Một số ý kiến tâm huyết tại hội thi cán bộ giảng dạy chính trị năm 2018

HQVN -

Hội thi cán bộ giảng dạy chính trị Quân chủng Hải quân năm 2018 đã thành công tốt đẹp. Đây là dịp giao lưu, trao đổi, nhân rộng các kinh nghiệm quý trong công tác giảng dạy chính trị đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị. Báo Hải quân Việt Nam xin trích đăng một số ý kiến tâm huyết tại hội thi.

Hội thi là dịp trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng và khả năng sư phạm giảng dạy chính trị

*Chuẩn Đô đốc Đoàn Văn Chiều, Phó Chủ nhiệm Chính trị Hải quân-Phó Trưởng ban tổ chức hội thi

Hội thi là dịp để cán bộ thể hiện phẩm chất, năng lực của mình và trao đổi kinh nghiệm, học tập nâng cao kỹ năng và khả năng sư phạm giảng dạy chính trị ở đơn vị. Qua đó, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động, phát huy tính chủ động, sáng tạo, đổi mới cách nghĩ, cách làm, nâng cao hiệu quả công tác trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Ban tổ chức hội thi đã thường xuyên theo dõi, chỉ đạo kịp thời trong suốt quá trình chuẩn bị hội thi. Cục Chính trị, trực tiếp là Phòng Tuyên huấn đã cử cán bộ giám sát cơ sở, hướng dẫn, góp ý trực tiếp vào quá trình chuẩn bị bài giảng, giảng thử của các thí sinh, góp phần nâng cao chất lượng hội thi.

Phần lớn các thí sinh có nhận thức và hiểu biết sâu rộng về kiến thức xã hội, nghiệp vụ công tác giáo dục chính trị, phản ánh năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ giáo dục chính trị tại đơn vị. Nhiều đồng chí đã thể hiện rõ bản lĩnh, trình độ, có sự đầu tư sâu về nội dung, lựa chọn chuyên đề, chuẩn bị và thục luyện bài giảng, biết vận dụng nhuần nhuyễn các phương pháp giảng bài, khai thác các thiết bị đa phương tiện để hỗ trợ nâng cao chất lượng bài giảng. Nhiều đồng chí cán bộ trẻ đã thể hiện được khả năng, năng lực, tố chất tốt của người làm công tác giảng dạy chính trị.

Các thí sinh đã nắm chắc và làm chủ nội dung bài giảng

*Đại tá, Ths  Đỗ Văn Soan, Trưởng Khoa lý luận Mác-Lê nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Hải quân

Về phương pháp, các thí sinh sử dụng tổng hợp các phương pháp thuyết trình, nêu vấn đề, kết hợp tốt phương tiện với phương pháp giảng. Các thí sinh sử dụng nội dung, hình ảnh trình chiếu khá sáng, đẹp, màu sắc phù hợp, hài hòa giữa văn bản, hình ảnh và âm thanh tạo được hiệu ứng tốt.

Với tư cách là một thành viên của Ban giám khảo, tôi thấy đa số các thí sinh dự thi đã nắm chắc, làm chủ nội dung giáo trình. Các bài giảng đã liên hệ vận dụng sát thực tiễn đơn vị, chức trách, nhiệm của người học. Nội dung các thí sinh trình bày có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có định hướng tư tưởng và hướng dẫn hành động, có đấu tranh phê phán những quan điểm sai trái. Đặc biệt, một số bài giảng có tính sáng tạo, đổi mới, hấp dẫn, lôi cuốn người học. Nhiều thí sinh cùng trình bày một vấn đề nhưng theo phương pháp và cách thể hiện khác nhau đã tạo ấn tượng tốt cho người nghe.

Tuy nhiên, bài giảng của một số thí sinh vẫn còn nặng về lý luận, nhẹ phần liên hệ, vận dụng, đấu tranh phê phán. Phần định hướng tư tưởng, hướng dẫn hành động còn dàn trải, chưa sâu sắc, chưa khái quát, chưa chú ý đầu tư cho nội dung trọng tâm, trọng điểm và yếu tố hấp dẫn lôi cuốn.Về phương pháp, các thí sinh sử dụng tổng hợp các phương pháp thuyết trình, nêu vấn đề, kết hợp tốt phương tiện với phương pháp giảng. Các thí sinh sử dụng nội dung, hình ảnh trình chiếu khá sáng, đẹp, màu sắc phù hợp, hài hòa giữa văn bản, hình ảnh và âm thanh tạo được hiệu ứng tốt.

Cần đặt ra tiêu chí cụ thể cho bản thân mình

*Trung tá Lê Sỹ Toản, Chính trị viên Trạm 14, Cụm 1, Trung tâm TSKT 47, Bộ Tham mưu Hải quân-giải Nhất nhóm thí sinh số 4

Lần đầu tiên tham gia Hội thi giảng dạy chính trị cấp Quân chủng tôi không tránh khỏi áp lực về tâm lý nhưng khi được gặp gỡ, lắng nghe các phần thi của các thí sinh trước, tôi đã bình tĩnh và chuẩn bị tâm thế tham gia hội thi với quyết tâm cao nhất.

Thông qua hội thi, lần này bản thân tôi đã rút ra nhiều kinh nghiệm trong công tác giáo dục chính trị ở đơn vị và kinh nghiệm cho các cuộc thi tiếp theo.

Công tác giáo dục chính trị là một mặt công tác hết sức quan trọng trong công tác giáo dục, xây dựng con người. Vì vậy, trong quá trình giáo dục chính trị phải đặt ra tiêu chí cụ thể và các biện pháp để thực hiện tốt mục tiêu đó. Mục tiêu của công tác giáo dục chính trị phải làm sao cho bộ đội rõ, bộ đội tin, bộ đội nghiêm, bộ đội sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trên cương vị là một cán bộ chính trị viên cấp Trạm, tôi phải rút kinh nghiệm hơn nữa trong công tác tổ chức giảng dạy chính trị ở đơn vị: Cần phải tích cực học tập nghiên cứu, nâng cao trình độ nghiệp vụ; bản thân phải đặt ra những tiêu chí cụ thể để phấn đấu phục vụ tốt cho công tác giáo dục chính trị ở đơn vị mình.

Vận dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy tích cực

*Trung tá Nguyễn Ngọc Dương, Phó Chính ủy Lữ đoàn 189

Đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới, việc vận dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy tích cực trong giáo dục chính trị là một trong những yếu tố quan trọng và cần thiết. Phương pháp giảng dạy tích cực yêu cầu: Lấy người học làm trung tâm; cán bộ giảng dạy chính trị ngoài truyền đạt tri thức còn phát huy được tính tích cực, chủ động của người học; ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy; thiết kế bài giảng trên phần mềm trình chiếu; cập nhật thông tin để nâng cao chất lượng bài giảng... 

Để vận dụng linh hoạt, hiệu quả các phương pháp giảng dạy tích cực, cán bộ chính trị cần xác định rõ đối tượng người học, nắm vững ưu, nhược điểm của từng phương pháp giảng dạy tích cực, từ đó lựa chọn các phương pháp và thiết bị dạy học phù hợp. Khi soạn nội dung bài giảng cần chuẩn bị các câu hỏi (câu hỏi đóng và câu hỏi mở), các tình huống… sát với từng nội dung kiến thức; thiết kế bài giảng trên phần mềm trình chiếu, lựa chọn các từ khóa, hình ảnh, sơ đồ phù hợp... từ đó làm phong phú nội dung, tạo sự hứng thú cho người học, để người học dễ nhớ, dễ hệ thống được bài giảng. Trong quá trình giảng dạy, phải gắn liền lý luận với thực tiễn và tình hình đơn vị, từ đó khái quát làm sáng tỏ về mặt lý luận.

Cần chuẩn bị tốt nội dung bài giảng và thục luyện

*Thượng tá Nguyễn Thành Nhân, Phó Chính ủy Lữ đoàn 167, Vùng 2 Hải quân-giải Nhất nhóm thí sinh số 1

Để có được kết quả như hôm nay, ngoài sự cố gắng nỗ lực của bản thân, tôi luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ lãnh đạo, chỉ huy các cấp, các cơ quan chính trị. Trong nội dung bài giảng thực hành, tôi tâm huyết nhất là nội dung dạy về phong cách lãnh đạo của người cán bộ đứng đầu theo phong cách lãnh đạo Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Để lãnh đạo đúng và trúng, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu các đồng chí lãnh đạo, cán bộ chủ trì các cấp phải phát huy được phong cách dân chủ, quyết đoán, tính sâu sát trong công tác lãnh đạo. Người đứng đầu còn phải có ở tính nêu gương, tính khoa học, tính cách mạng và sáng tạo. Học tập phong cách lãnh đạo của Bác, người cán bộ chủ trì cần phải nghiên cứu, áp dụng vào thực tế đơn vị mình, góp phần trực tiếp xây dựng trình độ, năng lực lãnh đạo cho bản thân đồng thời góp phần lãnh đạo xây dựng đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Qua hội thi, tôi rút ra 3 vấn đề để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị: Thứ nhất, công tác chuẩn bị soạn thảo nội dung giảng dạy chu đáo; thứ hai, công tác thông qua bài giảng và thứ ba là thục luyện bài giảng trước khi lên lớp cho cán bộ, chiến sĩ.

Cần mạnh dạn áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy

*Thượng tá Bùi Văn Bền, Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 171, Vùng 2 Hải quân-giải Nhất nhóm thí sinh số 2

Để nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị ở đơn vị, chúng ta phải tiếp tục đổi mới, nội dung hình thức; tiếp tục quan tâm, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho các đồng chí giáo viên. Chúng ta phải khuyến khích sự tìm tòi, sáng tạo, mạnh dạn áp dụng các phương pháp mới cũng như các hình thức bổ trợ để nâng cao chất lượng giảng dạy.

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 có ảnh hưởng trực tiếp đến công tác giảng dạy chính trị ở đơn vị hiện nay. Cách mạng công nghệ 4.0 là thành tựu của đời sống loài người, nó cũng mở ra cho chúng ta những thời cơ và đồng thời sẽ có những thách thức. Cách mạng công nghệ 4.0 đang hàng ngày tác động trực tiếp đến đời sống xã hội cũng như đến lực lượng vũ trang.

Trong công tác giáo dục chính trị cũng vậy, intenet kết nối vạn vật, truyền tải thông điệp đến cán bộ, chiến sĩ một cách nhanh chóng. Nếu chúng ta không định hướng và xây dựng bản lĩnh chính trị tốt cho cán bộ, chiến sĩ thì rất dễ bị các thế lực thù địch tuyên truyền, lợi dụng chống phá. Điều đó đòi hỏi cán bộ giảng dạy chính trị phải có bản lĩnh chính trị tốt và phải thực sự được đổi mới về cả phương pháp và việc áp dụng công nghệ thông tin khi thực hiện giảng dạy.

Công tác chuẩn bị khi tham gia hội thi là mấu chốt quan trọng

*Thiếu tá Nguyễn Huy Luyện, Chính trị viên Phó Hải đội 135, Lữ đoàn 170, Vùng 1 Hải quân-giải Nhất nhóm thí sinh số 3

Khi có quyết định tham gia hội thi, được sự quan tâm của cấp ủy, chỉ huy các cấp, trực tiếp là thủ trưởng Bộ Tư lệnh Vùng, cơ quan chính trị các cấp đã tạo điều kiện về mặt thời gian cho tôi đầu tư làm công tác chuẩn bị để bước vào hội thi với tâm thế và tinh thần tốt nhất.

Là một cán bộ chính trị cấp hải đội, tôi luôn xác định giảng dạy chính trị là một nội dung trọng tâm, là biện pháp cơ bản, quan trọng, là điều kiện và cơ hội tốt để đánh giá, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, năng lực cho chính bản thân mình. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, từ chỉ huy đến cán bộ làm công tác giảng dạy chính trị phải nhận thức đúng và xác định rõ trách nhiệm của mình, có quyết tâm cao ngay từ khi triển khai làm công tác chuẩn bị và trong suốt quá trình tham gia hội thi, tạo sức mạnh tổng hợp để đạt kết quả cao.

Đúng là chuẩn bị tốt mọi mặt từ nội dung bài giảng đến phương pháp làm bài kiểm tra kiến thức, phương pháp giảng bài thực hành, lồng ghép hình ảnh, liên hệ thực tiễn… thì chất lượng khi tham gia thi cũng tốt hơn, tự tin hơn. Tôi cho rằng đây chính là một trong những mấu chốt quan trọng giúp tôi đạt kết quả tốt tại hội thi.

Thanh Hằng, Thùy Liên (Thực hiện)

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn