Một số bài học công tác đảng, công tác chính trị trong vận tải đường biển chi viện chiến trường miền Nam

* Chuẩn Đô đốc ĐOÀN VĂN CHIỀU, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân chủng, Chủ nhiệm Chính trị Hải quân

HQVN -

Sáu mươi năm đã trôi qua nhưng những bài học về tiến hành công tác đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) trong mở đường Hồ Chí Minh trên biển, vận chuyển chi viện chiến trường miền Nam vẫn còn nguyên giá trị đối với công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc hiện nay.

Thực hiện chủ trương chi viện cho cách mạng miền Nam của Trung ương Đảng, ngày 23/10/1961, Bộ Quốc phòng thành lập Đoàn 759, còn gọi là Đoàn tàu Không số, tiền thân của Đoàn 125, nay là Lữ đoàn 125 Hải quân, có nhiệm vụ vận chuyển người, vũ khí, hàng quân sự bằng đường biển vào chiến trường Nam Bộ. Trong 14 năm (1961-1975), Đoàn 759/Đoàn 125 đã vận chuyển hàng trăm ngàn tấn vũ khí, hàng chục ngàn lượt người chi viện cho quân dân miền Nam giết giặc lập công, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng; khẳng định tài thao lược, nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân của Đảng ta và Bác Hồ. Thắng lợi của đường Hồ Chí Minh trên biển là tổng hợp của nhiều yếu tố, được hình thành từ quá trình dày công tiến hành các mặt công tác của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân và cấp ủy, chỉ huy các cấp, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Trong đó, CTĐ, CTCT giữ vai trò “linh hồn, mạch sống”, bảo đảm cho công tác lãnh đạo, chỉ huy tuyến vận tải chiến lược trên biển thông suốt, hiệu lực, hiệu quả; trực tiếp góp phần xây dựng những tổ chức, những con người ưu tú, có đủ phẩm chất, năng lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện chiến trường.

Cán bộ, chiến sĩ Đoàn 125 đón nhận lẵng hoa của Bác Tôn tặng năm 1970. Ảnh: TL

Nghiên cứu, tổng kết thực tiễn CTĐ, CTCT trong mở Đường Hồ Chí Minh trên biển, vận chuyển chi viện chiến trường miền Nam, có thể rút ra một số bài học sau đây:

Thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, xây dựng bản lĩnh, ý chí quyết tâm chiến đấu cho lực lượng vận chuyển chi viện

Vận chuyển bằng đường biển chi viện miền Nam vô cùng khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, bởi địch ngăn chặn, phong tỏa, đánh phá rất ác liệt. Muốn hoàn thành nhiệm vụ, cán bộ, thủy thủ phải có bản lĩnh, ý chí quyết tâm, dám nhận nhiệm vụ, dám đối mặt với hiểm nguy rình rập trên suốt hải trình. Điều này đặt ra cho công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng phải luôn đi trước một bước.

Từ nhận thức đó, Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Hải quân đã chỉ đạo Cục Chính trị và Đoàn 125 tiến hành giáo dục bộ đội thường xuyên, liên tục, đi sâu đến từng tổ chức, từng con tàu, bằng nhiều hình thức, phương pháp; kết hợp giáo dục chính khóa với ngoại khóa, giáo dục theo kế hoạch và theo tình hình nhiệm vụ. Nội dung tập trung làm rõ nhiệm vụ của cách mạng, Quân đội, Quân chủng và đơn vị; âm mưu của Mỹ-ngụy; tầm quan trọng, tính cấp bách của vận chuyển chi viện miền Nam; truyền thống đánh giặc của dân tộc; ý thức tổ chức kỷ luật, cảnh giác, phòng gian, giữ bí mật; tinh thần khắc phục khó khăn, không sợ hy sinh, gian khổ, tin tưởng vào thắng lợi...

Cấp ủy, chỉ huy các cấp luôn nắm chắc diễn biến tư tưởng của bộ đội để có biện pháp lãnh đạo, định hướng, giáo dục kịp thời. Chú trọng rút kinh nghiệm sau mỗi chuyến đi, mỗi giai đoạn vận chuyển nhằm phát huy mặt mạnh, khắc phục mặt yếu, giữ vững trận địa tư tưởng và ý chí quyết tâm chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ.

Ở từng thời kỳ, công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng có sự điều chỉnh nội dung, hình thức phù hợp. Điển hình là trước khi Tàu C143 bị lộ ở Vũng Rô (Phú Yên) tháng 2/1965, Quân chủng giáo dục cho bộ đội thực hiện tốt phương châm vận chuyển: Nhanh, nhiều, táo bạo, thận trọng, bí mật, an toàn. Sau khi con đường vận chuyển trên biển bị địch phát hiện, công tác vận tải gặp rất nhiều khó khăn, Quân chủng chỉ đạo mở đợt học tập, sinh hoạt chính trị tư tưởng, nghiêm túc rút kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm; động viên bộ đội khắc phục khó khăn, không lùi bước, chủ động, sáng tạo, chuyển sang phương thức vận chuyển mới: Du kích, bí mật, bất ngờ cao, độc lập đi biển tốt, mưu trí, linh hoạt, kiên trì, lấy tránh địch là chính, SSCĐ cao…

Kiện toàn, củng cố vững chắc, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của hệ thống tổ chức đảng, nhất là chi bộ các tàu vận tải

Các tàu làm nhiệm vụ trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển phải hoạt động độc lập, dài ngày, xa sự lãnh đạo, chỉ huy của cấp trên, trong điều kiện địch ngăn chặn, phong tỏa gắt gao, có nhiều tình huống bất ngờ nảy sinh. Do đó, vai trò lãnh đạo của hệ thống tổ chức đảng quyết định khả năng hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị.

Để đáp ứng yêu cầu khách quan này, Đảng ủy Quân chủng kịp thời điều động, bổ sung cán bộ, đảng viên cho Đảng bộ Đoàn 125, ưu tiên các tàu vận tải. Đội ngũ đảng viên được giáo dục, rèn luyện, trưởng thành nhanh chóng về nhiều mặt; SSCĐ hy sinh, sẵn sàng nhận gian khổ, hy sinh về mình, nhường thuận lợi và sự sống cho đồng chí, đồng đội; nêu cao vai trò tiền phong, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ. Từ đảng bộ cơ sở hai cấp với 4 chi bộ trực thuộc những năm đầu thành lập, đến năm 1965, Đảng bộ Đoàn 125 phát triển thành đảng bộ cơ sở 3 cấp, tỷ lệ lãnh đạo 50,67%, riêng các tàu 65,8%, bảo đảm mỗi chi bộ thực sự là một pháo đài chiến đấu vững chắc trên từng con tàu, từng đơn vị.

Trước năm 1965, do tính chất đặc biệt của nhiệm vụ chi viện chiến trường nên Đảng ủy Đoàn 125 chỉ lãnh đạo công tác bảo đảm, xây dựng đơn vị và huấn luyện, còn nhiệm vụ vận chuyển, Đảng ủy Đoàn làm tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân lãnh đạo, chỉ huy, quyết định xử lý những vấn đề cụ thể. Sau sự kiện Vũng Rô, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân giao Đảng ủy, chỉ huy Đoàn 125 trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy vận chuyển nhằm phân cấp, phân quyền phù hợp với tình hình mới rất khẩn trương, quyết liệt.

Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp vững mạnh, đủ số lượng, chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu vận tải chi viện chiến lược

Quân chủng chủ động tuyển chọn nguồn cán bộ từ các đơn vị, đồng thời đề nghị Bộ Quốc phòng tuyển dụng cán bộ ngoài quân đội, bổ sung cho Đoàn 125. Cán bộ điều động về Đoàn 125 phải đáp ứng các tiêu chuẩn: Trình độ giác ngộ chính trị cao, tuyệt đối trung thành, đã qua thử thách chiến đấu và công tác; có khả năng tổ chức, chỉ huy, hiệp đồng; dày dạn bản lĩnh, kỹ năng, kinh nghiệm đi biển; nắm chắc kiến thức hàng hải, chuyên môn kỹ thuật; sử dụng thành thạo phương tiện, VKTB; thông thạo luồng lạch, khí tượng, hải văn; hiểu luật lệ, tập quán đi biển của Việt Nam và quốc tế; sức khỏe tốt, chịu được sóng gió khi đi biển đường dài…

Quân chủng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, nhà trường tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là cán bộ chỉ huy, cán bộ các ngành trên tàu. Hầu hết số cán bộ tàu, ngành được đào tạo cơ bản hoặc bổ túc tại Trường Huấn luyện Hải quân, một số được đào tạo, bổ túc ở trong và ngoài nước.

Với phương châm kết hợp đào tạo tại trường với bồi dưỡng tại chức, các lớp học ngắn ngày do Đoàn 125 tổ chức luân phiên giữa hai đợt công tác của các đội tàu đã phát huy hiệu quả, nhanh chóng bổ khuyết kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn cho cán bộ. Việc quản lý và sử dụng cán bộ được cấp ủy các cấp thực hiện đúng nguyên tắc, phát huy năng lực, sở trường, tạo điều kiện cho cán bộ trưởng thành về mọi mặt. Đội ngũ cán bộ chủ chốt được chuẩn bị đủ số lượng, chất lượng, mỗi khi có phương tiện xuất xưởng là có khung cán bộ nhận bàn giao được ngay. Bên cạnh đó, công tác chính sách cũng được quan tâm đúng mức, kịp thời động viên cán bộ ra sức cống hiến cho đơn vị.

Bảo vật quốc gia Tàu HQ-671. Ảnh: Hải Hà

Coi trọng công tác bảo vệ an ninh, dân vận và thực hiện chính sách trong chiến đấu, giữ bí mật tuyệt đối nhiệm vụ, con đường vận chuyển chi viện

Quân chủng chỉ đạo các cơ quan và Đoàn 125 giữ bí mật tuyệt đối mọi khâu, mọi bộ phận công tác, từ lãnh đạo, chỉ huy, xuống đến cán bộ, chiến sĩ. Việc tuyển chọn người vào đơn vị rất chặt chẽ, bảo đảm chất lượng chính trị, không để địch móc nối, cài cắm. Cơ quan an ninh Quân chủng thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra Đoàn 125 rà soát, làm trong sạch nội bộ; quy định rõ các mối quan hệ của quân nhân; người nào làm việc gì biết việc nấy, không tò mò công việc của người khác.

Bộ đội đề cao cảnh giác, chấp hành nghiêm quy định phòng gian, giữ bí mật nhiệm vụ, bến bãi, tuyến đường vận chuyển. Tàu đi làm nhiệm vụ được ngụy trang giống tàu buôn của nước ngoài, tàu cá của ngư dân Nam Bộ. Cán bộ, thủy thủ mang mặc trang phục phù hợp với chủng loại tàu giả dạng. Đoàn 125 phối hợp với địa phương nắm tình hình địa bàn, chống địch hoạt động tình báo, gián điệp; bảo vệ an ninh, an toàn đơn vị, bến bãi; đấu tranh làm thất bại thủ đoạn chiến tranh tâm lý, tuyên truyền lừa bịp, xuyên tạc, dụ dỗ, chiêu hồi của địch.

Quân chủng và Đoàn 125 luôn làm tốt công tác dân vận, xây dựng mối đoàn kết quân dân, hiệp đồng lực lượng, nhất là với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Thương nghiệp, Bộ Nông trường, Tổng cục Thủy sản và các tỉnh thành ven biển để tuyển chọn cán bộ, thủy thủ; đóng mới, sửa chữa tàu thuyền, mua sắm vật tư, trang bị; xây dựng, bố trí bến bãi, cầu cảng, kho cất giấu hàng... Huy động đông đảo dân công, dân quân, du kích tham gia vận chuyển hàng tại các bến bãi; tuyên truyền, vận động nhân dân phòng gian, giữ bí mật, xây dựng địa bàn hoạt động an toàn, tạo vành đai an ninh cho tuyến đường chi viện. Đồng bào hai miền Nam-Bắc hết lòng đùm bọc, chở che bộ đội; giúp đỡ đơn vị cất giấu, bảo vệ hàng chi viện, chống địch lùng sục, càn quét, phá hoại.

Cơ quan chức năng và Đoàn 125 bảo đảm tốt các chế độ, chính sách; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội. Những quân nhân có hoàn cảnh gia đình khó khăn được đơn vị trợ cấp một phần nhỏ về vật chất đồng thời cử người về đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm giúp đỡ. Khi có cán bộ, thủy thủ hy sinh, bị thương, Quân chủng đề nghị trên giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách, ghi nhận xứng đáng công lao, đóng góp của các cá nhân, tập thể.

Giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa công tác tư tưởng với công tác kỹ thuật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chi viện chiến trường

Muốn mở Đường Hồ Chí Minh trên biển thành công, muốn vận chuyển được vũ khí vào những chiến trường nằm sâu trong lòng địch thì vấn đề có tính chất quyết định là bản lĩnh, ý chí quyết tâm, lòng quả cảm, tinh thần xả thân vì lý tưởng cách mạng của những con người đã làm nên huyền thoại Đoàn tàu Không số.

Nhờ được giáo dục, tôi luyện qua thực tiễn chiến đấu và công tác nên cán bộ, chiến sĩ Đoàn 125 luôn có trình độ giác ngộ chính trị cao, bản lĩnh vững vàng; sẵn sàng nhận nhiệm vụ, sẵn sàng chấp nhận hy sinh; dám đối mặt với  sóng gió, hiểm nguy, khôn khéo, dũng cảm cùng con tàu vượt qua các phòng tuyến ngăn chặn của kẻ thù, đưa hàng chi viện đến đích an toàn.

Tuy nhiên, vận tải chi viện miền Nam không chỉ giành thắng lợi bằng yếu tố tinh thần hay ý chí thuần túy mà còn phải dựa trên năng lực sáng tạo, trình độ làm chủ khoa học kỹ thuật, làm chủ phương tiện, làm chủ biển khơi. Do đó, quá trình xây dựng lực lượng vận tải và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chi viện, Quân chủng luôn giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa công tác tư tưởng với công tác kỹ thuật, trong đó công tác tư tưởng giữ vai trò tiên quyết, công tác kỹ thuật là khâu then chốt.

Cùng với làm tốt công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, Quân chủng tập trung mọi nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật; quản lý, khai thác tốt phương tiện, tàu thuyền, bến bãi, kho tàng; tích cực đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Đường Hồ Chí Minh trên biển…

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn