Mâm ngũ quả ngày Tết

HQVN -

Quê tôi, xã Minh Tân-mảnh đất phía Đông Bắc huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Mặc dù cuộc sống của người dân nơi đây còn khó khăn, vất vả nhưng mỗi khi Tết đến, xuân về, người dân nơi đây lại thi nhau làm mâm ngũ quả. Tất cả cùng tập trung cho mâm ngủ quả của gia đình thật đầy đặn, đẹp mắt, mong muốn một năm sung túc, gặp nhiều may mắn.

Khác với mọi năm, năm nay bố tôi chuẩn bị các loại hoa quả từ rất sớm. Ông bảo, đây là lòng thành đối với tổ tiên và mừng cậu con út từ đảo xa về ăn Tết. Thế là ông tìm đến làng Bưởi, xã Lâm Động để chọn một quả bưởi thật đẹp, vì bưởi ở xã Lâm Động nổi tiếng với quả tròn, to, vàng đều và đặc biệt là vị thơm của nó rất riêng. Bố tôi lý giải, không biết phong tục làm mâm ngũ quả quê mình có từ bao giờ, phải chăng vì đất nước ta bốn mùa hoa trái, nhất là vào mùa xuân hoa quả càng rộ và đua nhau khoe sắc, hoa quả luôn được ví như lộc của thiên nhiên, của đất trời. Lộc xuân càng quý hơn khi được các con cháu trong đại gia đình người Việt, cũng như được người dân quê tôi thành kính dâng lộc trời để cúng ông bà, tổ tiên trong những ngày Tết, thật là một phong tục đẹp và chứa đựng nhiều nét nhân văn.


 

Mâm ngũ quả ở xã Minh Tân, Thủy Nguyên, Hải Phòng

Hàng năm vào khoảng 26 đến 28 tháng Chạp âm lịch, nhà nhà đều bày biện mâm ngũ quả cùng với nhiều sản vật khác trên bàn thờ, các loại quả thường được bày trên một cái mâm bằng gỗ tiện, sơn son, có chân được nhân dân gọi là mâm bồng, hoặc trên một cái đĩa to được đặt trên một chồng bánh chưng, để tạo dáng cao, uy nghiêm và thành kính. Mâm ngũ quả thường có 5 loại, theo các vị bậc cao niên trong làng, am hiểu về nho giáo giải thích, xuất xứ của mâm ngũ quả có liên quan đến quan niệm triết lý khổng giáo của phương Đông. Theo quan niệm đó, thì thế giới được tạo lên từ năm bản nguyên gọi là “ngũ hành” tượng trưng cho Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ, nghĩa là 5 yếu tố cấu thành vũ trụ. Còn theo quan niệm của dân gian thì “quả” tức là trái cây, được xem như biểu tượng cho thành quả lao động một năm. Ông cha ta đã chọn 5 loại trái cây để cúng đêm giao thừa là ngụ ý rằng, những sản vật này, là sự kết tinh từ công sức, mồ hôi, nước mắt của con người lao động, kính dâng lên đất trời, thần thánh trong giờ phút linh thiêng của vũ trụ vạn vật sinh tồn. Tư tưởng và hình ảnh ấy, đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt bao đời nay.

 Tùy vào các vùng, các miền do mùa xuân hoa trái khác nhau, nên mâm ngũ quả cũng khác nhau như chuối, bưởi, phật thủ, dưa hấu, cam quýt, dừa, na, hồng xiêm, táo… Mỗi quả mang một ý nghĩa như chuối và phật thủ tượng trưng cho bàn tay che chở. Quả bưởi và dưa hấu luôn căng tròn, mát lành, hứa hẹn năm mới đầy ngọt ngào, may mắn. Quả hồng, quýt rực lên màu sắc mạnh mẽ, tượng trưng cho sự thành đạt. Để có một mâm ngũ quả như ý thì phải kỳ công lựa chọn những loại hoa quả, trong đó chuối là yếu tố quan trọng. Để có một mâm ngũ quả đẹp, người xếp phải luôn khéo, tạo nên sự cân đối, hài hòa và một phong thái riêng cho mâm ngũ quả. Nét riêng mâm ngũ quả của người dân quê tôi là khi hoàn thiện bao giờ cũng có một con rồng được làm bằng râu quả dừa, được trang trí bằng giấy trang kim nhiều màu sắc, được bố cục theo đầu của con rồng tạo nên sự sang trọng cho mâm ngũ quả ngày Tết...
Khi tôi tạm biệt gia đình trở lại đơn vị, trước khi đi, bố tôi chắp tay trước bàn thờ xin tổ tiên ít lộc trên mâm ngũ quả để tôi mang đến đơn vị làm quà và kể cho đồng đội về mâm ngũ quả ngày Tết quê mình.
                                                                                                                                        Bài, ảnh:Hoàng Phương

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn