Ngẫm về hình tượng con chó trong truyện ngắn Nam Cao
HQVN -
Nam Cao (1915-1951), tên thật là Trần Hữu Tri, quê ở làng Đại Hoàng, huyện Lí Nhân, tỉnh Hà Nam. Ông được đánh giá là nhà văn hiện thực xuất sắc trước cách mạng, là bậc thầy của truyện ngắn Việt Nam. Các truyện ngắn của ông thường viết về đời sống cơ cực của người dân ở những làng quê nghèo Bắc Bộ trước Cách mạng Tháng Tám. Bên cạnh những nhân vật chính của ông thường có một "nhân vật phụ" gắn liền với họ-đó là con chó.
Những con chó trong các truyện ngắn của Nam Cao không chỉ đơn thuần là con vật. Chúng còn mang dáng dấp của người chủ đại diện cho các tầng lớp xã hội ngày ấy: Oai vệ, hung dữ, kệch cỡm, sĩ diện, yếu đuối, đáng thương... Nhưng dù trung thành, ngoan ngoãn hay bệnh tật, già nua, chúng đều có chung một cái kết không lối thoát, giống như những cái kết đầy bi kịch trong cuộc đời những con người đói khổ, lầm than.
Những con chó mang bóng hình của chủ
Con Mực là một con chó "bẩn ghê gớm quá, lông rụng từng mảng, thịt trắng lộ ra có nơi sần mụn nữa". Ấy mới là vẻ bề ngoài. Còn cái tính nết nó mới là tính xấu: "Già hơn trong hai con chó của nhà. Nhưng cũng là con nhiều nết xấu. Nó tục ăn: đó là thường. Nó nhiều vắt: cái ấy đủ khổ cho nó. Nó cắn càn: ấy là cái khổ của bọn ăn mày. Nhưng nó lại sủa như một con gà gáy: cái này thì không thể nào tha thứ được". Còn cái cách hành động của con Mực cũng là cái cách hành động của một kẻ cơ hội và hèn kém: “vẫy đuôi mạnh hơn nhưng len lén lánh ra: dáng điệu một kẻ sợ hãi cố cười với người nó sợ”… “đứng lặng vẫy đuôi, đầu cúi xuống, hai mắt nhèm ươn ướt nhìn đất như tủi phận” (Cái chết của con Mực).
Tranh minh họa
Trái ngược với con Mực là con chó của anh Hoàng. Con chó gây khiếp sợ cho người lạ đến nỗi: "Bấm chuông xong, bao giờ tôi cũng phải chờ anh Hoàng thân hành ra nắm chặt cái vòng da ở cổ một con chó tây to bằng con bê, dúi đầu nó vào gầm cái cầu thang, rồi mới có đủ can đảm bước vội qua đằng sau cái đuôi nó để vào phòng khách" (Đôi mắt). Hay như "những hai con chó đẫy đà, lực lưỡng" của nhà bà phó Thụ: "Chúng vây lấy bà già rách rưới. Con nào cũng uốn cong cái lưng xuống, hếch cái mõm đen thui lên, nhe ra những chiếc răng trắng hơn hớn và nhọn sắc… Bà lão với đứa cháu cứ rúm cả tay chân lại. Cháu nép vào bà, bà nép vào người bà phó Thụ" (Một bữa no).
Với những con chó ở nhà giàu, Nam Cao không cần đến sự ví von, ông chỉ tả thực cái nguyên nhân dẫn đến sự hung dữ của nó đủ để ẩn hiện dáng dấp của kẻ bầy tôi đã được chủ nhà nhào nặn thành: "Lúc thiến, người ta rắc mảnh chai tán nhỏ vào. Vết thiến lành dúm mảnh chai ở bên trong gây cho con vật một nỗi đau ngứa ngáy, suốt đời không khỏi. Nỗi đau làm tội nó. Nó bứt rứt, khổ sở, cáu kỉnh, nên bạ thấy người nào lại nào cũng lăn xả vào chân, hoặp một miếng, ray thịt người ta cho hả giận" (Một bữa no).
Những cái kết trong sự khốn cùng
Nuôi chó trong quan niệm người Việt là nuôi một động vật thân thiết, gắn bó với mình. Sự chăm sóc của anh Hoàng với con chó tây là sự chăm sóc của kẻ biết chơi với một con vật quý, cho dù sự chăm sóc ấy mang đầy tính sĩ diện: "Anh Hoàng là một nhà văn, nhưng đồng thời cũng là một tay chợ đen rất tài tình. Khi chúng tôi đến nơi chỉ còn một dúm xương và rất nhiều bản thảo chẳng biết bán cho ai, anh Hoàng vẫn phong lưu, con chó của anh chưa phải nhịn bữa nào"(Đôi mắt).
Còn con chó của những gia đình nghèo trong truyện ngắn của Nam Cao là một tài sản, một con vật mang lại giá trị vật chất không nhỏ: "Con chó to bằng ấy, lúc này bán đâu không nổi ba đồng bạc? Cả nhà ăn gạo hàng nửa tháng" (Trẻ con không được ăn thịt chó). Nuôi nấng, chăm sóc và trông ngóng, người ta phải đợi đến dịp quan trọng lắm thì mới quyết định bán nó hay giết nó: “Người ta định giết Mực đã lâu rồi… Thoạt tiên người ta định ngày chết cho nó vào dịp Thanh Minh. May cho nó hôm ấy bà chủ nhà bị ốm… Rồi thì là Tết tháng năm. Bỗng nhiên đứa con út của bà ươn mình: bà phải kiêng để lấy sữa lành cho con bú. Sau cùng người ta nhất định thịt nó vào rằm tháng bảy ai ốm mặc" (Cái chết của con Mực).
Thế mà có những cái kết cho vận mệnh của chúng lại chẳng có ý nghĩa gì, bởi “Cái số thị chẳng ra gì nên vớ phải một thằng chồng không biết lo, biết nghĩ, chỉ thích ăn, thích uống”… “Thị biết chẳng phải giỗ chạp gì cả. Và có giỗ cũng chẳng cần giết chó. Xưa nay có bao giờ phải giết chó mới làm giỗ được?”… "Cái môi nó vừa máy lên một cái, nó đã phải đè ra mà giết ngay. Ăn hoang, phá hại" (Trẻ con không được ăn thịt chó). Chúng bị bán đi chỉ vì người chủ không nuôi nổi chúng: “Thì ra cậu Vàng cậu ấy ăn khỏe hơn cả tôi ông giáo ạ. Mỗi ngày cậu ấy ăn thế, bỏ rẻ cũng mất hào rưỡi, hai hào đấy. Cứ mãi thế này thì tôi lấy tiền đâu mà nuôi được?”(Lão Hạc). Còn con chó tây sang trọng của anh Hoàng lại chết vì: “Không phải vì chủ nó không tìm nổi mỗi ngày vài lạng thịt bò để nó ăn”... “Nhưng xác người chết đói ngập phố phường. Nó chết có lẽ vì chén phải thịt người ươn hay vì hút phải nhiều xú khí. Thảm hại thay cho nó” (Đôi mắt).
Và bài học về lòng nhân ái
Với lão Hạc, sự chăm sóc của lão với con Vàng đã vượt lên sự chăm sóc đơn thuần về vật chất, đó cũng là sự chăm sóc không theo quy luật của lẽ đời. Chúng ta vẫn thường thấy ở đâu đó hình ảnh con chó dắt người chủ đi xin ăn, con chó làm xiếc để người chủ thu tiền kiếm sống… Còn ở đây, con chó-cậu Vàng như cách gọi của lão là hình ảnh kỷ niệm duy nhất của đứa con mình. Cậu Vàng chính là nguồn an ủi duy nhất của một ông lão cô đơn: "Những lúc buồn, có con chó làm bạn thì cũng đỡ buồn một chút. Lão gọi nó là cậu Vàng như một bà hiếm hoi gọi đứa con cầu tự. Thỉnh thoảng không có việc gì làm, lão lại bắt rận cho nó hay đem nó ra ao tắm. Lão cho nó ăn cơm trong một cái bát như một nhà giàu. Lão ăn gì lão cũng chia cho nó cùng ăn. Những buổi tối, khi lão uống rượu, thì nó ngồi ở dưới chân. Lão cứ nhắm vài miếng lại gắp cho nó một miếng như người ta gắp thức ăn cho con trẻ. Rồi lão chửi yêu nó, lão nói với nó như nói với một đứa cháu bé về bố nó" (Lão Hạc).
Tôi đã được đến viếng mộ nhà văn ở làng Đại Hoàng, dọc đường làng vẫn có những quán thịt chó có người đến ăn đông nườm nượp. Tôi cũng đã được ngắm chân dung nhà văn Kim Lân ở nghĩa trang làng Phù Lưu, phường Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh-người hóa thân vào vai lão Hạc. Ở làng này, người dân giết chó cả trong ngày giỗ, chỉ có mâm cơm cúng mới có gà. Thịt chó vẫn là một món ăn phổ biến dù là dành cho bình dân hay là lễ trọng. Người ta bảo phê phán ăn thịt chó chỉ là đạo đức giả, đầy người không bao giờ ăn thịt chó mà sống với nhau cũng chẳng tử tế gì!
Và tôi cứ ám ảnh về đôi mắt của nhà văn Kim Lân-lão Hạc đang nhìn xa xăm từ cõi vĩnh hằng. Có phải đó vẫn là “đôi mắt lão ầng ậng nước”, là “những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra” (Lão Hạc) vì “tôi già bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó”. Lời than thở của một ông lão suốt đời sống lương thiện từ trong truyện ngắn, từ trong vai diễn, đó có phải là lời cảnh tỉnh: Ở đời con người thường phụ chó, chứ ít khi chó phụ người. Với một con vật trung thành, gần gũi nhất người ta mà còn phụ bạc thì trong mối quan hệ con người với con người điều ấy có lặp lại không?
Minh Hiếu
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Quân chủng Hải quân sáp nhập, tổ chức lại Cục Hậu cần, Cục Kỹ thuật - ( 21-11-24 02:00 )
- Bế mạc liên hoan nghệ thuật quần chúng Quân chủng Hải quân năm 2024 - ( 20-11-24 10:00 )
- Quân chủng Hải quân khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng năm 2024 - ( 18-11-24 10:00 )
- Rau càng cua - ( 17-11-24 08:00 )
- Trung tâm Huấn luyện Vùng 4 tổ chức tọa đàm thanh niên - ( 15-11-24 01:00 )