Muốn xây dựng đất nước bền vững phải lấy giáo dục làm đầu, phải lấy nhân tài làm gốc
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu dự Hội nghị Tổng kết năm học 2015 - 2016 và triển khai nhiệm vụ năm học 2016 - 2017. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Ngày 5-8, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo. Cùng dự, có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, lãnh đạo một số bộ, ngành và các địa phương.
Theo báo cáo của Bộ GD và ĐT, năm học 2015-2016, việc triển khai các hoạt động đổi mới GD và ĐT đã có nhiều chuyển biến tích cực. Toàn ngành tập trung đổi mới mô hình dạy học theo hướng mở, đa dạng hóa hình thức, chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; tăng cường phân cấp và giao quyền tự chủ cho các trường đại học; tăng cường quản lý chất lượng và hiệu quả giáo dục. Việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 đã có những điều chỉnh phù hợp, nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng và ủng hộ tích cực của toàn xã hội.
Bên cạnh kết quả đạt được, trong năm học vừa qua, ngành GD và ĐT vẫn còn một số hạn chế, yếu kém về xây dựng và thực hiện chính sách; quản lý và chỉ đạo, điều hành. Công tác quy hoạch hệ thống, phát triển đội ngũ, phân luồng học sinh, dạy học ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện tự chủ, phát triển cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều bất cập. Vì vậy, trong năm học 2016-2017, Bộ GD và ĐT triển khai chín nhiệm vụ trọng tâm với năm giải pháp thực hiện đổi mới giáo dục; trong đó tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp được coi là nhiệm vụ hàng đầu.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, năm học vừa qua, Bộ GD và ĐT đã triển khai đồng bộ, toàn diện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT; bước đầu đổi mới dạy học theo hướng mở, chú ý phát triển toàn diện năng lực, tư duy sáng tạo và rèn luyện phẩm chất cho học sinh. Ngành GD và ĐT đã tiếp tục đổi mới trong thi, kiểm tra, đánh giá; nhất là trong tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng, tạo thuận lợi và giảm áp lực cho thí sinh và gia đình.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần thẳng thắn nhìn nhận GD và ĐT vẫn còn hạn chế, yếu kém. Giáo dục phổ thông chưa coi trọng đúng mức việc giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống dẫn đến nhiều vụ bạo lực học đường gây bức xúc xã hội; còn nhiều tội phạm vị thành niên... Đáng chú ý, học sinh còn thiếu kỹ năng sống dẫn đến nhiều trẻ đuối nước hoặc bị tai nạn thương tích. Giáo dục đại học và đào tạo nghề chưa gắn với nhu cầu xã hội, thị trường lao động, dẫn đến nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm đúng chuyên môn, thất nghiệp. Đào tạo sau đại học rất đáng lo ngại về chất lượng, nhiều luận án tiến sĩ không áp dụng được trong thực tiễn; nhiều tiến sĩ nhưng lại thiếu công trình khoa học có giá trị đối với xã hội. Cơ chế tài chính cho giáo dục còn chậm đổi mới, chưa huy động được nhiều nguồn lực từ xã hội…
Để nâng cao chất lượng GD và ĐT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, đối với giáo dục phổ thông, cần bảo đảm chương trình vừa hình thành nhân cách, văn hóa của một công dân trẻ, vừa bảo đảm tính hiện đại, hội nhập; phải giảm tải nhanh cho học sinh, không quá nặng và thiên về kiến thức chuyên môn mà cần phát triển một cách toàn diện cả về văn, thể, mỹ. Cần dạy cho học sinh biết yêu lịch sử, truyền thống dựng nước và bảo vệ đất nước của cha ông, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống có trách nhiệm trong xã hội. Chú trọng dạy ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh bảo đảm các kỹ năng cơ bản nghe, nói, đọc, viết và giao tiếp. Tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, nhất là đối với trẻ em nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người.
Về giáo dục đại học và đào tạo nghề, cần bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu xã hội và thị trường lao động. Trình độ đào tạo phải hướng tới “công dân toàn cầu”, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, nhất là trong bối cảnh nước ta tham gia Cộng đồng ASEAN. Đẩy mạnh tự chủ đại học một cách thực chất và đồng bộ, đi đôi với đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Tự chủ đại học không chỉ là tự chủ trong thu, chi mà cả trong tài chính, tài sản, trong tổ chức, nhân sự, đào tạo, tuyển sinh và quản lý sinh viên… Xây dựng cơ chế và chính sách để việc liên thông và phát triển chuyên môn giữa giáo dục trung học chuyên nghiệp, dạy nghề đối với các hệ thống đào tạo khác được dễ dàng; động viên học sinh hướng nghiệp, phân luồng sớm từ phổ thông.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Bộ GD và ĐT cần phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành, địa phương tham mưu, xây dựng các cơ chế, chính sách để chấn hưng và thúc đẩy giáo dục phát triển. Các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương cần tăng cường vai trò quản lý nhà nước và chịu trách nhiệm về phát triển GD và ĐT. Muốn xây dựng đất nước bền vững phải lấy giáo dục làm đầu, phải lấy nhân tài làm gốc. Cả nước đồng lòng, toàn dân chung sức, nhất định sẽ thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, đưa nền giáo dục Việt Nam tiến lên tầm cao mới; đưa đất nước ta, dân tộc ta tiến kịp và tiến cùng thời đại.
Theo Nhân dân điện tử
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Lữ đoàn 955: 77 quân nhân được tặng Huy chương niên hạn - ( 11-12-24 04:00 )
- Cục Hậu cần - Kỹ thuật quán triệt chỉ thị về đại hội đảng các cấp - ( 11-12-24 04:00 )
- Lữ đoàn 83 rút kinh nghiệm xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật năm 2024 - ( 11-12-24 04:00 )
- Bộ Tư lệnh Vùng 5 tập huấn cán bộ tàu năm 2025 - ( 11-12-24 02:00 )
- Đánh giá cơ sở đề tài cấp Bộ Quốc phòng về đặc điểm dòng chảy, sóng nội trong môi trường vùng biển Nam Trung Bộ - ( 11-12-24 11:00 )