Nâng cao cảnh giác với virus corona là không thừa

HQ Online -

Các hệ thống dữ liệu được cập nhật nhanh chóng và chính xác chính là chìa khóa giúp con người đối phó và ngăn ngừa các đại dịch như Covid-19 cũng như những căn bệnh khác trong tương lai.

Sự lây lan nhanh chóng và khó lường của virus corona gây ra dịch Covid-19 đã làm bộc lộ những thiếu sót trong hệ thống kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh ở nhiều quốc gia ở châu Âu và cũng như Mỹ.

Các nhà nghiên cứu nhận định chẳng cần đến 100 năm nữa để có thêm đại dịch khác. Sự bùng nổ dân số, tác động của con người đến môi trường và các vấn đề liên quan đến sự phát triển của ngành du lịch sẽ chính là nguyên nhân dẫn tới những đại dịch tiếp theo.

Nâng cao cảnh giác với virus corona là không thừa

Ảnh minh họa. Nguồn: Alamy


Trở lại với dịch Covid-19. Vừa qua, các nước đã và đang triển khai nhiều phương án quyết liệt, nghiêm ngặt để chặn đứng sự lây lan của virus SARS-CoV-2, trong đó có giải pháp phong tỏa ở các mức độ khác nhau. Rõ ràng, điều này đã mang lại hiệu quả nhất định. Hơn lúc nào hết, mỗi quốc gia trên thế giới cần có một hệ thống phản ứng nhanh tại chỗ sau khi áp dụng phong tỏa để ngăn chặn đợt thứ hai của đại dịch Covid-19 có thể xảy ra mà được dự đoán là sẽ tồi tệ hơn lần đầu tiên nhiều lần.

Chính việc thiếu các hệ thống thông tin mạch lạc và liên kết khiến con người chưa thể tìm ra được câu trả lời cho những dấu hỏi quan trọng liên quan đến dịch bệnh này. Thí dụ như: Nguyên nhân gây ra dịch bênh Covid-19 là gì? Đối tượng nào dễ bị nhiễm bệnh? Các phương pháp trị liệu và vaccine có thể giải quyết được vấn đề? Tại sao nhiều bệnh nhân trẻ tuổi nhập viện nhưng hầu như không nhận thấy triệu chứng nhiễm bệnh?

Vừa qua, giới khoa học nhận định rằng dịch Covid-19 có thể sẽ được kiểm soát vào cuối tháng 4 này. Chắc chắn rằng khi thời kỳ đỉnh điểm của dịch bệnh qua đi, các nước sẽ phải mở cửa trở lại nền kinh tế, các hoạt động du lịch được tiếp tục.

Tuy nhiên, nâng cao cảnh giác với virus corona là không thừa. Nhiều giải pháp tức thời đã được đề xuất như các ứng dụng theo dõi những người chúng ta tiếp xúc từ đó đưa ra cảnh báo nếu chúng ta bị nhiễm bệnh và kiểm tra sức khỏe hàng tuần cho toàn bộ dân số thông qua mạng lưới phòng thí nghiệm lưu động.

Ở Anh, một ứng dụng theo dõi sự lây lan của Covid-19 đã được tải xuống hơn 2 triệu lượt chỉ trong vài ngày. Ở Mỹ, một mạng lưới kết nối Bluetooth gồm một triệu nhiệt kế kỹ thuật số tạo ra bản đồ sức khỏe theo dõi dịch bệnh. Các ứng dụng này cũng rất cần thiết đối với đội ngũ nhân viên y tế - những người đứng ở tuyến đầu chống dịch. Sau khi đại dịch Covid-19 qua đi, chính những ứng dụng đó phải là tiền đề xây dựng một nền tảng dữ liệu y tế vững chắc để đối phó với dịch bệnh trong tương lai.

Hãy tưởng tượng nếu có thể liên kết thông tin từ hồ sơ sức khỏe với dữ liệu kết quả Covid-19 trong vài giờ thay vì hàng tháng, con người có thể trả lời tất cả các câu hỏi về các yếu tố nguy cơ nhiễm bệnh và tỷ lệ tử vong do dịch bệnh. Hãy tưởng tượng nếu chúng ta có thể liên kết dữ liệu Covid-19 với các trình tự bộ gene cá nhân trong cơ sở dữ liệu nghiên cứu an toàn cho năm triệu người, những câu hỏi về cơ sở di truyền, sự mẫn cảm đối với bệnh, mối liên hệ với các bệnh khác sẽ có lời giải đáp.

Một hệ thống dữ liệu y tế thống nhất và toàn diện sẽ không chỉ cung cấp nền tảng giúp phản ứng nhanh với các đợt dịch Covid-19 tiếp theo cũng như các dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai mà còn cho phép loài người hiểu rõ hơn về các yếu tố nguy cơ đối với các bệnh lây nhiễm chẳng hạn như ung thư, bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường…

PV tổng hợp

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn