Mùa xuân mới ở tòa đô thị thương cảng cổ Hội An
* Nhà sử học LÊ VĂN LAN
HQVN -
Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam được thành lập năm 2008, theo Nghị định 10/2008/NĐ-CP của Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành ngày 29/01/2008. Thành phố này ở hạ lưu và cửa sông Thu Bồn, tỉnh Quảng Nam, gồm 9 phường và 4 xã (xã đảo Tân Hiệp, nằm trên Cù Lao Chàm), có diện tích tự nhiên 6.146,88ha và 121.716 người của thị xã Hội An, được thành lập từ sau ngày đất nước thống nhất (năm 1975), thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Khi đó, gồm 3 phường (Cẩm Phô, Minh An, Sơn Phong) và 6 xã (Cẩm An, Cẩm Châu, Cẩm Hà, Cẩm Kim, Cẩm Nam, Cẩm Thanh).
Trong lịch sử miền đất và cõi người này, từ thế kỷ II - XV, còn có một cảng thị tại chính nơi đây, được cổ thư gọi bằng cái tên “Đại Chiêm hải khẩu”, “Lâm Ấp phố”…, là hải cảng chính của Vương quốc Chăm Pa (Chiêm Thành). Đây là nơi làm ăn, buôn bán của đất nước và người dân bản địa, với các lân bang trong vùng Đông Nam Á và cả nhiều miền Á - Âu nữa.
Hậu thân của cảng thị này, đồng thời là tiền thân của TP. Hội An hiện nay, ở vào các thế kỷ XVII và XVIII, chính là đô thị thương cảng cổ Hội An.
DIỆN MẠO CỦA ĐÔ THỊ THƯƠNG CẢNG CỔ HỘI AN
Ở Bảo tàng quốc gia Kyushu (Nhật Bản) hiện còn giữ lại được một bức tranh cổ, khổ 32cm x 1.100cm có tên là “Châu Ấn thuyền Giao Chỉ độ hàng đồ”. Tác phẩm mỹ thuật theo họa pháp phương Đông cổ truyền rất công phu và tuyệt đẹp, đã vẽ lại vừa khái quát vừa chi tiết, nhiều cảnh tượng và nhân vật, rất sinh động, ở chính ngay một góc của đô thị thương cảng Hội An hồi thế kỷ XVII, với cửa nhà, dinh thự, tháp canh, phố xá, sân vườn... và những “người Hội An” khi ấy, đang đứng ngồi, đi lại, chuyện trò và làm việc, hành chính lẫn dân sự.
Một bức tranh khác, có tên là “Giao Chỉ quốc mậu dịch hải đồ” lại mô tả cảnh tượng các thuyền buôn đang cập cảng Hội An, cũng vào thế kỷ XVII. Có những con thuyền buồm, thuyền nhiều mái chèo, chuyên chở những kiện hàng lớn đang lướt sóng, bên những lầu cao dựng trên bờ nước để kiểm soát, canh phòng, với cả những dù lọng cắm san sát ven biển nữa, che cho những người có vẻ như là quan chức, mặc áo dài, đội nón lá. Đặc biệt, lẫn cùng những người đô thị thương cảng cổ Hội An, còn có cả những người nông dân dắt trâu đi cày và cả một con trâu đang đầm mình dưới nước, đầu sừng đậu một chú chim!
Song song cùng những họa phẩm về đô thị thương cảng cổ Hội An, còn có “Các bức tranh bằng chữ viết”-những tư liệu thư tịch cổ, nói có phần còn rành rẽ hơn, về Hội An ở các thế kỷ XVII, XVIII.
Du khách tham quan Hội An. Ảnh: MTH
Cuốn sách “Xứ Đàng trong năm 1621” của giáo sĩ người Ý Cristoforo Borri-Người đã từng sống ở chính Hội An từ năm 1618-1622, gọi Hội An bằng Faifo, một tên khác của Hội An, thường được các tác giả phương Tây sử dụng. Cristoforo Borri viết: “Thành phố này lớn đến độ người ta có thể nói được là có hai thành phố: phố người Tàu và phố người Nhật”, rồi mô tả địa lý học: “Chỉ trong vòng một trăm dặm (tức khoảng 70km) mà người ta đếm được hơn 60 cảng, tất cả đều thuận tiện để cập bến và lên đất liền. Hải cảng đẹp nhất, nơi mà tất cả người ngoại quốc đều tới và cũng là nơi hội chợ danh tiếng, chính là hải cảng thuộc tỉnh Quảng Nam (tức Hội An). Người ta cập bến cảng này bằng hai cửa biển, Touron (tức Đà Nẵng) và Pullociambello (tức Cửa Đại). Các cửa biển này cách nhau chừng ba hay bốn dặm, kế đó, biển chia làm hai nhánh, đi sâu vào đất liền chừng bảy hay tám dặm, làm thành hai con sông, luôn tách rời nhau, để rồi cuối cùng gặp nhau và đổ vào một con sông lớn (sông Thu Bồn, tên khác là Sông Hoài). Tàu bè từ hai phía tới, cũng đi vào con sông này”.
Một thiền sư Trung Hoa là Thích Đại Sán, năm 1695 đã đến Hội An hai lần, theo lời mời của Chúa Nguyễn Phúc Chu. “Hải ngoại ký sự” của Thích Đại Sán đã có những dòng viết về Hội An hồi cuối thế kỷ XVII thật tráng lệ: “Là một mã đầu lớn, nơi tập hợp của khách thương các nước. Thẳng bờ sông là một con đường lớn, dài đến ba bốn dặm, gọi là Đại Đường Cái. Hai bên đường phố, nhà cửa liền nhau khít rịt... Cuối đường là Cầu Nhật Bản, tức Cẩm Phố (buôn bán gấm). Cách bờ bên kia là Trà Nhiêu (buôn bán trà), nơi dừng đậu của các thuyền ngoại quốc”.
Sang đến thế kỷ XVIII, khách thương Pierre Poivre, cũng vẫn còn để lại những dòng viết về sự tấp nập thuyền bè bán buôn ở Hội An: “Thành phố thứ hai và cuối cùng (của xứ Đàng Trong) là Faifo, ở cách Huhay (Huế) từ 15 - 18 dặm. Đây là một cửa biển cho toàn bộ người Trung Hoa và thuyền bè của xứ sở ra vào buôn bán. Những tàu buôn của châu Âu thì có thể thả neo trong vùng Faifo vào những mùa có thời tiết đẹp. Nhưng khi có gió mùa thay đổi thì họ bắt buộc phải đi về thả neo trong vịnh Đà Nẵng, ở cách Faifo bốn dặm. Tại đây, thuyền buôn của họ được an toàn hơn. Faifo là thương cảng của xứ Đàng Trong mà ở đó đã hình thành trung tâm thương mại theo mùa. Đây chính là một tổng kho của các hàng hóa từ Trung Quốc sang, hay hàng hóa từ các nước khác đến”.
TƯ DUY HƯỚNG BIỂN VÀ THÀNH TỰU
Từ cửa Đại Chiêm của Hội An đi về phía Đông 18km là Cù Lao Chàm - trấn sơn của xứ Quảng, điểm dừng chân trên biển của các tàu thuyền viễn dương thời trung cổ để lấy củi gỗ và nước ngọt. Từ phố cảng Hội An ngược lên mạn Tây 10 cây số là Dinh trấn Thanh Chiêm, nơi Chúa Nguyễn Hoàng đặt cơ quan quản lý khu đô thị thương cảng cổ, giao cho thế tử Nguyễn Phúc Nguyên trấn thủ từ năm 1602.
Đây là những nguyên thủ Xứ Đàng Trong của nước Đại Việt nổi tiếng với tư duy hướng biển. Hiện vẫn còn lưu trữ được những bức Quốc thư, trao đổi về việc buôn bán qua biển, giữa Chúa Nguyễn Hoàng và chính quyền Hideyoshi Nhật Bản năm 1591 và của Chúa Nguyễn Phúc Nguyên gửi Mạc Phủ Tokugawa năm 1610.
Hội An, trong hai thế kỷ XVII và XVIII, trở thành đô thị thương cảng rất lớn và phồn thịnh, là nhờ vào tư duy hướng biển đó.
Thiền sư Thích Đại Sán, như đã nói ở trên, vào năm 1695 còn đã phải sửng sốt khi thấy ở Hội An cảnh tượng: “Hai bên bờ sông, nhà cửa đông đúc, người đi lại xôn xao, kẻ gánh người gồng, đến chợ từ sáng sớm” và “rau quả, cá tôm ... thì họp chợ mua bán suốt ngày”.
Tác giả Frederick Charles Danver cũng còn để lại những lời làm chứng về độ phồn thịnh của Hội An ở thế kỷ XVIII, như sau: “Đường phố ngang dọc, cửa nhà liên tiếp. Người Kinh, người Hoa, người Cao Miên, người Chà Và, theo từng loại mà họp lại ở đây. Thuyền biển, thuyền sông đi lại như mắc cửi. Thực là một nơi đô hội trên biển”.
Cù Lao Chàm có nhiều bãi tắm cát vàng mịn. Ảnh: VH
Nhà bác học, Bảng nhãn Lê Quý Đôn, năm 1776, có sáu tháng được cử từ Thăng Long vào làm “Hiệp trấn Thuận (Hóa) Quảng (Nam)”. Khi trở về, đã hoàn thành bộ sách “Phủ biên tạp lục”, trong đó, nói đầy đủ về sản phẩm và hóa phẩm của xứ Đàng Trong như: thóc gạo ngon, trầm hương, tốc hương, kỳ nam, voi, tê giác, vàng, bạc, đồi mồi, yến sào, ngọc châu, ngọc trai, quế, bông, sáp, đường mật, dầu sơn, hồ tiêu, cá muối, cau tươi, các loại gỗ... và khẳng định: “Những sản phẩm từ các phủ Thăng Hoa, Điện Bàn, Quy Nhơn, Quảng Nghĩa, Bình Khang và dinh Nha Trang, đều đem đến phố Hội An bằng đường bộ và đường biển”.
Ở Hội An luồng hàng nội thương với những mặt hàng như thế, một phần, được các ghe bầu của những “Vạn buôn” người địa phương, lấy các địa danh bản địa mà đặt tên cho “Vạn”, thành các Vạn Thanh Châu, Cẩm Phô, Thanh Hà, Sơn Phố, Hội An, Bàn Thạch, Cẩm An, Trường Lệ... giong buồm ra biển, mang đi các nơi. Còn phần lớn, nhờ và chờ các tàu thuyền nước ngoài đến mua hoặc trao đổi, làm thành luồng hàng ngoại thương mà vẫn theo “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn: “Ở đây, hàng hóa nhiều lắm, dù trăm chiếc tàu to, chở cùng một lúc cũng không sao hết được”.
Những chiếc “tàu to”, trước khi mang đi những sản phẩm và hóa phẩm của luồng hàng nội thương, thì còn mang đến để bán hoặc trao đổi rất nhiều hàng hóa nước ngoài: sa, đoạn, gấm, vóc, vải, các vị thuốc, giấy, vàng bạc, hương vòng, kính, gương, pha lê, quần áo, quạt giấy, bút mực, bàn ghế, đèn lồng, đồ đồng, đồ sứ, thực phẩm...
Thống kê từ sổ sách buôn bán của thương gia và thương hiệu nước ngoài, như Nhật Bản, ta thấy có đến 42 chiếc “tàu to” - gọi là Châu Ấn thuyền” - đã mang hàng hóa đến xứ Đàng Trong mà chủ yếu là Hội An. Đây là số lượng Châu Ấn thuyền đông (nhiều) nhất, trong số tàu thuyền xuất dương của và từ Nhật Bản.
Cũng đã thống kê được, chỉ trong vòng 73 năm (từ năm 1647 -1720) đã có đến 203 chiếc tàu thuyền Trung Hoa tới xứ Đàng Trong, vẫn chủ yếu là Hội An, nhiều nhất trong số tàu thuyền Trung Hoa đi Đông Nam Á và nhiều gấp 3 lần số tàu thuyền Trung Hoa cập bến xứ Đàng Ngoài.
DI SẢN VĂN HÓA THẾ GIỚI
Cuối tháng 11, đầu tháng 12/1999, tại kỳ Hội đồng lần thứ 23 ở Marakech, tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã trịnh trọng ghi tên đô thị thương cảng cổ Hội An vào danh sách các di sản thế giới.
“Cú hích” này cộng với tiếng vang của hai Hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế về đô thị thương cảng cổ Hội An, cùng các nỗ lực bảo tồn, trùng tu, tôn tạo 1.360 di tích kiến trúc (1.068 ngôi nhà cổ, 38 nhà thờ họ, 43 miếu thờ thần, 23 tòa đình, 19 ngôi chùa, 44 ngôi mộ cổ, 11 giếng nước cổ, 1 cây cầu cổ) được tiến hành trước sau quanh cột mốc lịch sử ấy, đã khiến Hội An, từ chỗ gần như tĩnh lặng bởi lãng quên đã bừng tỉnh trở lại. Sự chuyển hóa kỳ diệu sang một “kiếp sống” và thời kỳ lịch sử mới, trở thành địa điểm du lịch hàng đầu quốc gia và nổi tiếng thế giới.
Sự chuyển mình của xã đảo Tân Hiệp, được thành lập ngày 25/7/1978 trên Cù Lao Chàm, là một hình ảnh tiêu biểu của cả TP. Hội An hiện đại, trong công cuộc và sự nghiệp chuyển mình.
Từ chỗ là một “Cù Lao” với 8 hòn đảo lớn nhỏ (Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Khô Mẹ, Hòn Khô Con, Hòn Lá, Hòn Tai và Hòn Ông) nằm lặng lẽ 18 cây số ngoài khơi xa, cách Cửa Đại, nay nhờ có đến 152 phương tiện tàu thuyền (gồm 145 ca nô và 7 tàu gỗ, trong đó có 26 phương tiện đạt tiêu chuẩn SB - Pha sông biển) nối liền đảo biển với đô thị trong bờ. Hoạt động du lịch đa dạng: vận chuyển - lữ hành, ăn uống, giải khát, lưu trú, bán hàng lưu niệm .... Năm 2019 Tân Hiệp đã đón 55.000 lượt với 450.000 khách tham quan, lưu trú.
Nếu trước đây, 85% dân số Cù Lao Chàm sống nhờ nghề chài lưới thì nay 80% đã chuyển sang làm các ngành nghề du lịch, dịch vụ. Tính trung bình, mỗi năm, một người dân Tân Hiệp đón 175 khách du lịch, thu nhập tính theo đầu người, cao nhất so với toàn TP. Hội An.
Một mùa xuân mới đã tới với tòa đô thị thương cảng cổ Hội An.
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Hơn 30 cán bộ, chiến sĩ Kho 703 tham gia chữa cháy rừng - ( 05-02-25 11:00 )
- Đoàn công tác Thành ủy Cần Thơ thăm và làm việc tại cảng Tân cảng Cái Cui - ( 04-02-25 07:00 )
- Mùa xuân mới ở tòa đô thị thương cảng cổ Hội An - ( 03-02-25 07:00 )
- Học viện Hải quân phát động trồng và chăm sóc cây xanh Xuân Ất Tỵ 2025 - ( 02-02-25 03:00 )
- Quân và dân huyện Trường Sa hưởng ứng Tết trồng cây 2025 - ( 02-02-25 03:00 )