Ngành công tác cán bộ Quân đội-75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành (28/2/1947-28/2/2022): Thời kỳ từ 1975 đến nay

HQ Online -

Bước vào thời kỳ mới - thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN theo đường lối đổi mới của Đảng, Quân đội có hai nhiệm vụ chính trị lớn là: Xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại; SSCĐ và chiến đấu thắng lợi, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam đồng thời tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước.

Thời kỳ này Cục Cán bộ về trực thuộc Bộ Quốc phòng theo Quyết định số 272/QĐ-QP, ngày 26/4/1980 của Bộ Quốc phòng; đến năm 1984 Cục Cán bộ chính trị - Tổng cục Chính trị được thành lập để quản lý cán bộ chính trị toàn quân; đến năm 1986 được sáp nhập vào Cục Cán bộ - Bộ Quốc phòng và đến năm 1987 chuyển về trực thuộc Tổng cục Chính trị cho đến nay.

Các thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Cục Cán bộ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; bám sát đường lối, nhiệm vụ chính trị, quân sự của Đảng, Quân đội trong thời kỳ đổi mới, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Giai đoạn 1975-1991

Đây là giai đoạn Quân đội vừa xây dựng vừa phải tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, đồng thời làm nghĩa vụ quốc tế giúp cách mạng Cam-pu-chia đánh đổ chế độ Pôn-pốt, cứu đất nước Chùa Tháp khỏi họa diệt chủng, từng bước hồi sinh.

Ngay khi đất nước hoàn toàn độc lập, thống nhất, thực hiện chủ trương của Đảng, Quân đội phải giảm quân số lớn, trong khi chưa chuẩn bị tốt về chính sách. Từ năm 1978, trước yêu cầu mới của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, quân số lại tăng đột ngột, sau đó từ năm 1986 lại phải thực hiện chủ trương giảm mạnh quân số; công tác cán bộ gặp nhiều khó khăn, phức tạp.

Mặc dù tình hình nhiệm vụ và yêu cầu xây dựng Quân đội có nhiều chuyển biến lớn, liên tục; song Cục Cán bộ đã chủ động làm tốt công tác tham mưu cho Tổng cục Chính trị, giúp Đảng uỷ Quân sự Trung ương (nay là Quân uỷ Trung ương), Bộ Quốc phòng, ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quyết định, hướng dẫn... về công tác cán bộ.

Cục đã tham mưu tiến hành quy hoạch tổng thể đội ngũ cán bộ và xây dựng các kế hoạch 5 năm (1976-1980) nhằm giải quyết vấn đề cán bộ sau chiến tranh, kiện toàn số lượng và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ theo yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Năm 1979 Quân ủy Trung ương ban hành Nghị quyết về quy hoạch đội ngũ cán bộ 15-20 năm (1979-1995); Nghị quyết công tác cán bộ 5 năm (1981-1985); Nghị quyết 246/ĐUQSTƯ năm 1988 về quy hoạch, sắp xếp cán bộ chủ trì đến năm 1995 và chuẩn bị cán bộ cho năm 2000 nhằm chuẩn bị và thực hiện tốt bước chuyển giao các thế hệ cán bộ, hình thành thế hệ cán bộ mới.

Cục Cán bộ nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất (năm 2017). Ảnh: Mạnh Thắng

Thực hiện nghiêm túc chủ trương, nghị quyết của Đảng và Quân ủy Trung ương, cơ quan cán bộ các cấp trong toàn quân đã tham mưu giúp cấp ủy đơn vị lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện tốt việc đáp ứng cán bộ cho các nhiệm vụ. Giải quyết đủ cán bộ cho các đơn vị trọng điểm, địa bàn trọng yếu; nhất là đáp ứng nhu cầu cán bộ rất gấp với số lượng lớn cho chiến trường biên giới Tây Nam (4/1977), biên giới phía Bắc (2/1979) và làm nghĩa vụ quốc tế. Trong 5 năm (1976-1980), đội ngũ cán bộ được bổ sung gần 17 vạn, đảm bảo số lượng và chất lượng theo yêu cầu nhiệm vụ.

Về công tác chính sách cán bộ, Cục Cán bộ đã đề xuất triển khai thực hiện nhiều chủ trương, biện pháp có hiệu quả, phục vụ yêu cầu chấn chỉnh tổ chức lực lượng, giảm quân số. Ngày 9/5/1986, Thường vụ QUân ủy Trung ương ra Nghị quyết 47/ĐU-QS về việc thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ cao cấp nghỉ hưu và cán bộ dư biên chế. Trong 5 năm (1986-1991) chuyển ra được 16 vạn cán bộ, bảo đảm các chế độ chính sách có lý, có tình, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao, giữ ổn định và chất lượng đội ngũ cán bộ.

Các đơn vị toàn quân đã huy động các nguồn lực từ lao động sản xuất, hỗ trợ vật liệu, tiền trợ cấp cho cán bộ làm nhà ở, trợ cấp khó khăn, hỗ trợ giải quyết đồ dùng sinh hoạt... cho các đối tượng để góp phần ổn định cuộc sống ban đầu; đầu tư xây dựng, cải tạo căn hộ, giao đất cho cán bộ để tự làm nhà ở; tổ chức cho nhiều cán bộ đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài; đồng thời giữ gìn được đội ngũ cán bộ có chất lượng tốt, được rèn luyện thử thách trong chiến đấu...

Giai đoạn từ 1991 đến nay

Bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc có sự phát triển mới, đặt ra yêu cầu xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng, tạo tiền đề vững chắc để phấn đấu từ năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại. Nhiệm vụ trọng tâm công tác cán bộ được đề ra phù hợp với từng nhiệm kỳ. Nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định là: Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội, nhất là cấp chiến dịch, chiến lược có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với Nhân dân và chế độ XHCN; có phẩm chất đạo đức trong sáng, ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm; kiến thức năng lực toàn diện, tín nhiệm, sức khỏe, độ tuổi phù hợp; có số lượng và cơ cấu hợp lý, chất lượng cao, bảo đảm sự chuyển tiếp vững chắc giữa các thế hệ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội thời kỳ mới.

Quán triệt đường lối, quan điểm, chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ, Cục Cán bộ đã tích cực nghiên cứu, đề xuất với Tổng cục Chính trị tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ban hành các nghị quyết, chỉ thị và văn bản quy định, hướng dẫn về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ; chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan cán bộ các cấp tham mưu giúp cấp ủy, chỉ huy tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, nổi bật là:

Cục đã nghiên cứu, tham gia nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quan trọng về công tác cán bộ như: Chủ trì phối hợp soạn thảo, trình Quốc hội ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (1991), Luật Sĩ quan mới (1999), Luật Sĩ quan sửa đổi, bổ sung năm 2008 và năm 2014... cùng nhiều văn bản khác

Những văn bản trên đã thể chế hoá được đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về những vấn đề cơ bản của công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ trong Quân đội thời kỳ mới, thể hiện sự đột phá đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng thời kỳ CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.

Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Hải quân chúc mừng 75 năm Ngày truyền thống Ngành công tác cán bộ Quân đội. Ảnh: Đức Tuấn

Ngành công tác cán bộ Quân đội tập trung tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai đồng bộ các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ, bảo đảm đủ về số lượng, từng bước nâng cao chất lượng, cải thiện cơ cấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; qua đó đã từng bước khắc phục số thiếu cán bộ phân đội; giữ ổn định cán bộ cơ sở ở các đơn vị đủ quân làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, các đơn vị được trang bị hiện đại, đơn vị ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn, gian khổ.... Hiện nay, số lượng cán bộ của các đơn vị cơ bản đủ theo nhu cầu biên chế, có cơ cấu hợp lý, chất lượng được nâng lên, đảm bảo hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Các đơn vị xây dựng quy hoạch, nhận xét, đánh giá, điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, phong, thăng quân hàm sĩ quan, nâng lương cán bộ và chuyển cán bộ ra ngoài Quân đội chặt chẽ, đúng nguyên tắc, quy trình, thẩm quyền, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong toàn quân. Quy hoạch cán bộ chỉ huy, quản lý gắn với đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển và kiện toàn cấp ủy, chỉ huy, chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng các cấp, đại hội đảng toàn quốc và tham gia đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp, phù hợp với yêu cầu về cơ cấu, số lượng và tiêu chuẩn của từng nhiệm kỳ. Hằng năm tham mưu điều động, bổ nhiệm hàng vạn cán bộ, góp phần đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ và xây dựng đơn vị.

Ngành đã thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ theo yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Nghị quyết 93/ĐUQSTW (6/1994) của Quân ủy Trung ương đã khơi dậy phong trào học tập của cán bộ toàn quân, đến nay tất cả các học viện, trường sĩ quan trong Quân đội đã được công nhận đào tạo bậc đại học, nhiều học viện, nhà trường, cơ sở nghiên cứu, bệnh viện tuyến chiến lược được đào tạo sau đại học; chủ động đề xuất tuyển sinh đào tạo văn bằng đại học thứ 2 về quân sự, chính trị từ hạ sĩ quan-binh sĩ tại ngũ, thu hút được nguồn nhân lực có chất lượng, tiết kiệm ngân sách đào tạo, giải quyết nhanh số thiếu chính trị viên phó đại đội và trung đội trưởng, góp phần giải quyết số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các đơn vị...

Sau khi chế độ XHCN ở Liên xô và các nước Đông Âu tan rã, đã tác động sâu sắc đến đất nước và Quân đội ta, nhất là không còn viện trợ về việc đào tạo cán bộ. Trước tình hình trên, Cục Cán bộ đã tham mưu Tổng cục Chính trị đề xuất với Quân ủy Trung ương ban hành Chỉ thị số 269/CT-ĐUQSTƯ ngày 31/12/1999 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quân đội ở nước ngoài, nhằm chuyển hướng đào tạo cán bộ quân đội từ cơ chế bao cấp sang thuê đào tạo bằng ngân sách đặc biệt theo yêu cầu sử dụng của ta, trọng tâm là cán bộ thiết kế, chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật; đặc biệt từ khi có Nghị quyết 618-NQ/ĐU đến nay, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở nước ngoài đã có những bước đột phá mạnh mẽ, phát triển cả về quy mô, đối tác và phương thức đào tạo, số lượng và chất lượng ngày càng cao.

Ngành chủ động đề xuất và phối hợp với các cơ quan chức năng giúp Tổng cục Chính trị tham mưu Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ban hành, triển khai thực hiện các chế độ chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội; chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện tốt các chế độ, chính sách cán bộ hiện hành; nghiên cứu đề xuất và tham gia đề xuất ban hành, sửa đổi, bổ sung chế độ tiền lương, trợ cấp, phụ cấp đặc thù quân sự đối với lực lượng làm nhiệm vụ đặc biệt, lực lượng thuộc địa bàn vùng sâu, vùng xa biên giới, biển đảo, khu vực khó khăn; chế độ an điều dưỡng, chế độ nghỉ của sĩ quan, chính sách nhà ở góp phần nâng cao đời sống vật chất, ổn định hậu phương để cán bộ yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ. 

Trong những năm qua, Cục Cán bộ đã không ngừng phấn đấu xây dựng cơ quan Cục ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới. Đảng ủy, chỉ huy Cục Cán bộ luôn đề cao sự đoàn kết, giữ vững nguyên tắc, kỷ cương, xây dựng Cục Cán bộ VMTD “mẫu mực, tiêu biểu”, Đảng bộ TSVM tiêu biểu nhiều năm liên tục; giữ vững và nâng cao tỷ lệ đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ, không có đảng viên vi phạm kỷ luật. Thường xuyên bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, trau dồi phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức trách nhiệm, vai trò nêu gương và năng lực nghiệp vụ của người làm công tác cán bộ. Đến nay 100% cán bộ cơ quan Cục Cán bộ có trình độ đại học trở lên (trong đó 19,2% có trình độ sau đại học).

Cục Cán bộ phối hợp với cấp ủy đơn vị nắm, quản lý chặt chẽ cán bộ chủ trì ngành; chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ công tác cán bộ, rèn luyện phương pháp, tác phong công tác, phẩm chất đạo đức, trình độ kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ, tính nguyên tắc trong thực hiện nhiệm vụ cho đội ngũ cán bộ. Hằng năm tổ chức tập huấn bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ; đội ngũ cán bộ ngành thường xuyên được kiện toàn đủ về số lượng, chất lượng ngày càng cao, nhiều đồng chí trưởng thành, phát triển đảm nhiệm các cương vị, trọng trách ở bộ, ngành Trung ương, các cơ quan, đơn vị trong Quân đội và địa phương.

HQVN

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn