Mất tiền vì nhẹ dạ cả tin
HQ Online -
Chị T là giáo viên dạy Toán của một trường THCS ở Quảng Ninh. Mặc dù đồng lương eo hẹp nhưng nhờ có "nghề tay trái" nên hai vợ chồng chị T đã tiết kiệm được gần 900 triệu đồng, dự định sẽ vay mượn thêm để xây ngôi nhà mới thay cho căn nhà đang ở chật chội, xuống cấp. Khoản tiền này được chị T gửi tiết kiệm online, mỗi tháng trừ các khoản chi tiêu, sinh hoạt gia đình, tiền tiết kiệm được chị gửi vào ngân hàng qua hình thức trực tuyến.
Một buổi chiều, chị T đang chăm chú xem lại bản thiết kế ngôi nhà, chợt chuông điện thoại reo. Đầu dây bên kia là một giọng nữ tự xưng là cán bộ phòng PC05, Công an TP Đà Nẵng. Người "cán bộ" này cho biết tài khoản ngân hàng của chị T đang có vấn đề và sẽ có cán bộ công an gọi điện trao đổi cụ thể. Một lúc sau, chị T tiếp tục nhận được cuộc gọi của một "cán bộ" giới thiệu là cảnh sát hình sự. Người này cho biết hiện đang có một tài khoản đứng tên chị T được lập ở Đà Nẵng và có nhiều đơn tố cáo.
Nếu đúng chị T không lập tài khoản này thì chị phải cung cấp đầy đủ thông tin để xác minh. Thấy chị T tỏ thái độ lo lắng, vị "cán bộ" khéo léo hỏi chị thông tin về họ tên, ngày tháng năm sinh, số căn cước công dân, tài khoản ngân hàng... Không chút nghi ngờ, chị T cung cấp thông tin mà không biết rằng, trong quá trình nói chuyện, các đối tượng lừa đảo đã đăng nhập vào tài khoản ngân hàng của chị với mục đích để tài khoản bị khóa vì nhập sai mật khẩu.
Để khôi phục tài khoản, chị được đối tượng hướng dẫn cài đặt phần mềm, sau đó sẽ được gửi đường link xác nhận. Chị T thực hiện theo đúng hướng dẫn, một lúc sau, chị được đối tượng thông báo đường link đã được chấp nhận, đến sáng hôm sau tài khoản sẽ hoạt động bình thường...
Ảnh minh họa
Trong bữa cơm tối, chị T "khoe" với chồng: “May quá, hôm nay suýt nữa thì em bị mất tài khoản ngân hàng, nhờ có anh công an hỗ trợ mà em đã lấy lại được...”. Nghe chuyện, chồng chị T nghi ngờ, yêu cầu vợ lập tức kiểm tra. Chị T vội vàng đăng nhập vào tài khoản ngân hàng nhưng không được vì vẫn bị khóa. Sáng hôm sau, chị T ra ngân hàng kiểm tra tài khoản thì được nhân viên ngân hàng cho biết, toàn bộ số tiền trong tài khoản đã được tất toán trực tuyến từ ngày hôm qua. Lúc này chị T mới bàng hoàng nhận ra chỉ vì nhẹ dạ cả tin nên đã mất hết số tiền gom góp được sau nhiều năm lao động vất vả.
Tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đang diễn ra rất phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Để tránh trở thành nạn nhân, mỗi người cần tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết, như không đăng nhập vào đường link lạ, không cung cấp bất kỳ nội dung gì liên quan đến thông tin cá nhân hoặc tài khoản ngân hàng, không cung cấp OTP cho người khác...
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo 3 kỹ năng cơ bản để bảo đảm an toàn thông tin cá nhân:
-Hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân của mình trên mạng, trừ khi chắc chắn rằng thông tin được sử dụng có kiểm soát và chỉ cung cấp thông tin cá nhân cho cá nhân và tổ chức tin tưởng;
-Sử dụng mật khẩu an toàn, mật khẩu nên dài hơn 8 ký tự bao gồm cả chữ hoa, chữ thường, số và ký tự đặc biệt, nên đổi mật khẩu thường xuyên;
-Sử dụng các công cụ bảo mật như phần mềm chống virus và phần mềm chống đánh cắp thông tin để bảo vệ tài khoản của mình trên mạng.
Dương Hưng (TH)
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo bán vé Tết Nguyên đán 2025 - ( 20-11-24 10:00 )
- Cảnh giác thủ đoạn giả danh cảnh sát giao thông để lừa đảo chiếm đoạt tài sản - ( 13-11-24 03:00 )
- Cảnh báo thủ đoạn quảng bá tệ nạn thông qua các chiến dịch miễn phí - ( 09-11-24 08:00 )
- Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt thông qua mời xem phim online và bình chọn được trả phí - ( 22-10-24 07:00 )
- Cảnh báo lừa đảo thông qua hình thức giao hàng - ( 03-10-24 05:00 )