham khảo các mẫu thang lên xuống mạn tàu của các nước) có móc vào thành tàu rất chắc chắn. Về sau các thang sắt được Lữ đoàn 162 quấn thêm dây thừng để tăng khả khả năng ma sát, hạn chế trơn trợt, rất thuận lợi khi lên xuống ở mạn tàu.

Hai câu chuyện nêu trên là một trong nhiều câu chuyện, bài học về làm chủ chuyên sâu gắn với thực hiện qui tắc an toàn khi thực hiện nhiệm vụ trên biển. Điều cần nhất vẫn công tác quán triệt và hơn hết ý thức tuân thủ các qui tắc, qui định, tránh làm tắt, làm ẩu để xảy ra mất an toàn đáng tiếc.

               Bài, ảnh: Trọng Thiết

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn