Mùa khoai trong ký ức

HQ Online -

Mấy hôm nay trời trở lạnh, báo hiệu một mùa đông nữa sắp sửa lại về. Một ngày cuối tuần, ngồi trong căn gác nhỏ, bình yên, tôi nhìn những đám mây lững lờ trôi qua khung cửa. Bất chợt, tiếng rao “Ai khoai nướng nào...” vang lên làm lòng tôi bồi hồi đến lạ. Bao kí ức về những mùa khoai thân thương nơi quê nhà lại ùa về trong lòng tôi...

Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nhỏ, nơi mà người dân quanh năm suốt tháng trông chờ vào hai vụ lúa và một vụ khoai. Ngoài lúa thì khoai giống như những người bạn thân thuộc của người làm nông. Đến độ tháng Mười âm lịch, khi những cơn gió heo may bắt đầu se sắt, lúa gặt xong, bà con nông dân lại bắt đầu một vụ khoai mới. Ruộng lúc này rơm rạ được dọn sạch sẽ, người ta sẽ cày tơi thửa ruộng lên phơi nắng mấy ngày rồi bắt đầu vun luống thật cao để trồng khoai. Sở dĩ, khoai lúc trồng phải vun luống là vì sợ mưa bão gây ngập úng, khoai ngậm nước sẽ không lớn được và có nguy cơ thối úng.

Cũng giống như bây giờ, khoai ngày đó có rất nhiều loại giống: từ khoai tím, khoai vàng, khoai mật cho đến khoai ruột trắng... Tôi nhớ, hồi đó, giống khoai mà mọi người chuộng trồng nhiều nhất vẫn là giống khoai ruột trắng. Bố tôi giải thích, khoai giống này trồng phát triển nhanh, cho nhiều củ, chất lượng thơm ngon mà lại còn có khả năng chịu được nước, nếu không may ngập úng ít ngày. Tiêu chuẩn mỗi hộ gia đình có bao nhiêu sào để trồng lúa thì họ đều dành trồng khoai hết. Ai cũng cần mẫn, quyết tâm không cho đất ngơi nghỉ.

 Ảnh minh hoạ

Trồng khoai cũng phải có kĩ thuật và kinh nghiệm. Dây khoai giống phải khỏe, to, mập mạp. Mẹ tôi có nhiệm vụ chọn dây giống, còn bố tôi thì lo phân gio. Mấy chị em lon ton phụ bố mẹ việc lặt vặt, nhưng cũng tất bật, mồ hôi nhễ nhại mỗi khi mùa trồng khoai bắt đầu. Trồng khoai và trồng lúa mỗi loại có một vất vả riêng. Nhưng một điều mà mẹ tôi luôn dạy cho mấy chị em tôi rằng, dù trồng bất cứ loại cây nào, mình cũng phải chú tâm, cẩn thận chăm sóc mới mong ngày gặt hái thành quả. Giữa mỗi vồng khoai, bố tôi rải đầy nhóc những phân chuồng, rạ rơm hoai mục. Vừa làm cho đất tơi xốp, vừa thêm chất dinh dưỡng. Cây khoai lớn lên nhờ dung dưỡng thớ đất quê và sự cần cù, chăm chỉ của người nông dân một nắng hai sương. Từng lá nhỏ mọc lên xanh mướt rồi dây cứ lan dần lan dần. Quẩn quanh, chẳng mấy chốc, vồng khoai phủ một màu xanh mát mắt. Khoai lang trồng độ tầm hơn 3 tháng là có thể thu hoạch.

Mùa khoai. Người đào, người lấy cuốc xới đất, người lại ngắt cho vào sọt để thồ lên xe mang về. Mủ khoai bám đầy tay chân đen sì, nhưng chẳng hề chi, ai cũng vui vì khoai được mùa bội thu. Sau khi thu hoạch, trẻ con lại cầm cái rổ đi khắp để mót khoai. Lạ thay, khoai ở nhà đầy ú ụ nhưng lại thích đi mót. Tối về kiểu gì cũng có một nồi khoai bở tơi được luộc sẵn, mặc dù bữa cơm tối vẫn diễn ra bình thường. Khoai đầu mùa bở tơi, củ nào củ nấy trắng tinh, vị ngọt cứ lẩn quất mùi thơm khiến cho tôi nhớ mãi. Nhưng vẫn nhớ là những lần đi chăn bò, cả lũ mót khoai rồi nướng giữa đồng để ăn. Trong thời tiết lạnh của mùa đông, mùi khoai nướng thơm phức bốc lên, đứa nào đứa nấy nhồm nhoàm ăn ngon lành. Ăn xong, nhìn miệng nhem nhuốc đầy nhọ đen rồi bật cười khanh khách. Tuổi thơ cứ thế trôi qua hồn nhiên, trong trẻo. Mỗi lần nhắc lại, đứa nào cũng hoài niệm, tiếc nhớ, rồi lại tự hỏi, không biết bây giờ đám trẻ con có còn chơi trò giống mình ngày xưa?

Thời gian thấm thoát trôi đi, những đứa trẻ quê lớn lên và tới một vùng đất khác mưu sinh lập nghiệp. Chỉ còn mùa hoa khoai ở lại với những người nông dân tảo tần. Cứ mỗi lần trở về làng đúng mùa khoai, tôi lại lặng lẽ đứng nhìn thật lâu rồi mường tượng hình ảnh của mình thời tấm bé. Ký ức là một thứ gì đó khiến cho tôi luôn thổn thức, dẫu nó nhỏ bé, như những củ khoai lang nướng thơm phưng phức trong chiều đông gió lạnh ngọt ngào...

Ngọc Linh

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn